Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người cha chở xác con rể đi đầu thú có được khoan hồng?

Nhiều chuyên gia pháp lý, thẩm phán cho rằng người cha chém chết con rể rồi mang xác đến công an tự thú vừa đáng thương vừa đáng trách. Liệu ghi can này có được hưởng khoan hồng?

“Các ông bà có nghĩ người bố nào đánh chết con không, chắc chắn chỉ có kẻ điên”, người đàn ông mang tội giết con trai tại Hà Nội uất nghẹn trước vành móng ngựa trong phiên tòa xét xử mình. Có lẽ cũng giống như người đàn ông trên, ông Nam (ở TP HCM) trong vụ án chém chết con rể rồi mang xác lên phường tự thú cũng giống bị cáo trên. Chỉ vì uất nghẹn với những đứa con bất đạo, mất hết nhân tính họ mới có hành động mù quáng trong cơn cùng quẫn.

Nhiều tình tiết giảm nhẹ

Chiều 14/5, Tôn Thanh Việt (34 tuổi) đến nhà ông Nguyễn Văn Nam (58 tuổi, ở quận Gò Vấp, TP HCM, cha vợ Việt) gây sự. Tại đây, Việt liên tục dùng những lời lẽ thô tục, chửi rủa gia đình ông Nam rồi ra tay đánh vợ.

Không những vậy, anh ta còn ra tay đánh con gái út của cha vợ khi cô này đi làm về. Chứng kiến cảnh ấy, ông Nam lấy dao đuổi đánh con rể. Khi nạn nhân chết, ông ta mang xác đến cơ quan công an đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

cha chem chet con re anh 1
Khu nhà nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Lê Trai.

Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, luật sư Quang Thu (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết ông Nam có một số tình tiết giảm nhẹ. “Ông Nam gây án một phần do lỗi của bị hại”, luật sư Quang Thu nói.

Ông Thu phân tích, thứ nhất, theo thông tin mà các báo đăng tải, Việt có hành vi nhiều lần uống rượu say đến nhà chửi bới, đánh đập con gái ông Nam. Điều này có sự chứng kiến của nhiều người dân sống xung quanh.

Chưa hết, vào hôm xảy ra vụ án, ngoài chửi bới gia đình bố vợ, Việt còn có hành vi hành hung con gái út của ông Nam, đẩy ông ấy vào tình thế có thể bị kích động tinh thần dẫn đến việc lấy dao chém chết nạn nhân.

Cùng quan điểm trên, luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng văn phòng luật Interla) khẳng định ông Nam còn có tình tiết giảm nhẹ khi ra cơ quan chức năng đầu thú, không gây cản trở cho cơ quan điều tra.

Bên cạnh đó cần xem xét người gây án có tiền án, tiền sự gì chưa? Nếu chưa thì đây cũng là căn cứ để khi lượng hình, HĐXX sẽ lấy đó làm căn cứ cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

“Để biết người cha trong vụ án này có được giảm án, hưởng sự khoan hồng của pháp luật hay không, cần căn cứ vào tài liệu, hồ sơ. Tuy nhiên trong vụ án này, ông Nam có nhiều tình tiết được giảm án. Trước hết là việc ông ta đến cơ quan chức năng đầu thú. Nếu nghi can khai báo thành khẩn, ông ta còn được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999”, thẩm phán Nguyễn Hữu Thơ (TAND quận Bình Chánh, TP HCM) chia sẻ.

Và những nỗi ân hận

Dưới góc độ đạo đức, vụ việc trên là tiếng chuông cảnh tỉnh, báo động về sự suy đồi đạo đức đã, đang diễn ra trong xã hội hiện nay. “Các cụ xưa có câu con rể như khách, nhưng ở đây anh ta lại có hành vi đến tận nhà bố vợ chửi bới. Hành vi này không thể chấp nhận được”, luật sư Quang Thu nói.

cha chem chet con re anh 2
Luật sư Quang Thu. Ảnh: Thành Long.

Nguyễn Văn Nam hay Trần Văn Cường - người cha cầm búa đập chết con trai đang ngủ tại Hà Nội năm 2012 có thể có những cách giải quyết, dạy con khác mà không phải đi vào con đường lầm lỗi, bị xã hội lên án.

“Trong vụ án của ông Nam, chúng ta vừa thấy ông ấy đáng thương nhưng cũng vừa đáng trách bởi đã gây ra cái chết cho con rể, điều này rõ ràng là có tội. Nếu ông ấy biết kiềm chế bản thân chắc chắn không có vụ án đau lòng trên. Ông Nam có thể gọi điện báo cơ quan chức năng, báo cảnh sát 113 về hành vi gây rối trật tự công cộng của Việt…”, luật sư Hòe tâm sự.

Luật sư Hòe cho biết ông Cường trong vụ án cha giết con ở Hà Nội đã phải nhận bản án 7 năm tù vì có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Thế nhưng ông ấy sẽ phải sống trong sự ăn năn, hối hận cả đời vì cướp đi mạng sống của con trai. Ông Nam rồi cũng nhận bản án của pháp luật có thể là vài năm như ông Cường và chắc chắn ông ấy sẽ phải sống trong sự day dứt, ân hận cả đời.

Nghi can có thể bị bao nhiêu năm tù?

Luật sư Nguyễn Văn Kha (Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu và Cộng Sự - Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích, căn cứ vào lời khai của nghi can có thể thấy ông Nam giết con rể trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 46 Bộ luật hình sự 1999, hoặc Điều 95 Bộ luật hình sự 1999.

Hành vi chở xác nạn nhân đi đầu thú của người cha, chỉ là một trong những dấu hiệu để cơ quan tiến hành tố tụng làm cơ sở nhận định về tâm lý hung thủ trong quá trình định tội. Nếu ông Nam giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, khung hình phạt cao nhất từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Xét về khía cạnh pháp lý, luật sự Kha rất cảm thông đối với hành vi của người cha, nhưng không đồng ý với hành vi thiếu suy nghĩ này. Theo luật sư, thay vì ra tay giết người ông Nam có thể kêu gọi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền như cơ quan công an, chính quyền để được hỗ trợ kịp thời theo quy định của pháp luật về chống bạo hành gia đình.

"Việc giết chết nạn nhân, có thể giải phóng được tình trạng bạo hành gia đình cho con gái nhưng lại để lại nỗi đau cho người thân của bị hại và gây nên bi kịch gia đình cho chính ông", luật sư Kha chia sẻ.  

Cha chém chết con rể - sát nhân làm nhiều người rơi nước mắt

"Đau lòng", "Đọc mà rớt nước mắt", Thương bác quá", "Đáng thương hơn đáng trách" - nhiều độc giả bày tỏ như vậy khi biết tin ông Nam sát hại con rể rồi chở xác đến công an đầu thú.




Vân Thanh - Khánh Trung

Bạn có thể quan tâm