Mỗi hoàn cảnh là một câu chuyện với nhiều góc khuất, tưởng chừng không lối thoát nhưng đã tìm được hướng đi tươi sáng khi bước chân vào Trường Phổ thông Nội trú IVS (Viện Nghiên cứu Vovinam và thể thao).
Trường là nhà
- Thầy ơi, em đã giành được Huy chương Vàng Giải Vovinam trẻ toàn quốc rồi. Em mừng quá mượn điện thoại báo thầy luôn… Đó là câu nói xúc động trong chiến thắng của cựu học sinh Quý gọi cho thầy Hiệu trưởng Phạm Quang Long khi kết thúc môn thi đấu.
Nhìn Quý bây giờ, không thể ngờ khi cậu học trò Hà Nội mới học lớp 7 đã khiến gia đình phải nhiều phen “thót tim” về kết quả học tập cũng như độ “gấu”.
Thấy con học tập sa sút, gia đình chiều chuộng thuê 2 gia sư kèm cặp. Những tưởng em sẽ thay đổi, cho đến một ngày, gia sư trẻ không chịu được phải khóc lóc với phụ huynh: Quý không chịu học, thường xuyên bỏ đi chơi game, dọa đánh cô giáo nếu nói với bố mẹ. Học trò gì mà mới 14 tuổi đã có biểu hiện “côn đồ”...
Những nét vẽ đam mê của học sinh Trường Phổ thông Nội trú IVS. Ảnh: Giáo Dục Thời Đại. |
Biết được “hồ sơ của con trai”, người mẹ lo lắng nhược cả người. Rồi được bạn bè giới thiệu Trường Phổ thông Nội trú IVS chuyên nhận những học sinh cá biệt, để đào tạo, chị và gia đình lập tức đưa con đến xin được nhập học.
Ban đầu, Quý vẫn giữ thái độ “gấu”, không hợp tác, nhưng dần dà, mưa dầm thấm lâu, để uốn nắn cậu không chỉ là một thầy một cô. Các thầy cô trong trường thường xuyên sát sao, nhắc nhở, nhỏ to tâm sự, khơi gợi những ưu điểm sở trường của Quý.
Chẳng hạn, tính “lỳ” nếu biết áp dụng đúng trong võ thuật, môn thể thao đối kháng, tuân thủ luật chơi... thì lại là một lợi thế rất lớn. Quý đã có những thay đổi rõ rệt.
Lấy cá nhân trị tập thể
Nói về những học sinh của trường, thầy Hiệu trưởng Phạm Quang Long lúc nào cũng thấy tâm tư, lo nghĩ. Trở về nước sau thời gian dài học tập và làm việc tại Nga, thầy Long mong muốn được gắn bó với giáo dục.
Qua tìm hiểu, nắm bắt tình hình học sinh hiện nay, người thầy điềm đạm, thương quý học trò, đã nhiều đêm trăn trở để rồi quyết tâm thành lập ngôi trường “cứu” các em, là nơi để phụ huynh yên tâm gửi gắm những “đứa con bất trị”.
Đặc biệt hơn, khi đã vào trường, cảm nhận đầu tiên của học sinh là nơi đây giống như môi trường quân đội bởi sự biệt lập với môi trường bên ngoài, dịch vụ duy nhất đó là căng tin nhỏ chỉ phục vụ ăn uống nằm trong khuôn viên của trường. Học sinh tuyệt đối không được ra khỏi cổng trường bởi xung quanh đều có tường bao kín và nhiều hàng rào dây thép, muốn “đào ngũ” cũng khó.
Phương pháp mà tập thể giáo viên tâm đắc nhất để rèn luyện học sinh là lấy cá nhân kỉ luật tập thể. Theo đó, mỗi học sinh vi phạm kỉ luật thì giáo viên và cả tập thể lớp phải chịu trách nhiệm. Thầy Long cho rằng, phương pháp này tăng tình đoàn kết và học sinh sẽ có ý thức bảo ban nhau cùng tiến bộ.
Phát triển khả năng đặc biệt của học sinh cá biệt
Theo thầy Phạm Quang Long, nhà trường đặt phương châm: Phát triển khả năng đặc biệt của học sinh cá biệt. Vì vậy, mỗi học sinh sẽ được tìm ra những sở trường, năng khiếu đặc biệt để phát triển.
Có học sinh học đàn, hát, MC, có học sinh học Vovinam, bơi lội, học vẽ, học sáng tác… Từ đó, các em không chỉ học văn hóa theo đúng chương trình quy định mà những buổi chiều, buổi tối, học sinh được tập trung học năng khiếu, kỹ năng sống.
5 năm qua, 100% học sinh thi đỗ tốt nghiệp, nhiều học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, nhiều em đã được tham gia thi đấu trong các đội tuyển thể thao…, là những con số ấn tượng động viên tinh thần của những thầy cô âm thầm làm việc không kể ngày đêm.
Rèn giũa học sinh nghiêm khắc rồi thầy cô lại quay đi vội lau những dòng nước mắt khi nghe được những câu chuyện buồn của những học sinh không cảm nhận được hạnh phúc gia đình.
Nhiều đêm, có những em đòi về, dọa tự tử ngay tại trường, rồi đánh nhau, khiến các thầy cô khuyên giải, che chở rồi ôm ấp vào lòng ru các em ngủ, canh chừng cho đến sáng khiến bản thân mỗi học sinh sau khi bình tĩnh lại rất thương thầy cô.
Dũng - Học sinh lớp 11 - xúc động chia sẻ: Ở trường, các thầy cô rất nghiêm khắc nhưng cũng rất thương chúng em. Đặc biệt, em còn nhớ có lần, một bạn lớp 10, trốn về nhà nhằm đe dọa bố vì ly hôn mẹ. Thầy Bùi Đức Thao - giáo viên chủ nhiệm kiêm quản nhiệm - đã lặn lội đêm hôm đi tìm, mặc dù vợ thầy ở nhà đang chuẩn bị chuyển dạ.
Không bỏ mặc học sinh, cũng không muốn các em rơi vào con đường tội lỗi chỉ vì thiếu suy nghĩ, giáo viên trẻ không cam tâm ngồi yên chờ đợi. Những học sinh còn lại ở nhà cũng không dám ngủ vì thương thầy, lo cho bạn.
Tết đến, nhiều học sinh chọn ở lại trường để rèn luyện. Và vì học sinh, nhiều thầy cô vắng mặt trong đêm giao thừa với gia đình, những giáo viên trẻ không cùng người yêu thong dong trong mỗi ngày Tết mà tình nguyện ở lại với học sinh.
Giao thừa ở trường là những chiếc bánh chưng tự gói, những lá thư xúc động… Đêm giao thừa, bài thơ chúc Tết của học sinh vang lên, cũng là khi thầy trò ôm nhau khóc…
Thấm thoắt cũng đã 5 năm thành lập, số lượng học sinh ngày càng đông nên trường đã thành lập thêm một cơ sở ở trong TP HCM để tiện cho học sinh và gia đình không phải lặn lội ra Bắc.
Có một nghịch lý, trường to hơn, mở nhiều cơ sở nhưng thầy Long lại không thấy vui mừng phấn khởi chút nào! Thầy thật lòng tâm sự: Tôi chỉ mong càng ít học sinh đến đây càng tốt, vì như vậy nghĩa là sẽ ít các em cá biệt, như thế xã hội sẽ tốt hơn, nhiều gia đình sẽ yên ấm hơn...
* Tên học sinh đã thay đổi.