Nhà tôi điều kiện khó khăn, lúc nông nhàn, vợ chồng làm thêm nghề bán kính dạo, sửa khóa thuê, mỗi ngày kiếm vài ba chục bạc nuôi các cháu.
Nghề dạo khắp phố phường cũng như đi câu, có hôm chẳng kiếm được đồng nào. Biết thu nhập bấp bênh, nhưng tôi vẫn phải cố để có thêm tiền lo cho gia đình 5 con.
Cuộc sống ở quê còn nhiều vất vả, thiếu thốn lắm, nhiều lúc nghĩ cũng tủi vì nghèo nên chưa lo được cho các con bằng bạn, bằng bè.
Bốn chị gái của Trung đều chỉ học hết cấp THCS, sau đó người lập gia đình, người làm thuê, ở nhà làm ruộng. Một phần cũng vì kinh tế khó khăn.
Vũ Xuân Trung tại lễ trao giải thưởng của Bộ GD&ĐT. Ảnh: Quyên Quyên. |
Cậu em út “vỡ kế hoạch” lại là người thông minh nhất nhà, từ nhỏ đã là niềm tự hào của gia đình. Tôi chỉ học hết lớp 7, các chị gái học đến lớp 9, nên hiểu cái khổ của người ít học. Chính vì thế, vợ chồng tôi quyết tạo mọi điều kiện cho con trai được học bằng bạn bè. Cả nhà chỉ có Trung là người duy nhất học lên cấp ba.
Ngày nhỏ, Trung không được học mẫu giáo, vì vậy cháu suýt không được trường tiểu học nhận. Tôi cố gắng xin cho con tiếp tục học. Một tháng sau, Trung được thầy cô khen thông minh, học tốt.
Từ bé, nó đã thích nghe đài FM, cứ tắt đi là khóc. Tôi và các chị đều không có trình độ văn hóa, không giúp được nhiều trong việc học, tất cả do con quyết định và tự lập.
Lớp 5, Trung đoạt giải nhất cuộc thi Toán tuổi thơ và được tuyển thẳng vào lớp 6 trường điểm của huyện Đông Hưng, rồi sau đó học trường THPT chuyên của tỉnh.
Bố mẹ Vũ Xuân Trung đón con tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Quyên Quyên. |
Cháu đi thi Toán quốc tế, chúng tôi lo lắm, bởi Trung mới học lớp 11, nhỏ nhất đoàn. Trước lúc lên đường, cháu bảo sẽ luôn giữ tâm lý thoải mái, không ép mình phải đoạt huy chương vàng hay bạc. Tôi cũng khuyên con cứ cố gắng hết mình là được.
Khi hay tin con đạt điểm cao nhất (34 điểm), giành HCV, gia đình tôi hạnh phúc quá, không cầm được nước mắt vui sướng. Ông nội Trung 82 tuổi, đòi bằng được lên Hà Nội đón cháu trai, dù đường xa cả trăm km. Cháu đã làm gia đình nghèo của chúng tôi tự hào.
Thầy Lê Bá Khánh Trình - Trưởng đoàn Việt Nam dự Olympic Toán học quốc tế 2015 bắt tay chúc mừng ông Vũ Xuân Vinh (82 tuổi, ông nội Trung). Ảnh: Quyên Quyên. |
Cậu học trò ít giải toán sai
Cô Đào Thị Lê Dung – giáo viên chủ nhiệm của Xuân Trung chia sẻ, em là một trong những học sinh nổi bật của trường. Thi đầu vào trường chuyên, Trung đứng top 5 của lớp nhưng không lâu sau đó vươn lên vị trí dẫn đầu.
Sau 2 năm dạy học trò, cô Dung nhận xét, Trung có kiến thức đều và sâu, đặc biệt là những bài tập khó thuộc phần tổ hợp, tư duy sáng, lập luận logic…
Một kỷ niệm đáng nhớ khác được cô Dung chia sẻ: “Do không học mẫu giáo nên Trung từng suýt không được trường tiểu học nhận khi lên lớp 1. Gia đình đã xin cho em tiếp tục học. Chỉ sau một tháng, thầy cô đã phải thay đổi suy nghĩ về cậu học trò này".
Thầy Nguyễn Quang Tuấn – Hiệu trưởng THPT chuyên Thái Bình cho biết: Trung là học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố làm nghề bán kính dạo, sửa khóa thuê nhưng không vì thế mà em kém cỏi trong việc học tập.
Tôi khen ngợi em là học sinh có khả năng tự học và tự nghiên cứu. Trung không đi học thêm, kiến thức em có được đến từ việc học trên lớp, tự tìm tòi qua sách vở cùng những đợt bồi dưỡng ngắn ngày trong đội tuyển của trường.