Tháng 11-12/2020, T.U. (sinh năm 1993), tiếp viên một hãng hàng không, bị cắt giảm giờ bay, thu nhập chỉ còn khoảng 20% lúc chưa dịch.
Gia đình gặp khó khăn, bố mẹ không thể hỗ trợ U. chi phí sinh hoạt. Thời gian rảnh rỗi nhiều, cô cùng một người bạn, cũng là tiếp viên hàng không, xin làm bưng bê trong một khách sạn ở TP Nha Trang.
“Mỗi ngày, mình làm 8 tiếng, được trả lương 15.000 đồng/giờ, rẻ hơn so với nhân viên phục vụ quán cà phê. ‘Đồng nghiệp’ khi đó toàn các bạn sinh viên thực tập, sinh năm 1999, 2000, đôi khi mình cũng hơi khó hòa nhập. Tuy nhiên, trong tình cảnh khó khăn, mình nghĩ có việc làm tạm thời là tốt lắm rồi”, U. kể với Zing.
Sau khi làm thêm được 2 tháng, U. quyết định nghỉ vì công việc khá vất vả, lương thấp. Những tháng sau đó, cô sống chủ yếu nhờ tiền lương cơ bản, ăn uống tiết kiệm và vay mượn thêm khi thiếu.
Đến giờ, lịch bay lác đác, có tháng là 0 giờ, U. quyết định về quê ở hẳn với bố mẹ để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Nhân sự hàng không Việt phải tạm nghỉ, chuyển nghề vì dịch Covid-19. |
Theo đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), tình hình tài chính khó khăn của các hãng hàng không Việt do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thu nhập của nhân sự hàng không giảm mạnh.
Để tồn tại, các hãng bay phải cắt giảm tối đa chi phí, bao gồm cả tiền lương, thưởng cho lao động trong năm qua.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Vietnam Airlines, trong tháng 4/2020 toàn quốc thực hiện giãn cách xã hội, hãng có tới 50% nhân sự phải ngừng việc, toàn bộ nhân viên giảm lương, cán bộ từ cấp ban trở lên tự nguyện không nhận lương.
Báo cáo tiền lương năm 2020 của Vietnam Airlines cho thấy lương phi công giảm hơn 50% so với cùng kỳ, kế hoạch tăng lương định kỳ cũng phải hủy bỏ. Lương trung bình của tiếp viên, lao động mặt đất dự kiến giảm lần lượt gần 48% và 44,5%. Tổng số lao động của hãng cũng ít hơn 1.600 người so với năm 2019.
Đó là khó khăn chung của lao động ngành hàng không Việt từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Bán hàng online, chạy xe công nghệ vì dịch
Đã 22 ngày nay, T.T. (sinh năm 1994), tiếp viên một hãng hàng không, không có chuyến bay, phải nghỉ ở nhà.
“Trước dịch, mình bay khoảng 50-60 giờ. Hiện thời gian bay giảm tùy tháng, đỉnh điểm có tháng 0 giờ bay. Nếu bay lác đác được thì giảm khoảng 2/3”, T. nói.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái, T. nói nhiều tháng cô phải chịu cảnh “ăn không ngồi rồi” như vậy. Đỉnh điểm là suốt 3 tháng phong tỏa, cô không được bay, không thể đi đâu hay làm gì.
“Thời gian đó, may mắn là công ty mình vẫn trả lương cơ bản cho nhân viên khi nghỉ. Cộng với tiền lương trước đó và bố mẹ trợ cấp thêm, mình vẫn đủ duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, những người gia đình không có điều kiện thì hơi chật vật”, T. kể.
Không thể ngồi không đợi hết dịch, T. bắt đầu nhập quần áo, phụ kiện và bán hàng online. Trước đó, cô chưa từng nghĩ sẽ làm công việc này.
Nhiều anh chị, bạn bè đồng nghiệp của nữ tiếp viên không chịu được ảnh hưởng từ đợt dịch nên bỏ nghề để kiếm việc khác.
Về phía T., công việc kinh doanh hiện tại chỉ đủ cho cô tiền ăn vặt. Tuy nhiên, cô cố gắng duy trì vì dịch khó khăn cũng không thể đổi nghề.
Nhiều lao động ngành hàng không cố bám trụ với nghề dù bị gián đoạn công việc, giảm mạnh thu nhập. |
Trong đợt dịch đầu tiên bùng phát vào năm ngoái, V. (sinh năm 1993), tiếp viên tại một hãng hàng không, phải nghỉ không lương 4 tháng. Trước đó, anh bay khoảng 70-80 giờ/tháng.
Ban đầu, V. tự động viên bản thân rằng thời gian nghỉ, anh có nhiều thời gian chăm sóc vợ và con nhỏ. Tuy nhiên, đợi hơn 1 tháng hết giãn cách vẫn chưa có lịch bay trở lại, trong khi chi tiêu gia đình vẫn cần duy trì, anh tìm công việc làm tạm thời.
Qua tham khảo một số bạn bè, nhà lại có sẵn ôtô, anh quyết định chạy xe công nghệ để “kiếm được từng nào hay từng đó” và chờ đến khi tình hình dịch ổn hơn để được bay trở lại.
Chờ hết dịch để “cày cuốc” trở lại
Giống như nhiều đồng nghiệp, H.G. (sinh năm 1993, TP.HCM), tiếp viên tại một hãng hàng không, nghỉ ở nhà hơn nửa tháng nay vì không có lịch bay.
“Hiện tại, Cục Hàng không giới hạn giờ bay của một tiếp viên là 80 giờ/tháng. Còn bây giờ, giờ bay trung bình vào khoảng 10 giờ nếu dịch, còn hết dịch vào khoảng 20-40 giờ. Khoảng một năm trước, tụi mình đi làm một tháng khoảng 24 ngày, nghỉ 6 ngày. Năm nay thì ngược lại. Ngoài ra, giờ bay quốc tế và quốc nội sẽ tính lương khác nhau. Nếu bay quốc tế và nghỉ lại ở nước ngoài, sẽ được trả thêm phí công tác tính theo đêm nghỉ. Hiện tại, chỉ có bay quốc nội, nên thu nhập sẽ mất khá nhiều”, G. nói.
Nam tiếp viên cho biết thêm công việc của anh nhận lương theo giờ bay cộng với lương cơ bản theo luật. Điều đó có nghĩa là nếu không bay, anh chỉ nhận được lương cơ bản, tức khoảng 5-7 triệu đồng/tháng. So với đợt trước dịch, thu nhập của G. giảm khá nhiều, khoảng 60-80% tùy đợt.
Đa số đồng nghiệp của G. khi nghỉ dịch đều chuyển sang buôn bán, còn nam tiếp viên 28 tuổi hiện chưa có dự định gì.
“Mình cũng có suy nghĩ làm thêm gì đó khi tạm nghỉ. Tuy nhiên background của mình là du lịch nên dịch thế này cũng ảnh hưởng mạnh đến ngành du lịch - khách sạn - nhà hàng - tour tuyến nên mình vẫn chưa tìm được hướng đi tốt nhất”.
Để tồn tại, các hãng bay Việt phải cắt giảm tối đa chi phí, bao gồm cả tiền lương, thưởng cho lao động trong năm qua. |
Tuy nhiên, dù có ảnh hưởng nhiều vì dịch, G. vẫn cảm thấy may mắn hơn nhiều người đang thất nghiệp. Anh xác định khi dịch hết sẽ “cày cuốc” lại.
“Thực sự là đi bay lúc này đáng lo hơn, vì chỉ cần hành khách có người dương tính, bạn sẽ vào diện F1. Một ngày, tiếp viên tụi mình bay trung bình 2-4 chuyến, mỗi chuyến vào khoảng 150-200 khách. Như vậy, trung bình bạn tiếp xúc khoảng 700-800 người đến từ mọi nơi, tỷ lệ rủi ro cũng cao. Lúc nào bay về cũng lo lắng hồi hộp”, G. nói.
Chàng trai 28 tuổi hy vọng mọi người giữ vững tinh thần tích cực và tinh thần cảnh giác cùng trách nhiệm phòng chống dịch bệnh để cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Không riêng tiếp viên hàng không, nhân viên mặt đất của nhiều hãng bay cũng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Lần đầu tiên sau 4 năm công tác tại bộ phận check-in của một hãng hàng không, H.A. (sinh năm 1994) đón cái Tết 2021 ảm đạm chưa từng có vì không có thưởng.
Vừa đi làm được vài tháng với thu nhập chỉ bằng 1/3 so với trước dịch, H.A. phải chuẩn bị tinh thần nghỉ không lương do đợt dịch mới bùng phát hồi cuối tháng 4.
“Trong tình cảnh các chuyến bay bị hủy, nhân sự dư thừa, công ty không yêu cầu nhưng ai muốn nghỉ thì đăng ký. Đi làm lương cũng thấp nên một số anh chị đồng nghiệp của mình tạm nghỉ về kinh doanh online, dạy tiếng Anh hay nhà có ôtô thì chạy thêm xe công nghệ”, H.A. nói với Zing.
Theo nữ nhân viên mặt đất, không ít người yêu nghề nhưng xin nghỉ hẳn ở hãng để tìm việc khác. Lý do là không giữ được mức thu nhập mong muốn, không thể trang trải cuộc sống hay quá dư dả thời gian.
Không ít lao động ngành hàng không yêu nghề nhưng xin nghỉ hẳn để tìm việc khác do không có thu nhập. |
Về phía H.A., cô đăng ký làm hết tháng 5 rồi nghỉ một tháng. Đây là lần thứ 4 cô gái 27 tuổi phải tạm nghỉ từ khi bùng dịch vào năm ngoái.
“Mình định 1 tháng nghỉ sẽ đi học thêm lớp MC, thi lại các chứng chỉ ngoại ngữ rồi tính tiếp”, cô nói.
Nhớ lại lần đầu tiên phải nghỉ không lương vì dịch, H.A. từng hoang mang, mất cân bằng cuộc sống. Cô phải lên kế hoạch thay đổi thói quen chi tiêu, hạn chế mua sắm, ăn uống, cà phê với bạn bè.
Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, H.A. chuyển hẳn từ Hà Nội về quê sống cùng bố mẹ. Những đợt được đi làm, cô chịu khó di chuyển quãng đường xa mỗi ngày.
H.A. cho hay ngoài vấn đề nghỉ không lương và cắt thưởng Tết, công ty cô vẫn đảm bảo các chế độ nằm trong thỏa thuận hợp đồng người lao động như khám sức khỏe định kỳ, bảo hiểm xã hội. Bởi vậy, trước mắt, nữ nhân viên mặt đất cố gắng bám trụ với nghề.
“Nếu tình hình dịch căng thẳng và kéo dài, mình dự định đi học về thiết kế hoặc về quê xin việc”, H.A. cho hay.