Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người chuyển giới có lần dậy thì thứ 2

Với một số người chuyển giới, cảm giác của lần dậy thì thứ hai này như được trở về nhà, trong khi số khác phải đấu tranh với những thay đổi về tâm sinh lý khi điều trị hoóc-môn.

Quá trình chuyển đổi giới tính là giai đoạn mà một người bắt đầu thay đổi ngoại hình và cơ thể để chuyển sang giới tính phù hợp với mong muốn của mình. Vì biểu hiện giới tính và cơ thể là cái dễ dàng nhìn thấy từ ngoài, những người chuyển đổi giới tính đang trong quá trình chuyển tiếp này buộc phải “lộ mình” với tất cả mọi người xung quanh họ.

Chuyển giới sang nữ gặp nhiều khó khăn

Người chuyển giới là những người thể hiện giới khác với những quy ước và mong đợi chung dành cho giới tính sinh học của họ. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng việc chuyển giới có nguồn gốc từ những yếu tố sinh học phức tạp và nó là bẩm sinh. Tuy nhiên, sự hà khắc của xã hội đã biến việc là một người chuyển giới trở thành một cái gì đó bi lụy, ghê gớm.

Trong một cuộc hội thảo về chuyển giới, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và môi trường (ISEE) cho biết, người chuyển giới gặp nhiều khó khăn hơn người đồng tính. Do ngay từ nhỏ đã bộc lộ giới tính của mình khác với giới tính sinh học nên họ gặp nhiều kì thị trong trường học; ngay từ nhỏ họ cũng không được gia đình chấp nhận nên việc học lên cao rất khó khăn. Điều đó dẫn đến, họ khó có công ăn việc làm tốt sau này. Đói nghèo và khó khăn về kinh tế là vấn đề nổi trội của những người chuyển giới.

Để được chuyển về đúng giới tính thật, Jessica Nguyễn Hữu Toàn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh nhân vật cung cấp

Ở Việt Nam, chưa có luật nào cho phép phẫu thuật chuyển giới, chưa cho phép thay đổi tên, chứng minh thư, gây khó khăn trong việc sinh hoạt, mua bán hàng ngày…

Theo Nghị định 158/2005/NĐ-CP khoản 1 điều 36, công dân chỉ được đổi tên khi có lý do chính đáng. Theo đó, Nhà nước chưa cho phép thay đổi giấy tờ. Pháp luật chỉ cho phép người liên giới tính (chưa xác định được giới tính) thay đổi giấy tờ khai sinh.

“Đối với những người đã chuyển giới, họ chỉ mong muốn có một giấy tờ ghi rõ đã chuyển giới. Pháp luật không công nhận khiến nhiều người mang giới tính sinh học nam nhưng là nữ phải làm những công việc dành cho nam giới. Họ không làm nổi, bỏ việc, mất việc sẽ dẫn đến nghèo đói. Người chuyển giới trở thành người bên lề”, TS Phạm Quỳnh Phương nói.

Một trong những phương pháp tiến hành để chuyển đổi giới được nhiều người lựa chọn là bằng liệu pháp hoóc-môn để phát triển những đặc điểm của giới tính mà họ chọn.

Theo tài liệu của Hội phụ huynh của những người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam (PFLAG), người chuyển giới sẽ có thêm một lần dậy thì nữa. Với một số người, cảm giác của lần dậy thì thứ hai này giống như là được trở về nhà, trong khi một số khác thì phải đấu tranh với những thay đổi về tâm sinh lý nảy sinh trong quá trình điều trị bằng hoóc-môn. Tùy theo độ tuổi mỗi người và những nhân tố khác, cần vài tháng đến vài năm để liệu pháp hoóc-môn phát huy tác dụng đầy đủ và tạo ra một ngoại hình đúng như giới tính mong muốn.

Theo nghiên cứu tìm hiểu của các chuyên gia, những người chuyển giới từ nữ sang nam thường có sự thay đổi về ngoại hình nhanh hơn. Hoóc-môn khiến giọng nói của họ trầm xuống, kích thích râu và lông trên toàn cơ thể phát triển. Nhiều người chuyển giới sang nam thường phải công khai hai lần trong đời mình, lần đầu tiên họ có thể nói mình là đồng tính nữ (vì còn là nữ và đang yêu nữ) và sau đó mới nhận ra và công khai mình là  người chuyển giới sang nam.

Đối với những người chuyển giới sang nữ, hiệu quả của quá trình điều trị hoóc-môn đến chậm hơn, vì hoóc-môn không khiến giọng nói họ thanh hơn, cũng không làm mất đi râu và lông trên cơ thể (để có những điều đó thì lại phải dùng đến phương pháp điện phân).

Thử thách một năm để được làm chính mình

Đối với những người chuyển giới đang muốn thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính, bài kiểm tra Cuộc sống thật  hay còn gọi là Trải nghiệm Cuộc sống thật là khoảng thời gian ít nhất một năm mà họ bắt buộc phải thể hiện cho bác sĩ tâm lý của mình thấy khả năng có thể sống và làm việc bằng giới tính mình mong muốn. Theo bộ Tiêu chuẩn Chăm sóc, bài kiểm tra Cuộc sống thật là điều kiện tiên quyết để được cho phép trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Phẫu thuật chuyển đổi giới tính (SRS) là loại phẫu thuật tái tạo vĩnh viễn cơ thể của một người thành cơ thể của một giới tính khác.

Đối với những người chuyển giới sang nữ, SRS bao gồm sự chuyển đổi từ dương vật và mô bìu thành cơ quan sinh dục nữ. Ngoài ra, họ còn dùng những biện pháp khác, như phương pháp điện phân để tẩy râu và lông, biện pháp nâng ngực, giảm kích thước yết hầu, cấy tóc, bơm môi và các loại phẫu thuật mặt khác.

“Sau phẫu thuật, hầu hết những người chuyển giới sang nữ cho biết rằng họ vẫn có thể đạt được cực khoái trong quan hệ tình dục”, tài liệu của hội PFLAG cho biết.

Đối với những người chuyển giới sang nam, SRS có thể chỉ bao gồm việc phẫu thuật ngực (cắt bỏ ngực), có khi là cắt bỏ cả tử cung. Và bằng cách đó, nhiều người chuyển giới sang nam đã cảm thấy hài lòng với cơ thể đàn ông mới của mình.

“Hầu hết người chuyển giới sang nam đều không chọn làm phẫu thuật tạo hình dương vật vì nhiều lý do, như chi phí đắt và hiệu quả sau phẫu thuật có hạn” - PFLAG thông tin.

Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm