Các luật sư của Nicolas Puech (81 tuổi) đã nói với tòa án ở Thụy Sĩ rằng ông không còn sở hữu khoảng 6 triệu cổ phiếu trị giá khoảng 12 tỷ euro (20 tỷ USD) ở Hermès International do gia đình ông kiểm soát. Tòa án sau đó bác bỏ cáo buộc của Puech cho rằng một cựu quản lý tài sản đã khiến gia tài của ông biến mất một cách đầy bí ẩn.
6 triệu cổ phiếu từng khiến Puech trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong công ty cung cấp túi xách Birkin và khăn lụa nhiều màu được thành lập vào năm 1837. Kể từ đó, công ty đã mở rộng thành một trong những đế chế lớn nhất của ngành công nghiệp hàng xa xỉ toàn cầu và khiến gia đình của Puech trở thành gia đình giàu nhất châu Âu. Theo Bloomberg Billionaires Index, gia tộc này có hơn 100 thành viên và có giá trị tài sản ròng khoảng 237 tỷ USD.
Quyết định của tòa phúc thẩm tại Geneva vào ngày 12/7 không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy cố vấn tài chính Eric Freymond quản lý sai tài sản của Puech hay người thừa kế Hermès thế hệ thứ 5 đã bị lừa trong suốt hơn 2 thập kỷ.
Tòa án cho biết các cáo buộc của Puech về "vụ lừa đảo khổng lồ" là thiếu rõ ràng và không có đủ bằng chứng hỗ trợ.
Một luật sư của Puech, Gregoire Mangeat, từ chối bình luận, trong khi các luật sư của Freymond, Yannis Sakkas và Stephane Grodecki, cho biết thân chủ của họ hài lòng với kết quả bao gồm "những lời lẽ gay gắt" đối với nguyên đơn. Vụ việc lần đầu tiên được Gotham City đưa tin.
Bí ẩn của gia tộc Hermès
Phán quyết của tòa án là một phần hậu quả từ nỗ lực của "ông trùm" hàng xa xỉ Bernard Arnault, người sáng lập LVMH, nhằm giành quyền kiểm soát Hermès hơn một thập kỷ trước. Arnault đã thất bại, nhưng Puech đã trở thành người bị gia đình ruồng bỏ vì vai trò bị cáo buộc của ông trong cách Arnault lén lút tích lũy cổ phần Hermès.
Số phận của khoảng 5,7% cổ phần của Puech vẫn là một ẩn số dai dẳng, kể từ khi cuộc thâu tóm kết thúc bằng việc Arnault bán 23% cổ phần của mình và Puech rời khỏi ban giám sát Hermès vào năm 2014.
Về việc liệu Puech có còn sở hữu cổ phần ở Hermès hay không, Chủ tịch điều hành Hermès Axel Dumas mới đây trả lời: "Chúng tôi không có cách nào để xem và kiểm soát chúng".
Nicolas Puech đâm đơn kiện cố vấn tài chính sau khi mất hết tài sản. |
Phán quyết của tòa án Thụy Sĩ vẫn chưa thể giải đáp bí ấn rằng cổ phiếu của Puech đã đi về đâu. Tuy nhiên, nó cung cấp cái nhìn thoáng qua về tình cảnh hiện tại của người đàn ông 81 tuổi này
Năm ngoái, Puech - cư dân Orsieres (Valais, Thụy Sĩ), được mô tả trong các tài liệu công khai là công dân Pháp có trình độ học vấn về nghệ thuật - đã tìm cách hủy hợp đồng thừa kế với Quỹ Isocrates của mình và được cho bắt đầu các thủ tục hành chính để nhận nuôi một người làm vườn trung niên. Puech dự định để lại một phần tài sản của mình cho người này. Quyết định đó khiến tổ chức từ thiện rơi vào tình trạng bấp bênh và đã phải hoãn các khoản tài trợ mới kể từ đó.
Trong vụ án với cố vấn tài chính, Puech nói rằng ông đã mất toàn bộ cổ phần tại Hermès cũng là hầu hết tài sản của ông mà không hay biết gì, vì Freymond là người nhận tất cả sao kê ngân hàng của ông. Tài liệu của tòa án mô tả Puech hoàn toàn dựa vào Freymond để quản lý tài sản của mình trong suốt 24 năm.
Từ năm 1998, Puech bắt đầu chuyển giao cổ phiếu Hermès cho các ngân hàng Thụy Sĩ. Ông cũng trao cho Freymond một loạt các giấy ủy nhiệm đã ký để giám sát các tài khoản của mình. Bắt đầu từ năm 2001, cổ phiếu đã được bán, mua và chuyển nhượng thông qua một trong các ngân hàng.
Quan trọng hơn, lợi nhuận 53,7 triệu euro đã được ghi nhận từ việc bán cổ phiếu trong khoảng thời gian gần hai năm cho đến tháng 10/2010, cùng thời điểm tỷ phú Arnault tiết lộ với gia đình Hermès rằng ông đã tích lũy được cổ phần trong công ty.
Puech không "phản đối" việc nhà đầu tư bên ngoài nắm giữ cổ phần của Hermès và thậm chí còn coi Arnault là "đồng minh", theo bằng chứng được mô tả trong tài liệu của tòa án. Tuy nhiên, gia đình ông không muốn sự tham gia của người ngoài và đã thành công trong việc loại bỏ sự ảnh hưởng của Arnault.
Trả giá vì niềm tin mù quáng
Puech đã đuổi việc Freymond vào tháng 10/2022, bắt đầu kiểm kê tài sản của mình và sắp xếp kế hoạch thừa kế.
Một năm sau, ông đã đệ đơn kiện 3 lần chống lại Freymond, lần đầu tiên cáo buộc người quản lý tài sản đã che giấu thông tin, không muốn và không thể trả lại cổ phiếu Hermès. Các lần khác liên quan đến việc quản lý quỹ, các khoản vay và khoản đầu tư khác của ông.
Cổ phần biến mất của Nicolas Puech có thể là kết quả của cuộc đấu đá giữa gia tộc Hermès với "ông trùm" hàng xa xỉ Bernard Arnault. |
Phán quyết của tòa án kết luận rằng Puech đã tự nguyện chuyển giao quyền quản lý công việc của mình cho Freymond, bao gồm cả việc ký nhiều văn bản trắng và cho phép truy cập vào các tài khoản ngân hàng của mình.
Puech chưa bao giờ nói rằng ông bị lừa hoặc không hiểu những gì mình đã ký, chỉ nói rằng ông để Freymond lựa chọn và quyết định thay vì muốn gia tăng tài sản. Tòa án cho biết ông có thể hủy bỏ thỏa thuận của họ bất cứ lúc nào.
"Không rõ ai đã ngăn cản nguyên đơn quan tâm đến tài sản của mình. Niềm tin mù quáng của Puech vào Freymond không phải là dấu hiệu cho thấy sự không trung thực của người quản lý tài sản", tòa án kết luận.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.