Trong hội thảo trực tuyến “Tư vấn về tiêm vaccine Covid-19 cho người có tiền sử dị ứng” do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City tổ chức, 2 chuyên gia giàu kinh nghiệm về vaccine và dị ứng - miễn dịch là TS.BS Nguyễn Văn Đĩnh (Trưởng khoa Nội chung kiêm Trưởng đơn nguyên Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng) cùng ThS.BS Nguyễn Hải Hà (Trưởng Đơn nguyên vaccine) đã giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc tiêm vaccine cho nhóm đối tượng có tiền sử dị ứng hoặc có bệnh nền.
Chuẩn bị trước khi tiêm
Theo các chuyên gia, mọi người, đặc biệt là những người có tiền sử dị ứng và bệnh nền, nên có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi tiêm vaccine. Điều này cũng giúp tránh tâm lý lo lắng bởi luồng thông tin không chính xác.
Mọi người nên tìm hiểu các thông tin về loại vaccine mình sẽ tiêm như số lượng liều tiêm, phác đồ, phản ứng phụ và cách theo dõi sau tiêm. Bên cạnh đó, người đi tiêm cần hiểu về tình trạng sức khỏe bản thân để tránh phản ứng không mong muốn.
Những người có tiền sử dị ứng và bệnh nền nên có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi tiêm. |
Trong quá trình khám sàng lọc, người tiêm phòng cần kê khai thông tin tiền sử bệnh lý hoặc các loại thuốc đang dùng để bác sĩ xác định có đủ điều kiện tiêm chủng hay không. Theo đó, người có tiền sử dị ứng hoặc bệnh nền có thể nằm trong 3 nhóm nguy cơ.
Nhóm đầu tiên cần thận trọng khi tiêm gồm người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên, có bệnh lý nền, bệnh mạn tính; người mất tri giác; người có tiền sử giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, có bất thường về sự sống hay phụ nữ mang thai trên 13 tuần.
Nhóm 2 nguy cơ cao là những người có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào, phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên. Nhóm này được khuyến khích không tiêm ngoài cộng đồng mà nên đến cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ để tiêm chủng.
Nhóm cuối cùng là nhóm chống chỉ định tiêm, gồm những người có tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng Covid-19 cùng loại trong đợt tiêm lần trước.
Theo dõi sau khi tiêm
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người đi tiêm cần lưu lại nơi tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi các phản ứng sau tiêm nhằm phòng ngừa sốc phản vệ nguy hiểm xảy ra trong khoảng thời gian này. Nếu có các dấu hiệu như phát ban trên da, tê lưỡi hoặc môi, khó thở, tím tái, đánh trống ngực…, người tiêm cần báo ngay cho nhân viên y tế để xử lý kịp thời.
ThS.BS Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vaccine - Khoa Ngoại trú nhi. |
Khi về nhà, người tiêm tự theo dõi thêm 7-28 ngày. Trong 3 ngày đầu sau tiêm, bạn nên nhờ người thân quan sát, theo dõi phản ứng để kịp thời thông báo cho bác sĩ. Ngoài ra, người tiêm vaccine không nên uống chất kích thích như rượu bia, không chườm, đắp, bôi các chất lạ vào vị trí tiêm. Người tiêm nên uống nhiều nước, bổ sung vitamin, ăn uống đầy đủ và chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol, Efferalgan, Panadol… để sử dụng trong trường hợp sốt hơn 38,5 độ C.
Khi xuất hiện các dấu hiệu như phát ban trên da; sưng, ngứa hoặc tê ở môi và lưỡi; xuất huyết dưới da; nghẹn họng, nói khó; nôn, tiêu chảy; khó thở, thở rít, tím tái; hồi hộp, đánh trống ngực; chóng mặt, đau đầu dữ dội; sốt trên 39 độ… người tiêm cần đến ngay cơ sở y tế hoặc liên hệ với số điện thoại hỗ trợ của điểm tiêm chủng để xử lý kịp thời.
Hiểu bản thân để chủ động, an toàn trong tiêm vaccine
Cũng trong buổi hội thảo trực tuyến, các chuyên gia khuyến nghị người dân muốn tiêm ngừa vaccine nhưng có tiền sử dị ứng, mang bệnh nền hoặc thuộc nhóm có nguy cơ dị ứng cao nên khám bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn khi đi tiêm.
TS.BS Nguyễn Văn Đĩnh - Trưởng Khoa nội tổng hợp - Trưởng Đơn nguyên Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. |
Về vấn đề nhiều người mong muốn được test dị ứng trước khi tiêm vaccine, TS.BS Nguyễn Văn Đĩnh cho biết: “Những trường hợp như dị ứng từ 2 nhóm thuốc trở lên, nghi ngờ dị ứng với tá dược hoặc thành phần của vaccine, có tiền sử phản vệ vô căn hoặc dị ứng với mũi 1 vaccine Covid-19 trước đó thì nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa dị ứng để được chỉ định làm test. Còn lại, người tiêm sẽ được test da sàng lọc với vaccine trước khi tiêm”.
Trong giai đoạn này, người có tiền sử dị ứng có thể đặt hẹn khám telehealth (dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa) với bác sĩ của Vinmec Times City để được tư vấn, phân tầng các nguy cơ khi tiêm vaccine. Vinmec cũng có các gói xét nghiệm cho trường hợp người bệnh sử dụng thuốc chống đông, có bệnh lý đặc biệt như tim mạch, tiểu đường, khớp, tiêu hóa, miễn dịch dị ứng… trước và sau khi tiêm vaccine.
Bình luận