Nếu không phải dân địa phương sẽ không biết trường tiểu học An Phú Tân D ở đâu cho dù có đứng cách trường chục mét, bởi chỉ thấy các em học sinh đi học nhưng lại chen nhau đi vào cổng trạm y tế xã An Phú Tân rồi mất hút...
Che bạt đi vệ sinh trước sân trường
Từ cổng trạm y tế đi sâu vào bên trong là ngôi trường xây mới khang trang nằm giữa khu vườn rộng lớn. Xung quanh ngôi trường là nhà của nhiều hộ dân. Trước sân trường có tấm bạt nhựa quây lại dùng làm “nhà vệ sinh” cho các em học sinh. Vài học sinh nam nữ ra vào nơi này. Vừa bước vào sân trường chúng tôi đã phải bịt mũi bởi mùi hôi bốc lên nồng nặc.
Nhà vệ sinh tạm trước sân trường. |
“Trường giờ chưa có cổng phải đi tạm qua trạm y tế nên nhiều phụ huynh bức xúc bởi theo họ ngày nào cũng đi như bị bệnh. Điện nước chưa có khiến việc đi vệ sinh của học sinh gặp khó khăn. Thương học trò nên tôi dẫn sang nhà người dân mỗi khi các em có nhu cầu” - thầy Trần Thanh Tân nói.
Nhắc đến chuyện này, cô Hoàng Thị Bích Tuyền ngại ngùng chỉ tay ra nhà vệ sinh tạm trước sân trường nói: “Nam thì đỡ, còn nữ thì kỳ lắm. Tôi khuyên các bạn nam thấy bạn nữ vào trong thì đừng vào”.
Thấy nhiều học sinh đi lang thang để giải quyết nhu cầu, bà Võ Thị Mỹ A, bán hàng rong quanh trường, vừa thương vừa giận nhà trường. Bà Mỹ A có hầm nuôi cá gần trường nên làm tạm hai cầu tõm để các em và thầy cô giải quyết nhu cầu. “Tội nghiệp lắm, mới đây có học sinh đau bụng chạy không kịp nên “tuôn ra” ngay tại lớp. Trường phải gọi cha mẹ em đến để đưa học sinh về nhà. Tôi làm hai cái cầu tõm nuôi cá để các em có chỗ mà đi” - bà Mỹ A chia sẻ.
Tại ông chủ tịch Hội nông dân?
Ông Nguyễn Hoàng Khởi, quyền chủ tịch xã An Phú Tân, cho biết do trường tiểu học An Phú Tân D cũ đã xuống cấp, không còn an toàn cho học sinh nên phải xây trường mới. Do đất trường cũ còn tranh chấp nên lãnh đạo huyện chỉ đạo tìm đất mới để xây dựng. Tuy nhiên do vừa xây dựng xong lại vướng giải tỏa đền bù, chưa xây được đường đi cũng như cổng vào nên mới phát sinh nhiều chuyện.
Ông Lưu Văn Nhạnh, chánh văn phòng UBND huyện Cầu Kè, cho biết huyện làm chủ đầu tư xây dựng trường tiểu học An Phú Tân D. Việc chọn mặt bằng, giải tỏa đền bù huyện đã tiến hành làm phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên do trục trặc trong việc giải tỏa đền bù, con đường theo thiết kế ban đầu chưa thực hiện được nên mới tạm xin trạm y tế xã cho đi nhờ vào trường. Từ việc chưa có đường vào nên chưa thể mắc điện và nước sinh hoạt cho giáo viên và học sinh.
Khi được hỏi đã giải quyết phù hợp sao lại gặp trục trặc, ông Nhạnh cho biết có chuyện tế nhị rằng phần đất trên liên quan đến ông chủ tịch Hội Nông dân huyện Cầu Kè. Ông này đã nhận đủ tiền đền bù nhưng khi xuống mở đường thì gia đình ông cho rằng không hề biết chuyện “đền bù” nên không cho xây dựng. “Lãnh đạo huyện đã xử lý ông chủ tịch Hội Nông dân huyện rồi” - ông Nhạnh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Nguyện, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh, cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều trường chưa có nhà vệ sinh vì nhiều lý do. Còn chuyện liên quan đến trường tiểu học An Phú Tân D, ông Nguyện xác nhận đã biết vụ việc và đang cùng các cơ quan chức năng giải quyết để học sinh yên tâm đến trường.
Nguy hiểm
Ngoài chuyện chưa có điện nước, đường đi, Trường tiểu học An Phú Tân D tuy mới xây dựng nhưng bị nứt nẻ nhiều nơi, chỉ cần dùng tay có thể gỡ được phần ximăng tô ngoài ở góc cạnh các trụ cột. Nhiều giáo viên của trường cho biết cách đây hơn một tháng, tại một lớp học laphông rơi xuống nhưng may mắn xảy ra ban đêm.
Giáo viên còn cho biết một công nhân tham gia xây dựng trường đã cảnh báo mọi người đừng đứng gần các tấm thông gió trước hiên lớp học vì các thanh ximăng này có thể rớt xuống! Chúng tôi tìm gặp người xây dựng trên và anh này xác nhận là có cảnh báo với các thầy cô như vậy.