Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người chuyển giới Ấn Độ cô đơn tại chính quê hương mình

Nhiều người chuyển giới tại Ấn Độ chọn không báo cảnh sát khi bị quấy rối, lạm dụng tình dục vì mất niềm tin vào công lý.

Zing trích dịch bài đăng trên CNN, nói về tình trạng cộng đồng LGBT ở Ấn Độ không được bảo vệ một cách công bằng khi đối mặt với các tội phạm tình dục.

Daina Dias (36 tuổi) làm vũ công tại một quán bar ở Goa, Ấn Độ. Một hôm, người quản lý bảo cô đến nhà khách hàng nam để biểu diễn. Trong đêm đó, Dias đã bị cưỡng hiếp. “Anh ta sỉ nhục tôi. Ban đầu, tôi nghĩ mình chỉ đến để nhảy múa". Tuy nhiên, cô không bận tâm đến việc báo cảnh sát, vì họ dường như không để ý đến vụ án của một phụ nữ chuyển giới.

Hiện Dias là một nhà hoạt động xã hội, người sáng lập nhóm phúc lợi cho người chuyển giới, Wajood. Cô cũng là thành viên của một số cơ quan chính phủ và phi chính phủ chuyên tư vấn về vấn đề này.

Nguoi chuyen gioi An Do khong duoc bao ve khi bi hiep dam anh 1

Một số người cảm thấy bất lực vì bị xâm hại, tấn công nhưng không có cách đòi lại công lý. Ảnh: CNN.

Theo cuộc khảo sát với gần 5.000 người thuộc cộng đồng LGBT của tổ chức Phòng chống AIDS Quốc gia vào năm 2014-2015, 1/5 trong số đó nói rằng họ đã từng bị bạo lực tình dục thời gian dài.

Thế nhưng, Dias cho biết luật cưỡng hiếp của Ấn Độ khiến người chuyển giới hầu như không thể đòi công lý, bởi vì chính quyền thường xác định thủ phạm là nam giới và nạn nhân là phụ nữ.

Công bằng nào cho cộng đồng LGBT?

Những năm gần đây, Ấn Độ đã áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với tội hiếp dâm sau khi một loạt các vụ tấn công nhắm vào phụ nữ và trẻ em gái đã gây ra biểu tình trên toàn quốc. Nhưng những điều đó vẫn chưa đủ để bảo vệ các giới tính khác.

Theo CNN, những hành vi đe dọa đến cộng đồng LGBT sẽ bị trừng phạt theo Đạo luật bảo vệ người chuyển giới được ban hành năm 2019. Ví dụ, hình phạt đối với tội lạm dụng thể chất và tình dục sẽ bị phạt tù 6 tháng đến 2 năm kèm theo một khoản tiền lớn.

Tuy nhiên, những người đàn ông bị kết tội cưỡng hiếp phụ nữ sẽ bị phạt tù tối thiểu 10 năm, có thể kéo dài đến chung thân. Hình phạt tử hình cũng có thể được áp dụng trong trường hợp nạn nhân bị bỏ mặc trong tình trạng tồi tệ, hung thủ tái phạm nhiều lần hoặc hãm hiếp một bé gái dưới 12 tuổi.

Nguoi chuyen gioi An Do khong duoc bao ve khi bi hiep dam anh 2

Mức phạt nhẹ hơn khiến người chuyển giới dễ bị lạm dụng. Ảnh: India Legal.

Nhiều nhà hoạt động xã hội cho rằng vì mức phạt nhẹ hơn khiến người chuyển giới dễ bị tấn công hơn. Điều này đang ngầm gửi một thông điệp đến xã hội rằng cuộc sống của họ không đáng được bảo vệ.

“Sự khác biệt lớn trong luật cưỡng hiếp và hình phạt tấn công tình dục một người chuyển giới chỉ là một cách khác để chứng tỏ rằng cuộc sống của chúng tôi không quan trọng”, Swati Bidhan Baruah, một trong những thẩm phán chuyển giới đầu tiên của Ấn Độ, nói.

Vào tháng 10, Tòa án Tối cao Ấn Độ nhận được một bản kiến ​​nghị yêu cầu sự trừng phạt bình đẳng cho tội phạm tình dục - bao gồm hãm hiếp, tấn công và quấy rối - đối với các nạn nhân chuyển giới. Cơ quan này sau đó đã trình bày lên chính phủ nhưng vẫn nhận được phản hội.

Luật pháp lỏng lẻo

Nhiều báo cáo cho hay Bộ luật hình sự nên được mở rộng để đưa ra những hình phạt thích đáng hơn cho tội phạm tình dục đối với nạn nhân không phải là phụ nữ.

Tuy nhiên, vấn đề trung lập về giới không được đưa vào dự thảo cuối cùng trong Bộ luật hình sự được sửa đổi vào năm 2013. Thẩm phán Baruah bày tỏ sự thất vọng khi chính phủ ít cân nhắc về việc này.

“Cuộc tranh luận về tính trung lập giới tính chỉ giới hạn ở hai giới nam, nữ và liệu một người đàn ông có thể là nạn nhân của tội hiếp dâm hay không”, Baruah nói.

Tuy nhiên, những nhà hoạt động vì quyền phụ nữ lại lo ngại rằng sự trung lập về giới có thể khiến phụ nữ dễ bị tấn công hơn.

“Chúng tôi không phản đối việc đòi công bằng cho các nạn nhân ở bất kỳ giới tính nào nhưng việc đánh đồng sẽ cho phép đàn ông trả thù bằng cách gửi đơn khiếu nại”, Seema Kushwaha, luật sư đại diện cho gia đình nạn nhân trong vụ án hiếp dâm tập thể ở Delhi, nhấn mạnh.

Nguoi chuyen gioi An Do khong duoc bao ve khi bi hiep dam anh 3

Nhiều người phải tự đấu tranh cho chính mình. Ảnh: India Legal.

Năm 2014, cộng đồng LGBT ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới vui mừng khi Tòa án Tối cao trao cho họ quyền xác định giới tính của bản thân. Đây là một quyết định đánh dấu bước ngoặt mới trong cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng của họ.

Theo đó, Tòa Tối cao đã đưa ra chỉ thị cho các cơ quan khác nhau, bao gồm thêm "giới tính thứ ba" hoặc "chuyển giới" như một tùy chọn trong tất cả văn bản của chính phủ. Theo Dias, sự đa dạng của cộng đồng người chuyển giới ở Ấn Độ khiến họ cần phải có quyền tự xác định danh tính, vì không một định nghĩa nào có thể áp dụng cho tất cả.

“Người chuyển giới ở Ấn Độ vô cùng đa dạng. Ở một số nơi, người chuyển giới hoặc người liên giới được cho là có sức mạnh thần thánh, dựa vào khu vực sống hoặc tập quán mà họ tuân theo, họ có những tên gọi khác nhau như hijras, kinnars, arvaris, jogtas”, cô cho hay.

Để được công nhận là người chuyển giới theo luật, họ phải nộp báo cáo đánh giá tâm lý từ bệnh viện chính phủ cho thẩm phán quận, cùng với bằng chứng rằng họ đã sống cùng một nơi cư trú trong 12 tháng.

Nguoi chuyen gioi An Do khong duoc bao ve khi bi hiep dam anh 4

Các giấy tờ, thủ tục phức tạp khiến người chuyển giới chật vật.

Priyank (24 tuổi) kể việc di chuyển thường xuyên đã khiến việc xin giấy chứng nhận của anh trở nên khó khăn hơn. Priyank đã cố gắng làm thủ tục vào đầu năm nay nhưng nhanh chóng bị gạt bỏ vì anh không đủ bằng chứng về nơi cư trú.

"Chủ nhà của tôi liên tục yêu cầu tôi cung cấp các hồ sơ, nhưng làm thế nào để tôi cho ông ấy xem thẻ Aadhar khi tôi là đàn ông nhưng lại ghi giới tính nữ?. Nhiều người nhìn tôi với ánh mắt ghê tởm khi họ thấy giấy tờ của tôi", Priyank chia sẻ.

Cha mẹ Priyank đã ép anh kết hôn với một người đàn ông. Sau đó, anh bị bạn đời quấy rối, lạm dụng thể xác khiến cuộc hôn nhân không được viên mãn. Việc Priyank từ chối xuất trình giấy tờ tùy thân khiến chủ nhà không muốn cung cấp chỗ ở lâu dài cho anh. Điều này cũng ảnh hưởng đến công việc hiện tại của anh.

Sự thờ ơ của cảnh sát

Dias nhớ lại việc cô cảm thấy sốc khi được trao đồng phục học sinh nam lúc 3 tuổi. Dias không cảm thấy thoải mái khi sử dụng toilet của nam sinh và không được phép sử dụng của bên nữ. Vì vậy, cô thường lẻn ra sau trường học để giải quyết. Tại đó, nhiều học sinh trung học đã bắt đầu quấy rối cô.

Cô cũng bị bạo hành tại nhà và bị hành hung nhiều lần khi làm vũ công ở quán bar. Sau đó, cô phải bán dâm để kiếm sống. Dias chia sẻ nhiều năm nay, cô đã học cách không bận tâm đến việc báo cảnh sát.

Một nghiên cứu năm 2017 của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia (NHRC) cho thấy những người chuyển giới không nhận được sự công bằng từ chính quyền địa phương. Thậm chí trong nhiều trường hợp bị hiếp dâm tập thể, họ không thể đến gặp cơ quan chức năng để được hỗ trợ vì quá sợ hãi hoặc không có tiền hối lộ.

"Những người chuyển giới phải đối mặt với sự quấy rối quá mức ngay cả khi họ cố gắng báo cáo tội phạm, hầu hết sĩ quan cảnh sát đều ngó lơ họ”, thẩm phán Baruah khẳng định.

Nguoi chuyen gioi An Do khong duoc bao ve khi bi hiep dam anh 5

Nhiều chiến dịch được tổ chức để bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng LGBT. Ảnh: SCMP.

Theo CNN, nhiều tổ chức đã đệ trình bản kiến ​​nghị lên Tòa án Tối cao vào tháng 10 nhằm tìm cách đưa ra hình phạt thích ứng cho hành vi tấn công tình dục với người chuyển giới. Baruah nhấn mạnh rằng tội ác có thể được thực hiện bởi bất kỳ ai mà không phân biệt giới tính của họ.

Đơn kiến nghị trên chỉ là bước đầu tiên trong một quá trình dài. Theo Baruah, có thể phải mất nhiều năm vấn đề mới được chính phủ xét duyệt.

"Hiếp dâm là một tội ác bất kể nạn nhân là ai. Nếu hành vi phạm tội tương đồng, luật pháp cần phải trừng phạt họ giống nhau", cô nói thêm.

Nạn quấy rối tình dục nhắm vào nữ nhân viên đeo khẩu trang

Nhiều nữ nhân viên khi làm việc tại các cơ sở ăn uống, giải trí bị yêu cầu gỡ khẩu trang và tiếp xúc gần với khách hàng.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm