Câu chuyện về người đàn ông 73 tuổi, quay trở về nhà để đòi chia tài sản sau 30 năm rời bỏ gia đình và vợ con, đang là chủ đề gây tranh luận trên mạng tại Trung Quốc, theo SCMP.
33 năm trước, Liu Yusheng cùng anh trai nhập cư trái phép vào Mỹ. Người đàn ông để lại vợ và người con gái 8 tuổi khi ấy ở Thượng Hải. Kể từ đó, gia đình không còn liên lạc được với Liu.
Trong khi người anh trai sớm quay về quê nhà vì không tìm được việc làm tại Mỹ, Liu vẫn ở lại, thất nghiệp và trở thành người vô gia cư, ngủ ngoài lề đường suốt 3 thập kỷ qua.
Vợ con từ chối đoàn tụ
Đến đầu năm ngoái, Liu tình cờ gặp một phụ nữ đến từ Thượng Hải trên đường phố New York. Vì thương cảm, người phụ nữ này đã giới thiệu Liu với Hội đồng hương Thượng Hải ở Mỹ.
Các thành viên trong nhóm đã giúp đỡ người đàn ông vô cư bằng cách chia sẻ câu chuyện về Liu lên mạng xã hội, ngoài ra còn sắp xếp chỗ ở và cung cấp thức ăn hàng ngày cho ông.
Ông Liu trở về Thượng Hải vào năm ngoái sau 33 năm xa quê. Ảnh: SCMP. |
Trong một video đăng tải trên mạng, Liu bày tỏ nguyện vọng gia đình ở quê nhà có thể tha thứ cho mình, tiết lộ lý do cắt đứt liên lạc với người thân là do tiền và hộ chiếu đã bị đánh cắp khi đến Mỹ. Ông nói thêm mình muốn chăm sóc cho vợ nếu cả hai đoàn tụ và hứa làm việc chăm chỉ khi quay về nhà.
Nhóm đồng hương sau đó đã quyên góp được 15.000 USD cho Liu để mua vé cho người đàn ông quay trở lại Thượng Hải, cùng một ít tiền trang trải chi phí cho chuyến đi.
Tháng 11 năm ngoái, Liu đáp chuyến bay về lại Thượng Hải. Ban đầu, ông không thể tìm thấy vợ hoặc con gái. Hội đồng hương sau đó tìm được nơi ở của gia đình Liu, song cả hai đều từ chối nói chuyện hoặc gặp mặt.
"Ông ấy đã xa nhà trong nhiều năm, bỏ lại gia đình đằng sau. Gia đình chúng tôi coi như ông ấy không còn tồn tại. Chúng tôi không có nhu cầu đoàn tụ", con rể của Liu, người đại diện cho vợ và con gái ông, nói với giới truyền thông. Người con rể mô tả Liu là một "ông già khó ưa".
Chuyến đi trở về của ông Liu không mấy vui vẻ khi gia đình từ chối đoàn tụ, còn bản thân ông muốn chia tài sản với người vợ. |
Yêu cầu vợ chia nhà
Câu chuyện tiếp tục bị đẩy đi xa hơn khi Liu đòi chia tài sản. Khi rời Trung Quốc vào năm 1990, người đàn ông được cơ quan cũ phân cho một căn hộ để ở. Ngôi nhà sau đó bị phá bỏ và gia đình được đền bù một căn hộ lớn hơn, nơi vợ và con gái Liu hiện vẫn sống.
Sau khi về nước, Liu yêu cầu vợ cho mình vào ở cùng hoặc trả một nửa giá trị thị trường của căn nhà vì coi đó là tài sản chung. Theo một báo cáo của ifeng.com, căn hộ nằm ở trung tâm thành phố Thượng Hải hiện có giá hàng triệu nhân dân tệ.
Trong lúc ở tạm tại một trạm tạm trú ở Thượng Hải, người đàn ông cho biết sẽ kiện vợ mình ra tòa nếu hai bên không đi đến thỏa thuận chung. Liu phủ nhận chuyện mình có ý định chiếm đoạt toàn bộ căn nhà.
Sau khi câu chuyện về gia đình Liu được đăng tải, nhiều phản ứng trái chiều nổ ra.
"Là người ngoài, tôi vẫn thấy tức giận với người đàn ông và không thể chấp nhận hành vi của ông ta. Đó là một người cha, người chồng tồi tệ", một người dùng bình luận.
“Phân chia tài sản cũng được, nhưng trước hết hãy giải quyết chi phí nuôi dạy con gái mà một mình người mẹ đảm trách trong suốt nhiều năm qua. Ông ấy nên chia phần đó trước với vợ", một người khác nêu ý kiến, cho rằng Liu không đáng nhận được sự cảm thông.
Bình luận về tính pháp lý, Shen Bo, luật sư người Trung Quốc, cho biết không rõ hiện tình trạng hôn nhân giữa Liu và vợ còn hiệu lực hay không. Trong trường hợp cả hai vẫn là vợ chồng trên giấy tờ, ông Liu không được phép chia quyền sở hữu căn nhà.
“Nếu ông ấy đệ đơn kiện ly hôn, nhiều khả năng tòa án kết luận Liu là người sai vì đã bỏ rơi vợ cùng con gái nhiều năm trước, tức là sẽ nghiêng về lợi ích của người vợ nhiều hơn. Trong vụ kiện, người vợ có thể yêu cầu bồi thường vì đã một mình nuôi nấng con gái của họ”, Shen nói.
Cuốn sách là ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác. Có thể kể đến những cái tên như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; bài Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt; bài Chúng em là học sinh lớp Một quen thuộc, được hát ở bao trường tiểu học. Ngoài ra, những bài như Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.