Zing trích dịch bài đăng của New York Times, đề cập câu chuyện của một người phụ nữ Afghanistan từng giết chồng ra tù sớm nhờ dịch bệnh. Bên cạnh niềm hạnh phúc khi được đoàn tụ với con cái, cô không khỏi lo lắng cho tương lai bản thân.
Vào một buổi sáng tháng 5 đẹp trời, khoảng 3 ngày sau khi được ra tù, Foroozan rời khỏi nhà của mẹ cô để đi mua nhu yếu phẩm. Đây là lần đầu tiên trong 6 năm vừa qua cô được đặt chân trên đường phố thủ đô Herat (Afghanistan).
“Hồi còn ở tù, tôi cứ nghĩ thế giới ngoài kia là thiên đường. Nhưng giờ đây, khi bước ra đường, tôi chỉ sợ mọi người nhìn chằm chằm vào mình. Tôi cứ tưởng tượng ra hình ảnh những người lạ mặt chỉ tay về phía tôi và xì xào bàn tán như thể họ biết tôi là tù nhân”, Foroozan nói.
Hiện Foroozan sống tại nhà mẹ đẻ. Ảnh: New York Times. |
Khi mới chỉ học lớp 10, Foroozan bị gia đình bắt kết hôn với một người đàn ông hơn cô tới 25 tuổi. Trong suốt 15 năm tiếp theo, cô liên tục bị chồng đánh đập, hành hạ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Foroozan nghĩ rằng cô có thể chịu đựng được hoàn cảnh cho tới khi người chồng chuyển sang trút giận lên 2 cô con gái của cô. Foroozan liền chộp lấy một cái xẻng và dùng cạnh nhọn đánh liên tiếp vào chồng cho tới chết.
Sau đó cô ra đầu thú và Maqsood, đứa con trai 12 tuổi của cô, tự nhận giúp mẹ thực hiện án mạng. Foroozan bị buộc tội giết người và kết án 10 năm tù.
Maqsood phải sống trong trung tâm giáo dưỡng vị thành niên trong vòng 2,5 năm. Còn Mozhdah (9 tuổi) và Mahtab (7 tuổi), 2 con gái của Foroozan, được gửi tới trại trẻ mồ côi.
Foroozan là một trong 20 phụ nữ mang tội danh giết chồng tại nhà tù Herat. Đa số đều từng chịu sự ngược đãi một thời gian dài, cho tới khi bản năng sinh tồn trỗi dậy. Mặc dù phải nhận những bản án dài với ít cơ hội được ân xá, những người phụ nữ này cho biết ở đây họ cảm thấy an toàn và tự do hơn ở nhà.
Foroozan chơi đùa cùng con cái của bạn tù hồi năm 2019. Ảnh: New York Times. |
Ngày 10/3, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ra lệnh thả hàng nghìn tù nhân nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Phần lớn những người được ra tù là phụ nữ, trẻ vị thành niên và người sức khỏe kém.
Foroozan cũng nằm trong danh sách những tù nhân được thả. Cô cùng những phạm nhân khác háo hức chuẩn bị đồ đạc và xếp hàng ngoài sân.
Tuy nhiên, sau vài giờ đồng hồ chờ đợi, quản ngục Aalia Azizi thông báo rằng “do có sự nhầm lẫn nên hôm nay sẽ không ai được về nhà cả”. Ngay cả Azizi cũng không rõ lý do là gì, cô chỉ làm theo lệnh cấp trên.
Ngày hôm sau, nhà tù trở nên hỗn loạn. Một nhóm phạm nhân đã phá cổng ra vào, đập vỡ các cửa sổ kính và đốt trụi sân chơi trẻ em. Nhiều người tuyệt thực hoặc dọa tự tử. Một số khác nuốt mảnh kính vỡ để thể hiện sự chống đối và phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Tình trạng này diễn ra trong nhiều ngày liên tiếp. Các tù nhân chỉ muốn được thả như những gì Tổng thống đã hứa với họ.
Foroozan cùng mẹ và hai con gái. Ảnh: New York Times. |
Chính phủ Afghanistan đành đưa ra một giải pháp mới để xoa dịu tình hình: Nếu những nữ tù nhân muốn được thả, họ phải bỏ tiền mua phần còn lại của bản án cùng với sự chấp thuận của văn phòng công tố.
Vì quá mong mỏi được đoàn tụ với các con, Foroozan vay mượn người thân hơn 1.000 USD để “mua” 4 năm cuối còn lại trong bản án của mình. Nhờ đó, cô được thả vào ngày 11/5.
“Nhờ có dịch bệnh, tôi được trao cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời”, Foroozan nói.
Mozhdah và Mahtab, nay đã 15 và 13 tuổi, cho biết 2 tháng vừa rồi là thời kỳ khó khăn nhất trong suốt 6 năm đợi chờ mẹ. Hai chị em chỉ được gọi điện cho mẹ mỗi tháng một lần.
“Bọn em cũng bị giam lỏng ở trại mồ côi. Bọn em không được tới trường, không được về nhà với bà ngoại hay tới thăm mẹ”, Mahtab khóc khi kể lại.
Tương lai bất định
Dù đã được đoàn tụ, 3 mẹ con phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Hồi ở trong tù, Foroozan kiếm được một khoản thu nhập nhỏ nhờ việc may vá, sửa quần áo cho các lính gác và phạm nhân.
Nhưng khi trở về nhà, cô không kiếm được công việc nào. Dịch Covid-19 làm gián đoạn nền kinh tế quốc gia và khiến hàng triệu người thất nghiệp.
Do trường học đóng cửa vì dịch, Mozhdah và Mahtab có nhiều thời gian bên mẹ hơn. Ảnh: New York Times. |
Năm 2017, Foroozan dùng khoản tiền tiết kiệm cuối cùng để trả cho một tay buôn lậu nhằm đưa con trai Maqsood trốn khỏi Afghanistan. Ở tuổi 14, cậu bé đi bộ vượt biên tới Đức sau 3 năm trong trung tâm giáo dưỡng.
Tháng 1 vừa qua, đơn xin tị nạn của Maqsood bị chính quyền Đức từ chối. Mặc dù đã kháng án, có lẽ Maqsood vẫn sẽ bị trục xuất trở lại Afghanistan khi cậu đủ 18 tuổi.
Hiện Foroozan tràn ngập hạnh phúc trong ngôi nhà của mẹ cô. Gia đình luôn đầy ắp tiếng cười và khoảnh khắc vui vẻ. Tuy nhiên, Foroozan vẫn không khỏi lạc lối trong suy nghĩ và lo sợ về một tương lai đầy bất trắc. Người thân gia đình chồng cô không ít lần đe dọa tính mạng 3 mẹ con để trả thù.
“Ngày còn ở trong tù, tôi chỉ có duy nhất một nỗi lo mà thôi. Mà giờ tôi có tới hàng nghìn mối bận tâm khác nhau”, Foroozan chia sẻ.
Foroozan không khỏi nghĩ suy về tương lai sau khi ra tù. Ảnh: New York Times. |