Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều bệnh viện ở Việt Nam đủ năng lực để phẫu thuật chuyển giới

Việt Nam vẫn nói không với những ca phẫu thuật chuyển giới mặc dù các cơ sở như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Xanh Pôn hay Bình Dân có đủ năng lực để thực hiện.

Sáng 28/6, tại buổi giao lưu “Lắng nghe người chuyển giới” do Bộ Y tế tổ chức, Lò Văn Thủy (sinh năm 1994, người dân tộc Kháng, Thuận Châu, Sơn La) tâm sự mình là một người chuyển giới nữ. Thủy đến tham gia sự kiện với mái tóc dài và bộ váy truyền thống của dân tộc mình. Mong muốn lớn nhất của Thủy là phẫu thuật chuyển giới và được pháp luật công nhận.

Cô chia sẻ bản thân đã biết được giới tính dị thường của mình khá sớm, ngay lúc 8 tuổi bởi dù mang hình dáng con trai, Thủy chỉ thích chơi cùng các bạn gái. Năm lớp 12, Thủy có tình cảm với một người bạn trai khác. 

Nguoi chuyen gioi anh 1
Thủy đã sống đúng là chính mình. Cô mong ước được phẫu thuật chuyển giới để hoàn thiện bản thân. Ảnh: HQ.

Khi quyết định công khai giới tính với cha mẹ, thay vì nhận được sự thương cảm, Thủy bị bố mẹ đuổi đánh. Bàn chân của Thủy vẫn còn in hằn sẹo từ vết chém của cha.

“Họ xem tôi là sự sỉ nhục và bảo tôi ra đường cho xe cán chết để không làm ô nhục gia đình, họ hàng. Cha ép tôi ra khỏi hộ khẩu gia đình”, Thủy nhớ lại thời điểm năm 2012. Cay đắng bỏ lên Hà Nội làm thuê, Thủy cùng một người bán mở quán ăn kiếm sống qua ngày, trở thành người con bị gia đình chối bỏ.

Lò Văn Thủy chỉ là một trong số gần 500.000 người chuyển giới ở Việt Nam. Nhiều người trong số họ cũng bị gia đình bỏ rơi, khước từ sự tồn tại, chật vật để kiếm sống.

Bà Định Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho hay không thể có con số chính xác về số lượng người chuyển giới ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Bởi người chuyển giới còn nhiều rào cản, không dám công khai giới tính thật. Họ phải đối mặt rất nhiều khó khăn như sự kỳ thị, phân biệt đối xử, tình yêu hôn nhân, cơ hội việc làm, các vấn đề pháp lý cũng như rủi ro về sức khỏe.

Đặc biệt, để có được ngoại hình mong muốn, họ buộc phải sử dụng các loại thuốc hormone trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí áp dụng các biện pháp truyền miệng. Điều đó khiến nhiều người chuyển giới phải trả giá bằng tính mạng vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hormone, tiêm silicone.

Việt Nam vẫn nói không với những phẫu thuật chuyển giới mặc dù các cơ sở như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Xanh Pôn hay Bệnh viện Bình Dân có đủ năng lực để thực hiện.

Theo thống kê của Bộ Y tế, 26,9% người đã từng ra nước ngoài để được sử dụng dịch vụ này, chủ yếu là tới các bệnh viện tại Thái Lan, 22,4% tìm kiếm dịch vụ tư vấn và khám trước sử dụng hormone tại cơ sở y  tế tư nhân trong nước và chỉ có 13,4% đến các bệnh viện công.

“Nhiều người chuyển giới Việt Nam cũng chọn cách phẫu thuật ở những cơ sở chui hay tại các cơ sở y tế nước ngoài với chi phí đắt gấp 8-10 lần nếu được thực hiện và chăm sóc ngay tại Việt Nam. Vì thế, khó khăn với những người này chính là dù đã phẫu thuật thành công nhưng họ chưa được pháp luật Việt Nam công nhận”, bà Thủy nói.

Bộ Luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã thừa nhận quyền của người chuyển giới, song chưa có các quy định cụ thể về các quyền ở các lĩnh vực khác nhau của người chuyển giới.

Theo bà thủy, Dự thảo Luật Chuyển đổi Giới tính đang được Bộ Y tế soạn thảo và dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội thông qua.

Có mặt tại buổi giao lưu, Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018 Hương Giang chia sẻ: “Thúc đẩy việc công nhận chuyển đổi giới tính trên giấy tờ là dự án tâm huyết số một của Hương Giang. Tôi mong muốn nhà nước sớm có khung pháp lý bảo vệ quyền được sống, được hạnh phúc của người chuyển giới. Tôi muốn người chuyển giới một cơ hội để được làm việc như người bình thường, để có công việc và cuộc sống tốt hơn”.


Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm