Các VĐV bắn cung của Hàn Quốc Kim Woo-jin, Kim Je-deok và Lee Woo-seok đã giành chiến thắng cách biệt 5-1 trước chủ nhà Pháp trong trận chung kết nội dung đồng đội nam. Đây là lần thứ 3 liên tiếp và lần thứ 7 đội bắn cung nam của Hàn lên ngôi vô địch tại Olympic.
Trước đó, đội bắn cung nữ của Hàn Quốc cũng đã có lần thứ 10 liên tiếp giành huy chương vàng Thế vận hội.
Hàn Quốc gần như không có đối thủ trong môn bắn cung. Chưa có quốc gia nào khác có thể giành hơn 7 huy chương trong môn thi đấu này của Olympic, theo The Korea Herald.
Thống trị trong nhiều năm
Kể từ khi nội dung bắn cung đồng đội được đưa vào Olympic năm 1988, đội tuyển nữ Hàn Quốc đã có 10 huy chương vàng liên tiếp. Ở nội dung cá nhân, các nữ VĐV Hàn Quốc cũng lấy hầu hết huy chương kể từ năm 1984.
Các cung thủ nam của Hàn Quốc không chiếm ưu thế bằng nhưng cũng có thành tích rất tốt. Đội nam đã giành được 2 huy chương vàng ở các nội dung cá nhân và 7 lần giành chiến thắng ở nội dung đồng đội.
Đội bắn cung nữ của Hàn Quốc lần thứ 10 liên tiếp lên ngôi vô địch ở Olympic. |
Lý giải về sự thành công của các cung thủ Hàn Quốc, Ki Bo-bae, VĐV đã nghỉ hưu từng giành 3 huy chương vàng Olympic, cho biết: "Đất nước chúng tôi có rất nhiều VĐV (bắn cung) tuyệt vời, và chỉ những người giỏi nhất mới được tham dự Thế vận hội. Vì họ được chọn từ những người rất giỏi, (các VĐV Olympic) cảm thấy mình có trách nhiệm phải đại diện cho những người chơi khác. Tôi nghĩ đây là cách chúng tôi có thể đạt được những kết quả tuyệt vời như vậy".
Nhiều cung thủ Hàn Quốc cho biết họ phải trải qua các đợt tuyển chọn có tính cạnh tranh cực kỳ cao để có thể tham gia Olympic.
Kang Chae-young, thành viên của đội tuyển nữ Hàn Quốc giành huy chương vàng tại Thế vận hội Tokyo, cho biết trình độ của các cung thủ ở Hàn không chênh lệch nhiều. "Chúng tôi trải qua một quá trình tuyển chọn nhiều cấp độ trong nước và đánh bại những đối thủ lớn để trở thành thành viên đội tuyển quốc gia và tham gia Olympic. Tôi nghĩ đó là lý do VĐV Hàn Quốc lại giỏi như vậy".
Kang có thành tích khá tốt tại Olympic Tokyo, nhưng đã không đủ điều kiện tham dự Thế vận hội Paris.
Hàn Quốc không trao bất kỳ lợi thế nào cho người chơi dựa trên thành tích trong quá khứ của họ, nghĩa là ngay cả những người từng giành huy chương vàng Olympic như Kang cũng phải cạnh tranh từ đầu để giành suất tham dự Thế vận hội mùa hè tiếp theo. Điều này buộc các VĐV phải liên tục tập luyện, trau dồi kỹ năng.
Học từ những thứ cơ bản nhất
Để hoàn thiện kỹ năng của mình, các cung thủ Hàn Quốc phải trải qua quá trình đào tạo chuyên sâu từ khi còn nhỏ. Trái với lầm tưởng của nhiều người, Hàn Quốc không cung cấp các khóa học bắn cung trong giáo dục chính thức. Nhiều người Hàn Quốc chưa bao giờ chạm vào cung hoặc mũi tên trong suốt cuộc đời.
Hơn một thập kỷ trước, Reuters đã dùng cái gọi là thuyết "ngón tay kim chi" để lý giải cho thành tích xuất sắc của cung thủ Hàn Quốc. Hãng tin này cho rằng sự khéo léo của các cung thủ xứ kim chi bắt nguồn từ việc sử dụng đũa trong bữa ăn hàng ngày.
VĐV bắn cung Hàn Quốc giành huy chương vàng ở nội dung đồng đội nam tại Olympic Paris. |
Tuy nhiên, giả thuyết này nhanh chóng bị bác bỏ vì việc sử dụng đũa cũng rất phổ biến ở Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ giành được một huy chương vàng Olympic, trong khi Nhật Bản chưa có huy chương nào trong môn bắn cung.
Một giả thuyết khác xuất phát từ triều đại Goguryeo với vị vua đầu tiên là bậc thầy về bắn cung. Triều đại này đã không còn tồn tại vào năm 668. Giả thuyết cũng không thực sự thuyết phục vì hầu hết quốc gia khác trên thế giới đều đã sử dụng cung tên làm vũ khí chính trước khi súng được phát minh.
Nhiều chuyên gia cho rằng thành công của các cung thủ Hàn Quốc đến từ phương pháp tiếp cận cơ sinh học của họ đối với các kỹ thuật bắn cung hoàn hảo, dành nhiều tháng để học tư thế đúng và cách giơ tay chuẩn xác. Những điều cơ bản này kết hợp cùng với nhiều năm tập luyện chăm chỉ và sự cạnh tranh khốc liệt trong nước đã tạo ra những thế hệ cung thủ xuất sắc.
Brady Ellison, cung thủ người Mỹ từng giành 3 huy chương Olympic, đã chia sẻ với Reuters trong một cuộc phỏng vấn trước đây rằng các học viên bắn cung Hàn Quốc "phải trải qua 6 tháng huấn luyện chuyên sâu trước khi bắn mũi tên đầu tiên".
Liên đoàn bắn cung Hàn Quốc (KAA) năm 2013 đã công bố một kế hoạch dài hạn để phát triển tương lai của bắn cung Hàn Quốc, bao gồm việc lựa chọn và hỗ trợ các VĐV trẻ có tiềm năng. Cùng năm đó, liên đoàn đã chọn 10 cung thủ từ 15 tuổi trở xuống để đào tạo theo chương trình vốn chỉ dành cho VĐV cấp đội tuyển quốc gia.
KAA từ lâu đã được coi là liên đoàn thể thao uy tín bậc nhất ở Hàn Quốc, nhận được nguồn tài trợ hào phóng của Hyundai Motor Group trong nhiều năm qua.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.