Thể loại: Tâm lý, hài hước
Đạo diễn: Huỳnh Tuấn Anh
Diễn viên chính: NSƯT Thành Lộc, Hoàng Yến Chibi, Quang Minh, Hồng Đào, Liên Bỉnh Phát, Xuân Trường
Zing.vn đánh giá: 6/10
Ngôi nhà bươm bướm có nội dung dựa trên vở kịch La Cage aux Folles của Pháp. |
Nội dung Ngôi nhà bươm bướm xoay quanh câu chuyện tình của Hoàng (Liên Bỉnh Phát) và Mai (Hoàng Yến Chibi).
Yêu nhau trong lúc cùng du học ở Mỹ, cả hai quyết định tiến đến hôn nhân. Rắc rối nằm ở chỗ ba mẹ của Hoàng - ông Cường (Quang Minh) và dì Hân (NSƯT Thành Lộc) - là một đôi đồng tính.
Trong khi đó, phía sui gia là ông Thịnh (Xuân Trường) chuẩn bị lên chức hiệu trưởng một ngôi trường cấp III có tiếng ở Hà Nội, và mang quan niệm sống truyền thống, khắt khe. Sau vài lần thuyết phục, Mai mới có thể đưa cha và mẹ (Hồng Đào) vào Sài Gòn để gặp gỡ gia đình Hoàng.
Từ đây, hàng loạt sự kiện dở khóc dở cười xảy ra khiến cuộc hôn nhân của đôi trẻ đứng trước nguy cơ tan vỡ.
Hình ảnh người đồng tính gần gũi và cảm xúc
Tuy bộ phim ban đầu xoay quanh cuộc hôn nhân giữa Hoàng và Mai, nhưng câu chuyện tình giữa ông Cường và dì Hân thực tế mới là trọng tâm của Ngôi nhà bươm bướm. Giống Thưa mẹ con đi gần đây, tác phẩm mang đến hình ảnh người đồng tính theo hướng gần gũi hơn, văn minh hơn so với nhiều bộ phim Việt Nam khác.
Ông Thịnh và dì Hân là cặp vợ chồng đã ở bên nhau hàng chục năm trời. Ở họ có sự đồng cảm, quan tâm, và thậm chí là ghen tuông như biết bao đôi lứa bình thường khác. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã khéo léo xây dựng những tình huống hoặc hành động thể hiện tình cảm của cả hai rất đỗi bình dị.
Giống Thưa mẹ con đi, gần đây, hình ảnh người đồng tính hiện lên rất văn minh trong Ngôi nhà bươm bướm. |
Ngay cả cách xưng hô của họ cũng thể hiện rõ sự gắn bó suốt nửa đời người. Hân chẳng hề kêu gào quyền bình đẳng hay tỏ ra đau khổ khi không được thể hiện sự quan tâm nơi công cộng. Thay vào đó, nhân vật ra dáng một “phụ nữ” hiện đại khi vừa đảm đương công việc ca hát ở quán bar, vừa chu toàn nội trợ, chăm sóc gia đình.
“Bà” yêu thương Hoàng như con ruột và chỉ tỏ ra tủi thân khi không thể cùng cậu quý tử ra mắt gia đình sui gia. Hân không hề sợ sự kỳ thị của người xung quanh khi công khai bày tỏ quan điểm về đồng tính theo tự nhiên, nhưng lại lo lắng sẽ bị chính những thành viên trong gia đình bỏ rơi.
Từ đây, bộ phim nhấn mạnh thông điệp rằng tình cảm của người đồng tính như Hân với Cường thực ra giản dị như Hoàng với Mai vậy. Họ cũng có quyền được hạnh phúc, chứ không chỉ đóng vai trò mua vui hay chịu số phận bi đát như thường thấy trên màn ảnh.
Kịch bản chưa thật sự mượt mà
Nội dung Ngôi nhà bươm bướm thực tế được chuyển thể từ vở kịch La Cage aux Folles (1973) của Pháp. Tác phẩm nhiều lần bước lên màn ảnh rộng trong quá khứ như bộ phim cùng tên năm 1978, hay The Birdcage (1996) của cố diễn viên Robin Williams.
Dù có nền móng vững chắc, nội dung Ngôi nhà bươm bướm chưa có đủ sự mượt mà. Thay vì tập trung vào cuộc gặp gỡ giữa hai gia đình, phim lại quá sa đà vào những gì diễn ra trước đó.
Kịch bản phim còn nhiều điểm lấn cấn, tham lam và thiếu hợp lý. |
Việc dì Hân chấp nhận lùi ra phía hậu trường để buổi gặp mặt giữa hai bên diễn ra thuận lợi bị kéo dài không cần thiết. Vì thế, hơn nửa đầu phim “lạc trôi” vào các tình huống câu nước mắt lê thê, cũng như một số màn chọc cười kém duyên.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh lạm dụng quá nhiều phần lời thoại và dàn dựng sân khấu khiến tác phẩm mang nặng tính kịch. Buổi ra mắt, lẽ ra là trường đoạn “đinh” của bộ phim, cũng không đạt đến sự hài hước và ý nghĩa cần thiết.
Không những thế, ê-kíp Ngôi nhà bươm bướm còn tỏ ra tham lam khi thêm vào chi tiết đấu đá nội bộ ở ngôi trường mà ông Thịnh đang giảng dạy. Kết quả là hàng loạt mâu thuẫn bị dồn vào phần thời lượng ít ỏi cuối phim, cũng như được giải quyết hết sức khiên cưỡng.
Chưa kể, gia đình Mai vốn được xây dựng là gia giáo, truyền thống, nhưng lại dễ dàng chấp nhận bay vào Sài Gòn để ra mắt nhà trai thay vì ngược lại. Mối quan hệ rắc rối giữa Cường, Hân và mẹ ruột của Hoàng (Vân Trang) cũng không được kịch bản giải thích rõ ràng.
Diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên gạo cội
Mang nội dung hiện đại, nhưng Ngôi nhà bươm bướm lại là “sân chơi” của những diễn viên gạo cội như Quang Minh, Hồng Đào, Xuân Trường và Thành Lộc. Với diễn xuất bậc thầy, ngôi sao Ngày xửa ngày xưa thể hiện vai Hồ Ngọc Hân ấn tượng không kém gì phiên bản của Robin Williams.
Nhân vật của Thành Lộc có sự biến hóa đa dạng, từ một ca sĩ nữ tính trên sân khấu cho tới hình ảnh nam tính để tránh sự soi mói ngoài xã hội. Trong cuộc sống thường ngày, Hân có sự cân bằng rõ rệt với chất giọng dịu dàng, cử chỉ nhẹ nhàng, nhưng không hề õng ẹo, chua ngoa.
NSƯT Thành Lộc có thêm một vai diễn đáng nhớ trên màn ảnh rộng. |
Ông Cường của Quang Minh được xây dựng theo kiểu mạnh mẽ, nam tính để làm chỗ dựa cho Hân. Song, nhân vật đôi lúc cũng có những hành động yếu mềm nhằm thể hiện rõ giới tính. Nhờ vậy, cả hai có màn tung hứng ăn ý và mang đến cả tiếng cười lẫn những giọt nước mắt cho khán giả.
Xuân Trường và Hồng Đào tròn vai trong hình ảnh đôi vợ chồng nhà giáo khắt khe. Điểm trừ của bộ phim lại thuộc về đôi Hoàng và Mai. Không chỉ thiếu đất diễn, Hoàng Yến Chibi và Liên Bỉnh Phát có rất ít biểu cảm, tương tác giá trị xuyên suốt tác phẩm, và hoàn toàn tỏ ra “dưới cơ” các bậc đàn anh, đàn chị.
Có thể nói Ngôi nhà bươm bướm mang đến thông điệp gần gũi và ý nghĩa về người đồng tính. Song, tác phẩm vẫn vấp phải điểm yếu cố hữu của điện ảnh Việt là khâu kịch bản khiến trải nghiệm chưa thực sự trọn vẹn. Dẫu sao, màn trình diễn của bộ đôi Thành Lộc - Quang Minh trong phim cũng là rất đáng khen ngợi.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.