Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngôi nhà ở làng Bui

Khi Tạ Thị Ngọc Điệp (28 tuổi, giảng viên CĐ nghề Gia Lai) dẫn sinh viên về làng Ja Rai để giúp dân làm chuồng bò, hình ảnh một người mẹ nghèo và đàn con nheo nhóc ám ảnh cô

Người mẹ nghèo ấy tên Bunh. Chồng Bunh chết rồi, chị một mình nuôi bảy đứa con. Hằng ngày Bunh phải đi làm thuê, nhổ củ mì về đổi gạo cho con. Đêm đêm, trên tấm chiếu manh mấy mẹ con nằm ôm nhau co ro trên nền đất giá buốt. Lúc Điệp đến, mấy mẹ con Bunh đang ngồi bốc cơm trên tàu lá chuối đặt giữa nền đất. Những đứa trẻ, đứa thì mặc quần áo, đứa chẳng mặc gì, mặt mày bê bết bùn đất, nước mũi lò thò giành nhau từng hạt cơm chấm muối trắng.

Cô giáo Điệp (bìa phải) và mẹ con chị Bunh bên ngôi nhà sắp hoàn thành.

Tớ góp 50.000 đồng được không?

"Xã có quá nhiều hộ nghèo chẳng đủ cái ăn. Trong những hộ nghèo đó nhà Bunh được coi là hộ nghèo nhất. Nhiều hôm cán bộ xã xuống thăm nhà, thấy mẹ con Bunh nằm trên nền đất bốc từng nắm cơm chấm muối trắng. Cán bộ thương quá đành chạy ra xã mua ít gạo, cá khô về phát cho mẹ con ăn qua ngày. Ngày cô giáo Điệp chạy xuống tâm sự với xã về ý định xây nhà, mình mừng lắm. Vậy là có người cũng thương Bunh như mình".

Ông Nguyễn Công Sơn (chủ tịch UBND xã Ia Ka)

Trở về Pleiku, Điệp trăn trở trên Facebook cá nhân của mình về trường hợp chị Bunh. Cô bảo cô sẽ đóng vai người đi xin, sẽ xin khắp nơi, làm trung gian, làm đầu mối kết nối mọi người để kiếm tiền giúp xây cho chị và các cháu một ngôi nhà. Ngay khi những dòng đầu tiên cô giáo trẻ viết lên Facebook, câu chuyện về bà mẹ nghèo nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Đã có những phản hồi đầu tiên của những người bạn hứa sẽ quyên góp cùng Điệp thực hiện ước mơ xây nhà cho Bunh.
Ngày 15/2/2014, khi đã gom được trong tay những đồng tiền đầu tiên từ bạn bè góp, Điệp nhờ sinh viên lên huyện xin bảng dự toán xây một căn nhà, rồi về hì hục tính toán, vẽ ảnh mô hình ngôi nhà để tiếp tục đưa lên Facebook.

Ngày 17/2, khi số lượng những người bạn cùng chung tay với Điệp đã nhiều lên thì cô giáo trẻ tiếp tục xuống làng vận động bà con. “Dân góp được chừng nào thì góp, nhưng cũng phải tổ chức để bà con đóng vào để họ sống thêm tình cảm với nhau”. Điệp viết trên Facebook: “Sáng nay người trong làng đã họp dân, họ bảo từ khi cô giáo nói sẽ cùng với người dân làm nhà cho Bunh, dân làng vui lắm. 

Làng ấy còn 76 hộ nghèo nhưng họ đã góp được 410.000 đồng. Bao nhiêu cũng được, có bạn hỏi mình tớ góp 50.000 đồng được không? Tôi nhận, nhận hết, tiền không đơn thuần là tiền nữa mà bao hàm cả sự chia sẻ, động viên. Biết được chuyện này chị Bunh khóc. Ừ, khóc cũng phải thôi, phải hi vọng chứ. Tôi hi vọng tôi làm được, còn chị, hi vọng chị có nhà”.

Ngày 20/2, cô giáo trẻ chạy xe máy một mạch xuống làng để thực hiện một việc trọng đại: động thổ xây nhà cho mẹ con chị Bunh. Việc động thổ có sự hiện diện của chính quyền xã, già làng, Đoàn thanh niên. Điệp được nhận một vinh dự lớn lao: đứng ra làm chủ lễ cúng xin phép thổ địa cho động thổ xây nhà.

Chung tay

Bunh kể rằng trước đây Nhà nước cũng đã cho chị một cái nhà nhưng mấy năm sau đó, chồng Bunh uống rượu miết rồi một hôm không có tiền, về dỡ cả mái tôn ra bán lấy tiền mua rượu. Cái ăn đã cơ cực, mái tôn cũng chẳng thể mua nổi nên ngôi nhà thành hoang phế từ đó. Sau ngày chồng mất, mẹ con Bunh được người làng dựng cho một cái chòi nằm giữa cánh đồng để nuôi nhau.

Cô giáo Điệp kể những ngày đi xin tiền xây nhà, chẳng đêm nào Điệp ngủ được. Nhắm mắt lại là thấy căn nhà nhỏ hiện lên, bảng quyết toán chi phí, những con số cứ nhảy múa trong đầu. Hết giờ lên lớp, Điệp lại chạy khắp nơi trò chuyện ý định với bạn bè, rồi liên hệ với nhiều cơ quan để xin tiền ủng hộ.

Có hôm vừa xin được tiền mừng quá, cô giáo chạy xe mải miết rồi bị công an giao thông giữ lại. Bước xuống xe, Điệp chỉ cười trừ bảo: “Tôi đang nhẩm trong đầu tiền xây nhà cho chị Bunh ở làng Bui, không biết quá tốc độ”. Mấy anh công an nghe qua cười xòa rồi bảo: “Thôi chẳng phạt nữa, chúng tôi cũng góp thêm cho chị”. Điệp kể thêm hôm chạy xe đi tìm nhóm thợ xây nhà, ông tổ trưởng tổ thợ xây nghe qua câu chuyện của Điệp cũng chặc lưỡi: “Tụi tui cũng khổ, mà thấy chị như thế nên góp cho mấy ngày công. Số ngày công được quy ra tiền giúp đỡ mẹ con Bunh”.

Cô giáo Điệp cho biết đến hôm nay tổng số tiền cô quyên góp gần 50 triệu đồng, trong khi quyết toán nhà cho mẹ con chị Bunh hết 47 triệu đồng. Số tiền dư cô sẽ trực tiếp mua cây bời lời về trồng thành một khu vườn cho mẹ con chị Bunh “làm kinh tế”. Chuẩn bị bước vào nhà mới để ở, Bunh mừng tủi nói rằng ngày làm lễ vào nhà sẽ mời cả làng đến chung vui, nhờ già làng cúng Yàng để cảm ơn mọi người và cầu sức khỏe cho cô giáo.

Xin Yàng phù hộ cho cô giáo

Một ngày đầu tháng 3, Điệp dẫn chúng tôi trở về thăm ngôi nhà ở làng Bui. Dưới cái nắng bỏng rát của tháng 3 Tây nguyên, những đứa con nhỏ của Bunh cứ thế ngồi trên đống cát nheo mắt ngước nhìn thợ xây đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng cho ngôi nhà bê tông kiên cố. Không kìm được lòng, chị Bunh nắm tay cô giáo Điệp bật khóc: “Mình khổ quá, chẳng bao giờ nghĩ sẽ có nhà để ở đâu. Vậy mà cô giáo ở đâu đến cho mình cái nhà, mình sẽ làm lễ cúng xin Yàng phù hộ cho cô giáo thêm sức khỏe”.

http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/598289/ngoi-nha-o-lang-bui.html

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm