Tính đến Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, trường THPT chuyên Quốc Học - Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) có tới 7 thí sinh đem cầu truyền hình trực tiếp trận chung kết về với Thừa Thiên Huế.
Trước Võ Quang Phú Đức, 6 nhà leo núi trận chung kết gồm Nguyễn Nguyễn Thái Bảo (á quân, năm thứ 5); Nguyễn Mạnh Tấn (giải ba, năm thứ 8); Hồ Ngọc Hân (quán quân, năm thứ 9); Thái Ngọc Huy (á quân, năm thứ 11); Hồ Đắc Thanh Chương (quán quân, năm thứ 16) và Nguyễn Minh Triết (giải 3, năm thứ 23).
Trong đó, Thanh Chương là quán quân đạt điểm số cao nhất trong các trận chung kết năm với số điểm 340.
Võ Quang Phú Đức mang vòng nguyệt quế chung kết Olympia thứ 3 về cho trường Quốc học - Huế. Ảnh: Việt Hà. |
Ngôi trường 128 tuổi
Trường Quốc học Huế được thành lập vào ngày 23/10/1896, theo sắc dụ của vua Thành Thái và nghị định ngày 18/11/1896 của phủ Toàn quyền Đông Dương. Đây là trường Pháp Việt chính yếu của toàn xứ Đông Dương.
Ngôi trường này có nhiều tên qua nhiều thời kỳ, ban đầu là École Primaire Supérieure (tức trường Cao đẳng Tiểu học), nhưng thường gọi là Quốc học (1896-1936), sau đổi thành trường Trung học Khải Định (1936-1954), rồi trường Trung học Ngô Đình Diệm (1955-1956), và được trở về với tên gốc vào năm 1956 cho đến nay.
Quốc học là trường trung học đệ nhất cấp đầu tiên ở Huế. Ngay từ lúc sáng lập, giáo trình được dạy bằng tiếng Việt cùng với tiếng Pháp. Trường được xây dựng trên nền của Dinh Thủy sư (nơi huấn luyện binh lính đường thủy của quân đội triều Nguyễn).
Địa điểm của trường nằm xoay ra đường Jules Ferry (hiện là đường Lê Lợi). Năm 1915, Trường Quốc học được xây dựng lại theo kiểu Tây Âu. Về cơ bản kiến trúc đó được duy trì đến ngày nay.
Ngày 14/12/2009, Chủ Tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ký quyết định chuyển trường Quốc Học - Huế thành trường THPT chuyên Quốc Học - Huế.
Một số hình ảnh trường Quốc Học hơn 100 năm trước. Ảnh: Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Bề dày thành tích
Gần 130 năm thành lập, trường chuyên Quốc học - Huế là ngôi trường nổi tiếng nhất của Huế khi nhiều nhà lãnh đạo từng theo học như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Trần Phú, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS Đặng Thai Mai, GS Tạ Quang Bửu.
Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhà sử học Đào Duy Anh, nhà thơ Huy Cận, nhà thơ Tố Hữu, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhạc sĩ Phạm Tuyên... cũng là cựu học sinh của trường.
Nhiều cựu học sinh của trường chuyên Quốc học từng đoạt giải cao ở các kỳ thi trong nước và quốc tế như TS Hồ Đình Duẩn (huy chương đồng Olympic Toán quốc tế - IMO 1978); TS Lê Bá Khánh Trình (huy chương vàng IMO năm 1979 với số điểm tuyệt đối 40/40); Ngô Phú Thanh (huy chương bạc IMO 1982); Nguyễn Văn Lượng (huy chương bạc IMO 1983); Hoàng Ngọc Chiến (huy chương đồng IMO 1983)...
TS Lê Viết Quốc - “Quái kiệt” AI của Google - cũng chính là cựu học sinh của trường chuyên Quốc học - Huế. Anh người Việt Nam đầu tiên được xướng tên trong tốp những nhà phát minh trẻ hàng đầu thế giới; được MIT Technology Review vinh danh là một trong 35 nhà phát minh dưới 35 tuổi xuất sắc nhất thế giới năm 2014.
Trường THPT chuyên Quốc học - Huế hiện tại với không gian nhiều cây xanh, kiến trúc cổ kính. Ảnh: FB Trường Quốc học Huế. |
Tính đến hiện tại, học sinh của trường đã đạt 25 giải quốc tế và châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có 4 huy chương vàng, 10 huy chương bạc, 6 huy chương đồng và 5 bằng khen. Trường có huy chương quốc tế của tất cả 5 môn được tổ chức thi là Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học.
Tỷ lệ học sinh giỏi hàng năm của trường từ 85-91%; mỗi năm đạt từ 60 đến 70 giải học sinh giỏi quốc gia. Hiện tại, trường có 23 câu lạc bộ, đội nhóm, tạo sân chơi bổ ích và rèn luyện các kỹ năng cho học sinh.
Với bề dày lịch sử, ngày 26/3/1990, trường Quốc học được Bộ Văn hóa Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích cấp Quốc gia đặc biệt ngày 31/12/2020.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.