Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ngủ dậy, tôi ngỡ ngàng khi nhà mình bị phong tỏa vì Covid-19'

Khác với tưởng tượng, những ngày đầu sống trong cảnh phong tỏa của Hoàng Sơn (28 tuổi, TP.HCM) diễn ra khá tĩnh lặng, bình thản.

Khoảng 17h ngày 29/5, Hoàng Sơn, sống tại phường Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP.HCM), choàng tỉnh từ giấc ngủ vì tiếng xe cấp cứu ồn ã bên ngoài.

Trong lúc ngái ngủ, anh nghe loáng thoáng có người bàn tán "dương tính, Covid-19, phong tỏa".

Nhìn ra ngoài, anh bàng hoàng phát hiện con hẻm nơi mình sinh sống đang được lực lượng chức năng phun khử khuẩn, đặt rào chắn. Sau một hồi hỏi han, Hoàng Sơn mới biết một gia đình sống gần nhà anh có 5 người nghi mắc Covid-19.

'Tưởng đang ngủ mơ'

"Mình làm kinh doanh nhỏ nên phải trực tin nhắn cả sáng, mệt quá nên mới chợp mắt vài giờ. Tới lúc nghe tin hẻm bị phong tỏa, mình cứ ngỡ đó chỉ là giấc mơ", chàng trai 28 tuổi kể.

Tương tự bao người, hoang mang và lo lắng là cảm xúc đầu tiên của Hoàng Sơn khi nhận ra mình sẽ "mắc kẹt" trong nhà suốt 3 tuần tới.

ngu day thay nha bi phong toa anh 1

Hoàng Sơn, ngụ tại phường Tây Thạnh (quận Tân Phú), phát hiện nhà mình bị phong tỏa sau khi tỉnh dậy từ giấc ngủ trưa.

Anh sợ việc buôn bán sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do công việc yêu cầu phải đi lại, giao nhận hàng hóa nhiều.

"Mình rất lo hoạt động kinh doanh cửa hàng sẽ bị đình trệ. Song, mình hiểu cả nước đang trải qua thời điểm khó khăn vì dịch bệnh. Do đó, mình xốc lại tinh thần, thu xếp công việc và sẵn sàng ở yên tại chỗ trong 21 ngày tới", Hoàng Sơn nói.

Chia sẻ với Zing, chàng trai 28 tuổi cho biết anh hiện sống ở TP.HCM một mình cùng 2 người bạn bốn chân. Sợ rằng gia đình sẽ lo lắng, anh chủ động gọi điện báo tin, trấn an người thân.

"Mình cứ nghĩ cả nhà sẽ sốt sắng, sợ hãi lắm, nhưng ai cũng bình tĩnh. Mẹ mình còn dặn chỉ được ở yên trong nhà, tuân thủ quy định nhà nước. Bà ấy còn bảo sẽ không gửi thực phẩm lên vì cần hạn chế ra ngoài, kêu mình thiếu gì thì đặt ship", anh cười, kể.

Theo thông báo, 9h ngày 30/5, cư dân khu vực anh sống sẽ được các y, bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Cả tối hôm trước, Hoàng Sơn miệt mài lên mạng tra cứu, xem video minh họa việc lấy mẫu để "chuẩn bị tinh thần".

"Mình cứ nghĩ xét nghiệm Covid-19 sẽ đau lắm, vì họ đẩy que thử vào sâu trong họng, mũi. Thế nhưng, thực tế thì việc lấy mẫu không đau chút nào, chỉ hơi ngứa mũi một chút thôi. Vì thế, mình rút kinh nghiệm là xem 'review' trước chỉ làm ta hoảng sợ thôi!", anh nói.

ngu day thay nha bi phong toa anh 2

Nhiều địa bàn tại TP.HCM đang được lực lượng chức năng phong tỏa vì có ca nhiễm, nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn.

Những ngày đầu phong tỏa

Tuy nhiên, điều khiến Hoàng Sơn bất ngờ nhất chính là thái độ bình tĩnh, hợp tác của người dân trong hẻm. Từ lúc phong tỏa tới khi lấy mẫu xét nghiệm, xóm giềng chỉ bàn tán xôn xao một lúc rồi ai về nhà nấy, đi đâu cũng đeo khẩu trang, chú ý giãn cách.

Thậm chí, tới ngày lấy mẫu xét nghiệm, mọi người còn có mặt sớm hơn lịch hẹn 2-3 tiếng để khai báo y tế trước, xếp hàng chờ tới lượt. Ai cũng phối hợp nên các công đoạn trên chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút, vừa tiết kiệm thời gian, vừa giảm bớt gánh nặng cho các y, bác sĩ.

Trải qua 3 ngày sống trong khu vực phong tỏa, Hoàng Sơn cho biết cuộc sống nơi hẻm nhỏ bỗng bình thản, chậm rãi hơn thường ngày. Người tập thể dục ngoài ban công, người ca hát, người tắm cho thú cưng, không có chuyện tụ tập, đổ xô mua bán hàng hóa.

"Lâu lắm rồi mình mới thấy những hình ảnh này xuất hiện lại ở con hẻm", anh cảm thán.

Bên cạnh đó, Hoàng Sơn khẳng định những ngày sống ở khu vực phong tỏa cũng bớt căng thẳng hơn nhờ sự tận tâm, nhiệt tình từ đội ngũ công an, dân quân và nhân viên y tế.

ngu day thay nha bi phong toa anh 3

Người dân đều phối hợp, tuân thủ quy định cách ly để giảm bớt áp lực cho các y, bác sĩ và lực lượng chức năng.

"Các anh công an, dân quân thường nhận mua đồ giúp người dân, thỉnh thoảng còn nói đùa mấy câu với mình vì nhà mình ở ngay đầu hẻm. Họ làm việc vất vả lắm, phải trực ngày, trực đêm trước chốt chặn. Vì thế, nhà có bao nhiêu quạt, ghế ngồi thì mình đều đem cho các anh, chị mượn hết", Hoàng Sơn kể.

Dù chỉ gặp gỡ lực lượng chức năng ở khoảng cách xa, ai cũng đeo khẩu trang che kín mặt, anh vẫn cảm thấy gắn bó với họ.

"Phải nhìn mới thấy họ làm việc vất vả ra sao. Do đó, mình và người dân trong hẻm cũng nỗ lực tuân thủ quy định cách ly, giảm bớt gánh nặng cho tuyến đầu chống dịch".

Chia sẻ với Zing, Hoàng Sơn nói anh đã chuẩn bị tinh thần để ở yên tại chỗ trong 21 ngày tới. Thay vì sinh hoạt không điều độ như trước, anh sẽ tập nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và đọc sách.

"Trước đây, mình cứ mải làm việc mà không quan tâm tới sức khỏe. Giờ, thời gian dư dả nên mình muốn tập trung cho bản thân nhiều hơn. Tình huống bất khả kháng nên mình đành coi 3 tuần tới như thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm việc cực khổ vậy", Sơn lý giải.

'Ai quên hãy lấy một cái, khẩu trang miễn phí'

Từ tháng 2 năm nay, anh Long (36 tuổi), bán hàng ở chợ Cây Quéo, chưa lần nào gỡ tấm biển mời người dân lấy khẩu trang miễn phí.

Trang Minh

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm