Hôm nay (11/3), tròn một năm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch, thế giới trải qua nhiều thăng trầm, biến động bởi ảnh hưởng của virus corona chủng mới.
Vaccine ngừa Covid-19 ra đời và chứng minh hiệu quả đang đưa nhân loại đến gần hơn với cuộc sống bình thường mới. Nhiều người kỳ vọng hộ chiếu vaccine sẽ là giải pháp giúp kết nối thế giới. Tuy nhiên, đây có phải là thời điểm hộ chiếu này được công nhận?
Vaccine không bảo vệ 100%
Phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho biết hiện tại, Việt Nam chưa công nhận hộ chiếu vaccine. Việt Nam chưa có thay đổi trong các biện pháp phòng, chống dịch. Do đó, chúng ta không có trường hợp ngoại lệ cho người nhập cảnh dù sở hữu hộ chiếu vaccine.
Công tác lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo Phó giáo sư Phu, vaccine ngừa Covid-19 có thời gian nghiên cứu, sản xuất và được đưa vào sử dụng khá nhanh chóng so với lịch sử phát triển vaccine nói chung. Do đó, còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, làm rõ như kháng thể tồn tại bao lâu trong cơ thể, vaccine có hiệu quả bảo vệ hay chỉ giảm mức độ nặng của bệnh, người được tiêm vaccine bao lâu thì có kháng thể bảo vệ...
Ngoài ra, trong tình hình SARS-CoV-2 biến chủng khó lường, loại vaccine đã tiêm có thể không có tác dụng bảo vệ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không loại trừ có trường hợp sử dụng hộ chiếu vaccine giả.
Một chuyên gia của Bộ Y tế cũng khẳng định người nhập cảnh Việt Nam hiện nay vẫn phải cách ly đủ 14 ngày dù có hộ chiếu vaccine.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chia sẻ với Zing: "Hiện vaccine không thể bảo vệ 100% và khẳng định một cách chắc chắn người được tiêm không nhiễm bệnh và mang mầm bệnh. Do đó, người có hộ chiếu vaccine vẫn cần tuân thủ quy định cách ly 14 ngày khi nhập cảnh".
Ngoài ra, chúng ta không thể biết chính xác được tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng nơi sinh sống của người có hộ chiếu vaccine là bao nhiêu phần trăm. Do đó, khu vực này chưa thể đảm bảo an toàn. Họ vẫn có khả năng mang virus vào nội địa. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, độ bao phủ vaccine vẫn còn rất hạn chế.
"Chúng ta vẫn đang là cộng đồng yếu và rất nhạy cảm khi có nguồn bệnh ngoại lai. Bên cạnh đó, người được tiêm vaccine cũng không đảm bảo khả năng miễn dịch 100%", bác sĩ Khanh chia sẻ.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng cho biết hiện chưa có thay đổi trong quy định kiểm soát người nhập cảnh. Tất cả người nhập cảnh trở về từ nước ngoài vẫn được áp dụng biện pháp cách ly, xét nghiệm như bình thường.
"Tôi ủng hộ việc cách ly dù bản thân có hộ chiếu vaccine"
Chia sẻ với Zing, bác sĩ Calvin Q. Trịnh, tốt nghiệp chuyên khoa Y học thể thao và Phục hồi chức năng sau sinh, khẳng định dù đã được cấp hộ chiếu vaccine tại Mỹ, khi về nước, ông vẫn chấp hành quy định cách ly y tế của Chính phủ Việt Nam.
Hộ chiếu kèm phiếu tiêm chủng vaccine của bác sĩ Calvin Q. Trịnh. Ảnh: BSCC. |
"Tôi được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 của Moderna tại trung tâm y tế ở Texas. Lúc đó, tôi không quá lo lắng vì đã được thông báo về mức độ an toàn của vaccine. Trước khi nhập cảnh, tôi đã tìm hiểu rõ về quy định cách ly, chống dịch của Việt Nam. Do đó, khi có lệnh cách ly tập trung, tôi vui vẻ chấp hành và không ngạc nhiên dù có hộ chiếu vaccine", bác sĩ Calvin Q. Trịnh chia sẻ.
Nam bác sĩ đang trong thời gian chấp hành cách ly y tế tại một khách sạn ở quận 3 (TP.HCM). Ông cho rằng hiện ở Việt Nam, việc tiêm chủng chưa được triển khai rộng rãi, tỷ lệ bao phủ của vaccine còn hạn chế. Do đó, áp dụng cách ly người về từ nước ngoài là đúng đắn và cần thiết.
"Tôi nghĩ rằng trong thời điểm hiện tại, người có hộ chiếu vaccine cũng không thể tự do nhập cảnh mà không bị ràng buộc gì. Họ cần được kiểm tra dịch tễ, xét nghiệm và đảm bảo kết quả âm tính. Tôi sẽ chấp hành tốt các quy định về cách ly của Nhà nước”, ông nói.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, hiện chúng ta vẫn nên áp dụng biện pháp cách ly y tế để đảm bảo an toàn cho đến khi thế giới và cộng đồng Việt Nam có độ bao phủ vaccine cao. Khi đó, hộ chiếu vaccine mới thực sự có giá trị.
Trong thời gian này, nếu có, đặc quyền hơn dành cho người có hộ chiếu vaccine là thời gian cách ly hoặc xét nghiệm ít hơn.
Chẳng hạn như bình thường, trường hợp nhập cảnh phải được xét nghiệm 2-3 lần trong 14 ngày, thì người có hộ chiếu vaccine có thể xét nghiệm ít hơn, từ 1-2 lần do nguy cơ thấp.
"Hộ chiếu vaccine hiện không thể nào thay thế hoàn toàn việc cách ly được. Việc cân nhắc mở cửa để đón du khách nước ngoài dựa vào hộ chiếu vaccine chưa thể khả thi trong thời điểm này", bác sĩ Khanh nêu quan điểm.