Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, đến nay tỉnh đã phê duyệt 14 đợt với tổng cộng 260 tàu khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá được đóng mới theo Nghị định 67 cho ngư dân địa phương. Tuy nhiên, chỉ có 25% trường hợp chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng thương mại và đã được giải ngân trên 826 tỷ đồng.
Trong 202 trường hợp chưa ký hợp đồng vay vốn có hàng chục trường hợp có đơn xin từ chối tham gia đóng tàu, ngân hàng từ chối cho vay; 118 trường hợp chưa nộp hồ sơ vay vốn, 51 trường hợp đã nộp hồ sơ vay vốn nhưng phía ngân hàng chưa thẩm định...
Ngân hàng thúc trả nợ quá hạn
Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết đóng mới, sửa chữa tàu cá theo Nghị định 67 là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Tàu thép của ngư dân Bình Định mới đóng nhưng đã gặp sự cố kéo lên bờ chờ sửa chữa ở cảng Tam Quan. Ảnh: Minh Hoàng. |
Tuy nhiên, thời gian qua, do một số doanh nghiệp đóng mới tàu thép vừa bàn giao cho ngư dân đã gặp sự cố nằm bờ, không chỉ gây thiệt hại kinh tế lớn cho bà con mà còn nảy sinh tâm lý e ngại. "Tôi đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ, khởi tố xử lý nghiêm các doanh nghiệp đóng tàu làm ăn gian dối; đồng thời buộc bồi thường, khắc phục sớm sự cố tàu thép để bà con ra khơi trở lại", ông Công nói.
Suốt nhiều tháng qua, ông Lê Văn Thãi, chủ tàu BĐ 99016-TS (Lê Gia 01) cùng nhiều ngư dân không ra khơi được nên như bị "bó chân". Trong khi đó, ngân hàng cứ gửi thông báo thúc giục trả nợ quý quá hạn hàng trăm triệu đồng mà lòng ông như "lửa đốt", không biết xoay sở tiền đâu khi con tàu vỏ thép mới bàn giao nằm bờ như đống phế liệu.
Còn ông Võ Kén (ngụ huyện Phù Mỹ) thổ lộ, thoạt đầu nghe Nghị định 67 mới ban hành, nhiều ngư dân mừng vui, háo hức được đóng tàu vỏ thép để vươn khơi xa làm kinh tế biển. Tuy nhiên trong quá trình làm hồ sơ đóng tàu và vay vốn, thấy thủ tục rườm rà, nhất là phía ngân hàng gây khó khăn nên nhiều bà con e ngại, chán nản.
Nản lòng
Theo ngư dân huyện Phù Mỹ, họ được thông báo kinh phí dự toán đóng tàu vỏ thép ban đầu khoảng 10 tỷ đồng, nhưng khi làm việc trực tiếp với các cơ sở đóng tàu thì mỗi chiếc đội lên đến hơn 16 tỷ đồng. Vậy là ngư dân rút lui. Ngoài ra, sự cố hàng loạt tàu vỏ thép mới bàn giao đã nằm bờ thời gian qua khiến nhiều người nản lòng.
Chủ tàu thép Lê Ngô Hát (ngụ huyện Phù Cát) bên máy phát điện gặp sự cố khiến phương tiện phải nằm bờ chờ sửa chữa nhiều tháng qua ở cảng Tam Quan. Ảnh: M.Hoàng. |
Ông Ngô Đình Ba, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Mỹ, xác nhận thời gian qua, địa phương có hàng chục trường hợp được phê duyệt đủ điều kiện đóng tàu theo Nghị định 67 nhưng không ít người đã xin rút hồ sơ.
"Nguyên nhân là tàu vỏ thép đội giá cao hơn so với dự toán ban đầu, phía ngân hàng chậm thẩm định hồ sơ vay vốn của ngư dân và nhất là sau sự cố hàng loạt tàu vỏ thép trên địa bàn bị hư hỏng", ông Ba cho hay.
Trước tình hình này, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã gửi văn bản kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có biện pháp chấn chỉnh các cơ sở đóng tàu kém chất lượng; đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện tốt nhất để ngư dân tiếp cận vốn vay đóng mới, sửa chữa tàu theo Nghị định 67.
Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết thêm địa phương đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép cơ quan chức năng của tỉnh tham gia, giám sát quá trình đóng mới, sửa chữa tàu theo Nghị định 67 từ giai đoạn đầu đến khi đưa vào khai thác. Nếu không thì tình trạng tàu cá đóng mới, sửa chữa kém chất lượng có thể xảy ra.
Tại hội nghị tổng kết Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ngày 1/8, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, đã bộc lộ nhiều hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 67.
Phó thủ tướng đã chỉ đạo cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm, đặc biệt là đóng mới tàu cá không bảo đảm chất lượng. Loại các nhà máy không bảo đảm chất lượng, thiếu chuyên nghiệp ra khỏi danh sách đóng tàu cho ngư dân. Các bộ, ngành và địa phương phải khắc phục ngay những hạn chế tại Nghị định 67, đồng thời sớm đề xuất phương án sửa đổi Nghị định cho phù hợp, triển khai hiệu quả hơn để có thể áp dụng từ đầu năm 2018.
"Địa phương nào để tàu hỏng thì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và người dân. Rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc từ sự cố tàu thép đóng mới hư hỏng vừa qua. Nếu sau này thực hiện không được, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chịu trách nhiệm", Phó thủ tướng nêu rõ.