Ngôi trường kỳ lạ ở Campuchia thu học phí bằng rác thải
Chủ nhật, 14/10/2018 08:02 (GMT+7)
08:02 14/10/2018
Thay vì tiền mặt, học sinh ở ngôi trường đặc biệt này mang tới hàng đống rác thải, tương đương khoản học phí phải đóng.
Ngồi trong tòa nhà làm từ lốp xe hỏng, chai nhựa và giày cũ, Roeun Bunthon, một học sinh Campuchia, viết lại các ghi chú sau buổi học tiếng Anh tại ngôi trường đặc biệt. Tại đây, học phí là... rác chứ không phải tiền. Đổi lại, những đứa trẻ ăn xin nghèo khó như Bunthon có thể học các lớp vi tính, toán hay ngôn ngữ. Hơn hết, chúng học được giá trị của việc tái chế rác thải tại một đất nước bị ô nhiễm nặng nề. "Cháu không phải đi ăn xin nữa. Đây giống như cơ hội khác cho cháu vậy", Bunthon chia sẻ. Ảnh: AFP.
Nằm trong công viên quốc gia, cơ sở giáo dục này có tên trường Dừa (Coconut School). Nó được xây bằng hầu hết rác thải tái chế và là sản phẩm trí tuệ của Ouk Vanday - được mệnh danh "Người Rác" ở Campuchia. Khoảng 65 đứa trẻ là học sinh của ngôi trường nằm cách thủ đô Phnom Penh khoảng 115 km về phía Tây. Ảnh: Channel News Asia.
Tường của các lớp học trong trường làm từ lốp xe cũ được sơn lại. Lối vào nổi bật bởi hình ảnh quốc kỳ làm từ vô số nắp chai nhiều màu sắc. Phần lớn rác thải đó đến từ chính học sinh của trường. "Tôi sử dụng rác thải tái chế để tạo nên những đồ vật trong lớp, từ đó dạy lũ trẻ hiểu giá trị của việc tái sử dụng rác theo cách có ích", người đàn ông 34 tuổi cho biết. Ảnh: AFP.
Vanday dự tính mở rộng lớp học đến các tỉnh nông nghiệp nghèo khó như Kampong Speu để tập trung khoảng 200 đứa trẻ. Năm tới, "Người Rác" dự kiến mở thêm lớp mẫu giáo. Vanday lạc quan rằng những đứa trẻ chính là đại sứ môi trường trong tương lai. "Chúng tôi hy vọng chúng sẽ trở thành những nhà hoạt động môi trường mới ở Campuchia, hiểu được cách sử dụng, quản lý và tái chế rác thải", Vanday hào hứng nói. Ảnh: AFP.
Cảm hứng đến với người đàn ông 34 tuổi sau khi ông du lịch khắp Campuchia và thấy nhiều điểm du lịch ngập tràn rác thải. Đau đáu vì vấn đề này, Vanday thiết lập dự án thí điểm ở thủ đô Phnom Pênh năm 2013 trước khi mở rộng ra địa điểm thứ hai trong công viên quốc gia. Ảnh: AFP.
Tầm nhìn của "Người Rác" về một Campuchia có nhận thức về rác thải trở thành khao khát cháy bỏng khi quốc gia Đông Nam Á này có túi, chai nhựa ở nhiều nơi mà không được tái chế. Ảnh: AFP.
Campuchia có tới 3,6 triệu tấn rác thải mỗi năm, theo thống kê của Bộ Môi trường nước này. Chỉ 11% trong số đó được tái chế. Hơn một nửa số này bị đốt hoặc vứt ra sông ngòi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Số còn lại được chuyển tới các bãi chôn rác khổng lồ, nơi các loại rác thải chứa khí methane có thể gây cháy và góp phần vào quá trình biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP.
Thực tế ấy khiến Vanday thành lập Trường Dừa, ngôi trường tồn tại bởi các khoản tài trợ và giáo viên tình nguyện. Ảnh: AFP.
Đây cũng là cơ hội để giúp trẻ em không đủ khả năng chi trả học phí. Theo luật ở quốc gia Đông Nam Á này, giáo dục công lập miễn học phí nhưng các bài học phụ đạo cho tiếng Anh hay môn ngoại khóa khác có chi phí khá cao (từ 5 USD tới hàng trăm USD/lớp, tùy thuộc vào trường và địa điểm). Đây sẽ là khoản chi lớn với người dân ở đất nước có thu nhập đầu người trung bình khoảng 1.400 USD/năm. Ảnh: Channel News Asia.
Với các gia đình nghèo ở vùng sâu, xa, trẻ em phải đi ăn xin để góp thêm thu nhập cho gia đình. Nó đồng nghĩa việc các em không thể chi trả cho các lớp học thêm của con. Lớp học của Vanday sẽ chấm dứt được tình trạng này. Ảnh: AFP.
Học sinh THPT Hoàng Quốc Việt (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) được nhà trường và phụ huynh đầu tư xây dựng khu nhà vệ sinh sáng bóng, sạch sẽ, có tiếng nhạc thư thái.
ĐH Hanazono ở Nhật Bản đưa ra chương trình “Học bổng 100 năm” nhằm thu hút người cao tuổi đăng ký. Trường còn giảm một nửa học phí cho người trên 50 tuổi.