Buổi chiều đầu tuần, ông Trương Tấn Viễn - người làm dịch vụ xé quần jeans tạo kiểu trên đường Hồ Xuân Hương (quận 3, TP.HCM) - khá bất ngờ khi nhiều phóng viên tìm đến hỏi chuyện.
Dọn bộ đồ nghề sang một bên, người đàn ông U60 có mái tóc hoa râm và cách ăn vận trẻ trung với quần jeans rách, áo denim, giày sneaker, lịch sự kéo mấy chiếc ghế nhựa tiếp chuyện từng người.
“Tôi đã ngồi ở đây, đúng góc đường này mấy chục năm nay. Cứ lặng lẽ nhìn mọi thứ thay đổi nhưng chưa bao giờ nghĩ có ngày mình được chú ý như thế này”, ông Viễn vui vẻ nói về “sự nổi tiếng bất ngờ” của mình.
Tầm 15h hàng ngày, ông Viễn đều chạy xe từ nhà ở quận Bình Tân đến góc đường Hồ Xuân Hương. Với một cây dao rọc giấy, một chiếc ghế nhựa và vài ba chiếc quần đã xé sẵn treo trên bờ tường, ông Viễn lại bắt đầu công việc.
Cứ thế 30 năm trôi qua, cái tên “ông Viễn xé quần” đã trở nên quen thuộc với người dân trong khu vực.
Ông Viễn có hơn 30 năm làm nghề xé quần jeans ở TP.HCM. |
Nghề biến cũ thành mới
Đã làm công việc xé quần jeans hàng chục năm, ông Viễn vẫn không chắc đây có phải là nghề hay không. Ở đất Sài thành từ trước đến nay, ông chưa từng nghe nói hay gặp bất kỳ ai làm công việc giống mình.
Những năm đầu 1990, ông Viễn kể tiệm của mình chỉ là một trong hàng chục cửa hiệu bán buôn quần jeans ở xung quanh khúc giao giữa đường Hồ Xuân Hương và Trương Định.
“Ngày đó tôi mê mấy ca sĩ nhạc rock ở nước ngoài và rất ấn tượng với mấy cái quần jeans rách của người ta. Tôi cũng thử xé quần trong tiệm giống vậy để mặc. Ai ngờ nhiều khách lại thích, hỏi mua. Thế rồi, tôi mở thêm dịch vụ cắt xé quần jeans tạo kiểu và gắn bó với công việc đó đến bây giờ”, ông Viễn nói với Zing.
Ngoài bán những chiếc quần xé sẵn, ông Viễn chủ yếu nhận quần jeans khách đưa đến và xé theo yêu cầu.
Đồ nghề của ông Viễn chỉ có cây dao rọc giấy và một chiếc ghế nhựa. |
Khoảng 20 năm trước, khi những chiếc quần jeans rách chưa phổ biến và được sản xuất đại trà như ngày nay, ông Viễn cho biết mình làm ăn thuận lợi, có thu nhập tốt để nuôi hai con ăn học.
“Lúc đó, khách hàng của tôi chủ yếu là các ca sĩ nổi tiếng. Có người từng đem cả chiếc quần trị giá 20 triệu đồng đến để yêu cầu tôi xé càng te tua càng tốt”.
Thay vì xem công việc hiện tại là nghề và đặt nặng việc kiếm tiền, ông Viễn tâm niệm mình đang sáng tạo nghệ thuật mỗi ngày.
“Có những chiếc quần tôi mất cả tháng để làm. Nói là xé nhưng không phải cứ đặt dao vào là rạch ra được đúng ý mình. Xé tua, xé mạng, xé đắp... có rất nhiều kiểu xé khác nhau và kiểu nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ mà mình phải đặt cái tâm vào đó”.
Với mỗi mảng xé, ông Viễn tính giá tiền từ 10.000-40.000 đồng tùy theo kích thước và số lượng. Ngoài làm mới những chiếc quần jeans cũ bằng các mảng xé, ông Viễn còn tái chế quần, áo, mũ jeans cũ thành túi xách. Những chiếc túi có một không hai được bán với giá 250.000-300.000 đồng.
Ông Viễn thường mất 20-30 phút để hoàn thành một mảng xé đơn giản và đôi khi mất cả tháng để hoàn thiện một chiếc quần. |
“Chưa ưng thì mai mốt lại ghé”
Anh Đình Quân (51 tuổi) là khách quen của tiệm ông Viễn hơn chục năm nay. Anh không nhớ mình đã mua bao nhiêu chiếc quần ở đây, chỉ biết ở nhà hiện vẫn còn giữ hơn 20 quần jeans do tự tay ông Viễn xé.
“Quần ở đây là đồ cũ nhưng bền lắm, đặc biệt mấy chỗ được xé và máng lại không bao giờ bị rách hay sút chỉ cả. Có nhiều cái tôi mua vài ba năm trước giờ vẫn mặc rất tốt”.
Nhà ở gần đường Hồ Xuân Hương nên chiều nào rảnh, anh Quân cũng tạt sang chỗ ông Viễn để xem có mẫu nào mới không. “Hàng nào mới là được treo hết lên bờ tường rồi nên cứ chạy ngang qua mà thấy cái nào đẹp là vào hốt liền thôi”, anh nói.
Anh Quân lựa mua được 2 chiếc quần jeans giá 190.000 đồng tại tiệm của ông Viễn. |
“Chưa ưng thì mai mốt lại ghé” là câu cửa miệng của ông Viễn mỗi khi thấy khách đắn đo bất kỳ món đồ nào. “Dù khách chưa hài lòng chỉ 1% về dây kéo, quai đeo túi, kích thước mảng xé... tôi đều sẵn lòng sửa lại”, ông Viễn nói.
Làm việc trên đường Hồ Xuân Hương và từng ghé tiệm của ông Viễn vài lần, Thanh Phong (38 tuổi) đặc biệt ấn tượng với sự nhiệt tình của chủ quán.
“Chú tư vấn nhiệt tình lắm. Nếu thấy mình chưa ưng cái gì là chú nói mai mốt ghé chú làm cho cái đúng ý luôn. Nhiều hôm hẹn lấy đồ đúng ngày mưa lớn, mình sợ chú không mở quán nhưng đến lúc ra vẫn thấy chú dọn hàng như thường”, Phong kể.
Hiện tại, ông Viễn cho biết mình có thể kiếm được vài chục cho đến vài trăm mỗi ngày nhờ xé và bán đồ jeans. “Nghề nào chẳng thế, cũng có thời vàng son rồi cũng có thời mai một. 30 năm gắn bó là quá đẹp với tôi. Còn tiền thì có nhiều tiêu nhiều, ít tiêu ít thôi”, ông Viễn chia sẻ.
"Ông Viễn xé quần" đã trở nên quen thuộc với người dân sinh sống dọc đường Hồ Xuân Hương sau hơn 30 năm. |