Với câu hỏi trên của anh Nguyễn Mạnh Sang (ở Thanh Hóa), luật sư Hoàng Trọng Giáp (Đoàn luật sư Hà Nội) trả lời:
Luật sư Hoàng Trọng Giáp khẳng định hành vi cho vay vượt quá mức cho phép có thể bị xử lý hình sự. |
Đầu tháng 12, Bộ Công an đã quyết định mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó tín dụng đen là trọng điểm. Việc làm này nhằm xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có điều kiện liên quan vay nợ cũng như kiến nghị bổ sung các chế tài để hoàn thiện tháo gỡ khó khăn trong công tác phòng ngừa.
Theo lý giải của lãnh đạo Bộ Công an, tín dụng đen là quan hệ vay mượn, tự thỏa thuận với lãi suất cao, không có quy định thực hiện theo luật tự thỏa thuận, tự xử. Đằng sau tín dụng đen thường là hoạt động của tổ chức tội phạm.
Đối chiếu với luật hiện hành, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, lãi suất cho vay do 2 bên tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm (tương đương khoảng 1,67%/ tháng) của khoản tiền vay đó.
Do đó, việc người thân của anh Sang cho vay với lãi suất 5.000 đồng/ngày/1 triệu tức là đã cho vay với lãi suất 180%/năm, cao gấp 9 lần mức trần lãi suất theo quy định của pháp luật.
Người cho vay với mức lãi suất như trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
Theo điều này, người cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đến dưới 100 triệu đồng, thì bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu thu lời bất chính 100 triệu trở lên, người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 3 năm.