Theo The Guardian, những người béo phì ở Anh được đề nghị trả tiền để đổi lấy việc giảm cân. Đây là một phần của sáng kiến từ doanh nhân Sir Keith Mills - người đã xây dựng nhiều chiến dịch chống béo phì cho chính phủ Anh.
Cụ thể, ông Mills dự kiến nói chuyện với thủ tướng để đề xuất một chương trình khuyến khích và khen thưởng mới nhằm chống lại bệnh béo phì. Trong đó, dự án này bao gồm các khoản chi trả cho việc tập thể dục của những người thừa cân.
Ngoài ra, các quan chức y tế cũng phải tìm ra những chương trình chống béo phì có hiệu quả ở các quốc gia khác để áp dụng.
Trước đó, chính phủ Anh thông báo sẽ cung cấp 100 triệu bảng Anh cho chiến dịch chống béo phì. Trong số này, hơn 70 triệu sẽ được chi cho công việc của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh để kiểm soát cân nặng. Trong khi đó, 30 triệu bảng Anh còn lại được dùng để tài trợ cho các sáng kiến giúp duy trì cân nặng hợp lý. Chính phủ hy vọng rằng chiến dịch này sẽ giúp 700.000 người lớn ở Anh giảm cân.
Theo số liệu của Cơ quan Y tế cộng đồng Anh (PHE), hơn 60% người trưởng thành ở Anh được xếp vào diện thừa cân hoặc béo phì. Còn theo báo Telegraph, khoảng 1/10 trẻ em bắt đầu vào tiểu học ở Anh bị béo phì, lên cấp 2, tỷ lệ này tăng lên 1/5.
“Các vấn đề sức khỏe liên quan đến cân nặng đã gây tốn kém khoảng 6 tỷ bảng Anh (7,69 tỷ USD) cho Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS). Chỉ riêng trong năm 2019, gần 900.000 ca bệnh nhập viện liên quan tới béo phì”, trích số liệu của báo Telegraph.
Trước đó, cuộc khảo sát năm 2015 của chính phủ Anh chỉ ra rằng 28,7% người trưởng thành ở Anh bị béo phì trong khi có 35,6% người thuộc dạng thừa cân. Đặc biệt, tình trạng béo phì ở trẻ em rất đáng báo động. Ngay trước đại dịch, khoảng 1/5 trẻ em ở Anh trong tình trạng thừa cân.
Vào tháng 7/2020, chính phủ Anh đã khởi động một chương trình chống béo phì để giảm bớt gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Trong số các biện pháp được trông đợi, chính phủ Anh đã ra lệnh cấm quảng cáo trực tuyến trước 21h trên truyền hình các loại bánh pizza, bánh humburger, các sản phẩm nhiều đường, mỡ và muối. Ngoài ra, nhà hàng phải ghi rõ số lượng calo trong thực đơn và các loại đồ uống có cồn.
Đồng thời, các chương trình để khuyến khích hoạt động thể chất cũng được triển khai với sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Họ sẽ lên lịch trình cụ thể những buổi đi bộ hoặc đạp xe cho người dân. Bên cạnh đó, chính quyền dự kiến tổ chức các buổi thảo luận về việc liệu Anh có nên cấm quảng cáo đồ ăn vặt hoàn toàn trên mạng Internet hay không.
Ngoài ra, những chương trình khuyến mại như “mua một tặng một” áp dụng với đồ ăn giàu chất béo và nhiều đường cũng sẽ bị cấm.
Tuy nhiên, Bà Sue Eustace - Giám đốc phụ trách truyền thông tại Hiệp hội Quảng cáo ở Anh, cho rằng những biện pháp chống béo phì của chính phủ là “cực đoan”. Đồng thời, nữ giám đốc cảnh báo các biện pháp trên sẽ gây thêm ảnh hưởng không nhỏ tới ngành kinh doanh thực phẩm đang lao đao vì dịch bệnh và phong tỏa.