Mới giữa tháng 5 nhưng chị Phạm Thị Phương - sống tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội - đã ngược xuôi nhiều nơi tìm cách “chạy” cho cô con gái 3 tuổi của mình vào học tại trường mầm non công lập trong phường.
Tìm cửa “chạy” sớm
“Tôi sống ở đây hơn 5 năm nhưng hộ khẩu lại ở quận Ba Đình, nếu chiếu theo quy định thì phải về học ở nơi có hộ khẩu, như thế bất tiện đủ đường. Học tư thục thì tài chính gia đình không cho phép. Nghe nhiều người chỉ muốn xin vào công lập cũng có 'cửa chạy' nhưng tôi đi hỏi mấy nơi mà chưa ai trả lời chắc chắn. Giờ đành phải chờ chứ không biết làm sao...” - chị Phương cho hay.
Một phụ huynh khác sống tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội đang có nhu cầu xin cho con vào Trường Mầm non Quỳnh Mai theo đúng tuyến nhưng vẫn chưa có lời hứa chắc chắn nào từ phía nhà trường.
Phụ huynh này cho hay đến giờ, nhà trường vẫn chưa cung cấp chỉ tiêu, tuyến tuyển sinh nên ông rất lo lắng, không biết năm nay sẽ phải đăng ký theo hình thức nào để có thể có một suất vào trường cho con.
Tìm một suất học trong các trường mầm non công lập của Hà Nội thực sự là mối lo chung của rất nhiều cha mẹ có con 3- 4 tuổi. Nếu không đủ tài chính cho con học trường tư, việc chắc chắn một suất vào công lập chỉ có thể được thực hiện bằng biện pháp “mua” suất của cán bộ, giáo viên hoặc kiếm một “suất ngoại giao” nhờ quan hệ quen biết.
Mấy năm nay, Hà Nội phải đối mặt với tình trạng bùng phát số trẻ lứa tuổi mẫu giáo ở các khu đô thị mới, gây quá tải cho trường mầm non công lập.
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hà Nội, thừa nhận tình trạng này và cho biết đã cảnh báo các quận, huyện tập trung nhiều khu đô thị phải tích cực điều tra đúng số trẻ, học sinh đến độ tuổi ra lớp để phân tuyến phù hợp.
“Chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và Sở GD&ĐT là bảo đảm trẻ 5 tuổi có chỗ học, các trường ưu tiên cho trẻ trong độ tuổi này nhằm bảo đảm phổ cập trẻ 5 tuổi được đến trường. Không thể để một lớp học có đến 80 cháu. Các trường sẽ phải chủ động đưa ra biện pháp như giảm trẻ 3-4 tuổi để ưu tiên trẻ 5 tuổi, cũng không loại trừ phải bốc thăm…” - ông Phạm Văn Đại cho biết.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hà Nội, để giải quyết tình trạng quá tải ở các trường công lập, sở đã đề xuất UBND TP khi xây dựng khu đô thị mới, chung cư phải bố trí trường học cho trẻ mầm non, lớp 1 và lớp 6.
Năm 2016, UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu sở có kế hoạch xây thêm 26 trường học mới, chủ yếu tập trung ở các khu đô thị.
Cuộc đua đầu cấp vào các trường chất lượng cao tại Hà Nội đang nóng dần . Ảnh: Người Lao Động. |
Cuộc đua khốc liệt
Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT cấm các trường THCS thi tuyển đầu vào lớp 6 nhằm hạn chế học thêm, luyện thi bậc tiểu học. Tuy nhiên, việc phụ huynh dồn hồ sơ vào các trường chất lượng cao như THCS Hà Nội - Amsterdam, THCS Cầu Giấy, Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành, Marie Curie, Nguyễn Siêu... khiến việc tuyển sinh của các trường này trở thành một cuộc đua khốc liệt.
Chỉ tiêu có hạn, trong khi 100% học sinh đăng ký xét tuyển đều có điểm số tuyệt đối trong học bạ khiến các trường phải lọc bớt hồ sơ bằng các tiêu chí phụ, như: tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên cho học sinh đạt giải trong các cuộc thi văn hóa, thể thao từ cấp quận trở lên, các cuộc thi giải toán, tiếng Anh qua mạng…
Trường Marie Curie cho hay ưu tiên tuyển thẳng học sinh đạt giải ba cấp quận trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi toán, tiếng Việt, tiếng Anh lớp 5 (ViOlympic, Olympic tiếng Anh, IOE...); học sinh đạt loại giỏi, xuất sắc trong kỳ thi IMAS và Kangaroo.
Trường THCS Nguyễn Tất Thành cũng ưu tiên xét tuyển những học sinh đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong các cuộc thi giải toán, tiếng Anh qua mạng Internet, Olympic tiếng Anh, tin học trẻ từ cấp quận, huyện trở lên.
Để con em có được chỗ ngồi trong một môi trường học tập chất lượng cao, không ít phụ huynh đã đầu tư thời gian, tiền bạc tại các trung tâm chuyên dạy toán bằng tiếng Anh. Các trung tâm luyện thi tiếng Anh cho trẻ tiểu học hiện cũng phát triển như nấm.
Học sinh tiểu học, thay vì miệt mài ôn luyện văn, toán để thi vào lớp 6 như 2 năm trước, thì lại vào các trung tâm này để dùi mài tiếng Anh và toán để đi thi có giải. Điều đáng nói là không phải các cuộc thi này đều là sân chơi công bằng.
Đã có những phụ huynh phản ánh cuộc thi giải toán qua mạng ViOlympic dù ở cấp thành phố nhưng chỉ được tổ chức tại trường. Việc này dẫn tới chuyện giáo viên hoàn toàn có thể can thiệp vào thành tích để được cộng điểm ưu tiên, thậm chí vào thẳng các trường như Hà Nội - Amsterdam của một số học sinh là con em trong trường thay vì thuộc về những em xuất sắc thực thụ.
“Giải thưởng nếu đúng thực chất thì vẫn có thể tuyển được học sinh có tố chất nhưng nếu “chạy chọt” thì cuối cùng lại thành tiêu cực. Giải bơi lội dành cho học sinh tiểu học năm 2015 cũng bị kiện tụng vì thiếu minh bạch” - PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết.