Xin lỗi không đúng cách khiến mối quan hệ dễ xảy ra trục trặc. Ảnh minh họa: Randino Rustanda/Pexels. |
Chúng ta khó có thể không bao giờ mắc sai lầm trong cuộc sống. Khi đó, xin lỗi chân thành là bước đầu giải quyết hiệu quả giúp thể hiện được sự trưởng thành và văn minh.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, xin lỗi thái quá (overapologizing - OA) có thể gây hại đáng kể. Không những hạ thấp lòng tự trọng của người nói, hành động này còn có thể làm giảm giá trị của họ trong mắt đối phương.
Người OA thường có xu hướng xin lỗi tiêu cực và nhiều hơn bình thường. Ảnh minh họa: Cup of Couple/Pexels. |
Biểu hiện
Về mặt lý thuyết, chúng ta có thể xin lỗi mọi điều nhỏ nhặt mình làm sai với người khác.
Tuy nhiên, xin lỗi thái quá xảy ra khi mọi người sử dụng chúng một cách vô tội vạ cho những thứ không cần thiết. Chẳng hạn, “Em xin lỗi vì chưa làm xong bữa tối’ hay “Xin lỗi em vì quên cho đường vào cà phê”, theo Psychology Today.
Thêm vào đó, những người có xu hướng OA thường diễn đạt lời xin lỗi một cách căng thẳng hơn và có thể lặp lại chúng nhiều lần trong cùng một cuộc trò chuyện.
Thông thường, xin lỗi thái quá được hiểu là dấu hiệu của lòng tự trọng thấp, mất quyền lực hay bất lực.
Khi xin lỗi quá nhiều, chúng ta dường như coi đối phương là một người hung hăng, nóng nảy hoặc thích kiểm soát một cách vô thức. Hiệu ứng này xảy ra do OA hạ thấp vị trí của người nói và buộc người còn lại ở vị thế cao hơn. Theo đó, họ sẽ bị đẩy vô tình thế là tha thứ hoặc giải thích tại sao không cần phải xin lỗi.
Nói một cách đơn giản, thói quen xin lỗi nhiều khiến người khác trở thành người gây hấn còn chúng ta là nạn nhân phải chịu đựng tất cả.
Xin lỗi thái quá gây hại đến cả hai trong một mối quan hệ. Ảnh minh họa: Anete Lusina/Pexels. |
Hậu quả
Theo thời gian, việc xin lỗi quá mức có thể trở thành sự khó chịu hay gánh nặng tinh thần. Nửa kia sẽ dễ dàng mất kiên nhẫn, cộc cằn và cáu kỉnh. Tệ hơn, ngay cả khi những gì chúng ta làm là xin lỗi, họ cũng có thể đột nhiên bột phát cơn giận.
Hành vi xin lỗi thái quá còn có khả năng gây hại đến chính người nói. Họ dễ xem bản thân là vụng về, vô cảm, yếu đuối, rụt rè hay thậm chí thảm hại và phiền phức.
Thay vì tập trung năng lượng vào vui chơi, sáng tạo và sức sống tích cực, thói quan xin lỗi nhiều hướng tất cả vào sai lầm và những điều tiêu cực.
Ngoài ra, đối phương dễ trở nên chai lỳ, thờ ơ và không còn tin tưởng vào sự chân thành trong lời xin lỗi. Trong một số trường hợp, họ còn liên tục rơi vào tội lỗi, tinh thần nặng nề và tệ hơn là tránh né.
Trong một số trường hợp, nửa kia trở nên khó tính và không dễ để hài lòng. Thêm vào đó, điều này còn gây mất cân bằng trong mối quan hệ. Nguyên nhân là họ quá quen thuộc với việc an ủi, khuyến khích và xem bản thân ở vị thế quan trọng hơn.
Để giải quyết vấn đề xin lỗi thái quá, cả hai người trong mối tình cần chung tay nhận thức và thấu hiểu. Ảnh minh họa: Trung Nguyen/Pexels. |
Cách giải quyết
Mọi ảnh hưởng của xin lỗi quá đà có thể được khắc phục nếu cả hai trong một mối quan hệ đều có ý thức và mong muốn cải thiện vấn đề.
Đầu tiên, biểu hiện của hành vi này cần được chú ý theo dõi. Theo đó, mọi người cần trao đổi cẩn thận và thống nhất với nhau về tần suất và bản chất của lời xin lỗi.
Sau khi nhận thức được vấn đề, chúng ta cần chủ động thừa nhận và gọi tên cảm xúc của mình. Ví dụ: “Dù tôi rất muốn xin lỗi, điều đó thật sự không cần thiết trong trường hợp này”.
Tiếp đó, thay vì xin lỗi, mọi người có thể tận dụng lời cảm ơn. Nói một cách dễ hiểu, đây là cách chuyển đổi cảm giác tội lỗi sang biết ơn. Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Cảm ơn anh vì đã đợi em. Em rất trân trọng điều này” khi đến muộn trong một buổi hẹn.
Thêm vào đó, nếu do dự về việc xin lỗi, chúng ta hãy trực tiếp chia sẻ với đối phương. Cuộc trò chuyện cởi mở và thẳng thắn giúp cả hai có thể điều chỉnh để đồng cảm và hài hòa hơn với nhau.
Cuối cùng, khi nửa kia bắt đầu xin lỗi thái quá, chúng ta không nên nản lòng mà hãy giữ thái độ tích cực. Tuy nhiên, mọi người nên tránh tha thứ hay an ủi họ quá nhanh chóng. Thay vào đó, những câu trả lời vui nhộn và bất ngờ nên được ưu tiên.
Thí nghiệm sự bền chặt của các đôi
Trong cuốn Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy của tác giả David McRaney, nhà tâm lý học James Graham đã làm một thí nghiệm và đi tới kết luận rằng bởi vì con người luôn có nhu cầu được phát triển, mở rộng, trau dồi khả năng và vốn kiến thức, nên khi được kết hợp, học hỏi từ người yêu, biến chúng thành những kỹ năng, triết lý và bản ngã của bản thân, thì mối liên kết giữa bạn với người ấy sẽ được củng cố tốt hơn bất kỳ hành động lãng mạn nào.