Vòng nguyệt quế chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24. Ảnh: Ái My. |
Tính đến năm thứ 24, chương trình Đường lên đỉnh Olympia đã có 62 trường trên toàn quốc có thí sinh tham dự trận chung kết năm.
Ngôi trường nhiều nhà vô địch nhất
Có 3 ngôi trường từng có 2 học sinh chiến thắng tại trận chung kết Olympia, đó là trường THPT chuyên Quốc học - Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (tỉnh Vĩnh Long) và trường THPT Hòn Gai (Quảng Ninh).
Cụ thể, Hồ Ngọc Hân và Hồ Đắc Thanh Chương , cựu học sinh trường chuyên Quốc học - Huế giành ngôi vô địch lần lượt tại Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9 và năm thứ 16. Thanh Chương cũng là quán quân đạt điểm số cao nhất trong các trận chung kết năm với số điểm 340.
Tại trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Ngọc Minh và Lương Phương Thảo là nhà vô địch năm đầu tiên và năm thứ 3. Đây cũng là ngôi trường duy nhất có 2 quán quân nữ.
THPT Hòn Gai là ngôi trường không chuyên có hai quán quân Olympia, là Đặng Thái Hoàng (năm 12) và Nguyễn Hoàng Cường (năm 18).
Danh sách các quán quân còn lại của Đường lên đỉnh Olympia gồm:
1. Phan Mạnh Tân, trường THPT Năng khiếu Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) - năm thứ 2;
2. Võ Văn Dũng, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) - năm thứ 4;
3. Đỗ Lâm Hoàng, trường THPT Gò Vấp (TP.HCM) - năm thứ 5;
4. Lê Vũ Hoàng, trường THPT số 1 Bố Trạch (Quảng Bình) - năm thứ 6;
5. Lê Viết Hà, trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) - năm thứ 7;
6. Huỳnh Anh Vũ, trường THPT Tăng Bạt Hổ (Bình Định) - năm thứ 8;
7. Phan Minh Đức, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) - năm thứ 10;
8. Phạm Thị Ngọc Oanh, trường THPT Tiên Lãng (Hải Phòng) - năm thứ 11;
9. Hoàng Thế Anh, THPT chuyên Bắc Giang (Bắc Giang) - năm thứ 13;
10. Nguyễn Trọng Nhân, trường THPT chuyên Tiền Giang (Tiền Giang) - năm thứ 14;
11. Văn Viết Đức, trường THPT Thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) - năm thứ 15;
12. Phan Đăng Nhật Minh, trường THPT Hải Lăng (Quảng Trị) - năm thứ 17;
13. Trần Thế Trung, trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) - năm thứ 19;
14. Nguyễn Thị Thu Hằng, trường THPT Kim Sơn A (Ninh Bình) - năm thứ 20
15. Nguyễn Hoàng Khánh, trường THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh - năm thứ 21;
16. Đặng Lê Nguyên Vũ, trường THPT Bắc Duyên Hà (Thái Bình) - năm thứ 22;
17. Lê Xuân Mạnh, trường THPT Hàm Rồng (Thanh Hóa) - năm thứ 23.
Như vậy, có 10/23 nhà vô địch Olympia học trường chuyên, 13 người không học trường chuyên. Trong số 23 quán quân, có 4 quán quân là nữ, 19 nam. Chưa có trận chung kết toàn nữ.
Bốn thí sinh vào chung kết năm nay gồm Trần Trung Kiên (trường THPT Lê Hồng Phong, Phú Yên) nhất quý I với 235 điểm; Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai) nhất quý II với 250 điểm; Võ Quang Phú Đức (trường THPT chuyên Quốc học - Huế, Thừa Thiên Huế) nhất quý III với 185 điểm; Nguyễn Nguyên Phú (trường THPT chuyên Đại học Sư phạm, Hà Nội) nhất quý IV với 215 điểm.
Trong đó, Võ Quang Phú Đức là học sinh thứ 7 của trường chuyên Quốc học - Huế lọt vào chung kết Olympia. Đây cũng là ngôi trường giữ kỷ lục về số lần có cầu truyền hình trận chung kết.
Võ Quang Phú Đức là học sinh thứ 7 của trường chuyên Quốc học - Huế lọt vào chung kết Olympia. Ảnh: FBNT. |
Tỉnh có nhiều quán quân Olympia nhất
Đến hiện tại, đã có 37 tỉnh, thành phố đã có thí sinh tham dự trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia. Chung kết năm thứ 24 sẽ được truyền hình trực tiếp vào 8h30, ngày 13/10 trên VTV3. Trung Kiên và Nhật Minh là hai nam sinh đầu tiên mang cầu truyền hình chung kết về với tỉnh Phú Yên và Gia Lai.
Tính đến năm nay, Hà Nội có 16 học sinh vào chung kết, là địa phương đứng đầu số lần có điểm cầu trực tiếp.
Xét về số quán quân, 18 tỉnh, thành có quán quân Đường lên đỉnh Olympia, gồm: Vĩnh Long, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TP.HCM, Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Tiền Giang, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên Huế,
Trong đó, Quảng Ninh dẫn đầu với 3 nhà vô địch Olympia. Ba tỉnh có 2 quán quân Olympia là Vĩnh Long, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.