Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đối với người bình thường nguyên tắc dinh dưỡng chuẩn sẽ là 30 kcal/kg/ngày.
Trong đó, protein 15-20% tổng năng lượng; lipid: 15-20% tổng năng lượng (trong đó 2/3 là axit béo không no ); glucid: 65-70% tổng năng lượng. Hạn chế ăn mặn, tăng lượng kali, can xi, magie và cần uống đủ nước, bổ sung đủ vitamin và tăng cường chất xơ.
Những thực phẩm nên dùng
Đối với người bị tăng huyết áp, thạc sĩ Liên cho rằng những thực phẩm nên dùng gồm các loại gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn, bún, phở; khoai củ và sản phẩm chế biến từ khoai củ (miến dong, bánh đúc…).
“Người bệnh nên ăn đa dạng các loại thịt, cá, tôm, cua, đậu phụ… (đặc biệt là cá, nên dùng 4 lần/tuần và chọn các loại da trơn). Đối với nhóm chất béo, người bị tăng huyết áp nên chọn các loại béo không no có trong các loại dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng)”, Ths Liên nhấn mạnh.
Đồng thời người bị tăng huyết áp cần ăn nhiều rau xanh, quả chín để có thêm lượng kali giúp điều hòa huyết áp và có lượng xơ để điều hòa mỡ máu.
Những thực phẩm cần hạn chế
Theo thạc sĩ Liên người bệnh cần hạn chế đồ ăn nhanh, chứa nhiều muối (ví dụ mỳ tôm, các loại bánh mặn, gà rán và khoai tây chiên KFC), các loại bánh ngọt.
Thực phẩm chế biến sẵn như thịt muối, cá muối, giò, chả, pate, dưa muối, cà muối, phủ tạng động vật, mỡ động vật, bơ, trứng cũng không tốt cho bệnh nhân cao huyết áp. Đặc biệt, người bệnh cần tránh xa các chất kích thích như rượu, bia, cà phê...
Bác sĩ Liên cũng nhấn mạnh trong quá trình chế biến thức ăn nên chế biến các món ăn nhạt tới mức có thể chấp nhận được và giảm dần lượng muối tới mục tiêu: dưới 6 g muối/ngày. Có thể thay thế 1 g muối = 1 thìa cà phê mước mắm. Ngoài ra, người bệnh không nên sử dụng mỳ chính, bột nêm trong quá trình chế biến món ăn.