Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Căn bệnh mù màu ông chủ Facebook mắc phải nguy hiểm thế nào?

Người bệnh không có khả năng phân biệt được màu đỏ, xanh lá, xanh biển hoặc khi pha trộn giữa các màu này với nhau.

Khi mắc bệnh, người mù màu sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày như tham gia giao thông hay làm các công việc liên quan đến màu sắc.

Tại sao có bệnh mù màu?

BSCKI Mai Thị Hương Thảo, khoa Mắt, Bệnh viện Quốc tế City TP.HCM, cho biết sự phân tích màu sắc chủ yếu do các tế bào nón nằm ở hố trung tâm võng mạc đảm nhận. Nếu các tế bào nón này mất khả năng phân biệt màu sắc sẽ gây rối loạn sắc giác (bệnh mù màu).

“Người bệnh mù màu vẫn có thể nhìn rõ vật nhưng không thể phân biệt được màu sắc của vật như đỏ, xanh lá, xanh biển hoặc khi pha trộn giữa các màu này với nhau. Bệnh không ảnh hưởng đến khả năng sống sót cũng như sinh sản, tuy nhiên, gen bệnh có thể di truyền cho thế hệ sau”, bác sĩ Thảo nói.

nguoi benh mu mau nhin thay nhu the nao anh 1
Người bị bệnh mù màu sẽ nhìn thấy các vật có màu sắc khác thường. Ảnh: Bestie.

Triệu chứng của bệnh mù màu

Bác sĩ Thảo cho biết ở mức độ nhẹ, người mù màu thường khó khăn trong việc phân biệt được các màu như xanh lá - đỏ, xanh dương - vàng. Ở thể nặng, bệnh nhân sẽ không phân biệt được các loại màu sắc với nhau. Trường hợp hiếm gặp, người bệnh chỉ thấy được màu trắng, đen, xanh.

“Phần lớn người bệnh có vấn đề về thị lực nhưng không phát hiện ra. Do đó, nếu mắt không thể phân biệt được một số màu sắc nhất định, hãy đến bệnh viện kiểm tra và tham khảo ý kiến của chuyên gia. Trẻ em trước khi bắt đầu đi học cần có một cuộc kiểm tra toàn diện về mắt bao gồm thị lực và khả năng phân biệt màu sắc”, bác sĩ Thảo nói.

nguoi benh mu mau nhin thay nhu the nao anh 2
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg là người mắc bệnh mù màu. Ảnh: Dazeinfo. 

Nguyên nhân mắc bệnh mù màu

Theo bác sĩ Thảo, bệnh mù màu thường do những nguyên nhân dưới đây:

- Rối loạn di truyền: Mù màu do bẩm sinh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ. Họ sẽ mất khả năng nhìn thấy màu xanh (thường gặp) hoặc màu vàng (hiếm gặp hơn).

- Biến chứng của một số thuốc: Một số loại thuốc có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt màu sắc của mắt như thuốc tim mạch, huyết áp, rối loạn cương dương, nhiễm trùng, rối loạn thần kinh,...

- Biến chứng của bệnh khác: Khi mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, tăng nhãn áp, alzheimer, parkinson, bạch cầu và thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm,... bệnh nhân bị ảnh hưởng thị giác dẫn đến mù màu. Sau khi điều trị, chứng mù màu có thể thuyên giảm và phục hồi.

- Tình trạng lão hóa: Thị lực và khả năng phân biệt màu sắc sẽ giảm dần khi độ tuổi tăng.

nguoi benh mu mau nhin thay nhu the nao anh 3
Người bệnh mù màu sẽ gặp khó khăn trong việc phân biệt các loại màu sắc khác nhau. Ảnh: BSCC.

Bệnh mù màu điều trị như thế nào?

Bác sĩ Thảo cho biết nếu nguyên nhân mắc bệnh từ thuốc hoặc các yếu tố khác vẫn có thể chữa được. Việc điều trị sẽ làm thuyên giảm chứng mù màu.

Bên cạnh việc chữa trị, ngày nay các nhà khoa học đã phát minh ra kính lọc nhằm hỗ trợ khả năng phân biệt màu sắc cho người bị mù màu. Loại kính này giúp người bệnh có thể phân biệt được màu sắc và làm giảm độ chói sáng.

Bác sĩ Thảo cho hay bệnh mù màu di truyền không thể chữa khỏi. Vì vậy, người bệnh cần tập những thói quen để chung sống với nó.

“Hãy ghi nhớ thứ tự của các loại màu sắc đèn giao thông để lưu thông trên đường an toàn. Ghi chú, sắp xếp lại thứ tự màu sắc để dễ nhận biết khi cần. Nên tránh các nghề cần phân biệt màu chính xác như thiết kế, lái xe, họa sĩ, giáo viên. Nếu có phát hiện gì bất thường về thị giác cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ Thảo khuyến cáo.

Đeo kính áp tròng khi tắm, người đàn ông bị mù mắt Sau một lần tắm quên tháo kính áp tròng, người đàn ông ở Mỹ bị nhiễm ký sinh trùng làm mù mắt.

Bác sĩ hướng dẫn xử trí khi bị dị vật bay vào mắt

Trong công việc hay sinh hoạt hàng ngày, bạn có thể bị dị vật bay vào mắt. Vị trí của chúng ở kết mạc, giác mạc, thậm chí xuyên thủng vào bên trong nhãn cầu.




Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm