Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân chết tại trụ sở, công an phường có chịu trách nhiệm?

Luật sư cho rằng cơ quan công an khi mời người dân lên làm việc mà để xảy ra sự việc chết người thì chắc chắn phải có trách nhiệm, dù nạn nhân tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào.

Theo luật sư Nguyễn Văn Kha (Đoàn luật sư TP.HCM), pháp luật hiện hành chưa có điều luật quy định trách nhiệm cơ quan công an phải giám sát người bị tạm giam, người đang làm việc tại cơ quan, không để người đó tự sát.

Tuy nhiên trong trường hợp nạn nhân tử vong tại trụ sở cơ quan công quyền thì cơ quan này cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Xác định trách nhiệm căn cứ vào sai phạm

Luật sư Kha cho rằng ngay sau khi phát hiện nạn nhân tử vong, trách nhiệm đầu tiên của cơ quan công quyền là thông báo cho gia đình nạn nhân, sau đó nhanh chóng làm rõ nguyên nhân cái chết, đặc biệt phải làm rõ quy trình thủ tục tạm giữ, tạm giam nạn nhân có đúng quy định của pháp luật hay không, có dấu hiệu sử dụng nhục hình, bức cung hay không.

Theo ý kiến của luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cơ quan công an khi mời người dân lên làm việc mà lại để xảy ra sự việc chết người thì chắc chắn phải có trách nhiệm, dù nạn nhân tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả tự tử.

“Khi giữ người để làm việc, công an phường phải có trách nhiệm giám sát, quản lý người ấy. Nếu xảy ra thương vong thì việc xác định trách nhiệm sẽ phụ thuộc vào những sai phạm mà cơ quan đã gây ra (nếu có) trong quá trình làm việc với người dân”, luật sư Nghiêm nói.

Bên cạnh đó, một cán bộ ngành công an cho rằng về nguyên tắc hành chính, người đứng đầu cơ quan cũng phải chịu trách nhiệm liên đới về những vấn đề xảy ra trong bộ phận mình phụ trách, tại thời điểm mình quản lý.

Chet tai tru so cong an phuong anh 1
Con trai một nạn nhân chết tại Công an phường Tam Bình (quận Thủ Đức, TP.HCM) đang làm lễ cho cha. Ảnh: Thái Linh.

Gia đình nạn nhân nên làm gì?

Luật sư Nguyễn Văn Kha nhấn mạnh vai trò của gia đình nạn nhân trong việc tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường.

“Chỉ có người thân trong gia đình mới hiểu rõ tình hình sức khỏe của nạn nhân trước khi chết, mới biết nạn nhân có những bệnh gì, có vấn đề tâm lý dẫn đến khả năng có thể tự tử hay không, có sử dụng ma túy dẫn đến việc bị ảo giác, không kiểm soát được bản thân hay không…

Nếu nạn nhân hoàn toàn bình thường mà lại chết đột ngột, không rõ nguyên nhân thì chứng tỏ có điều bất thường, cần làm rõ”, luật sư Kha nêu.

Vụ việc người dân lên phường làm việc rồi tử vong sau đó không phải là mới, vì vậy cả hai phía công an và người dân đều phải hết sức cẩn trọng, đảm bảo đúng các quy tắc khi làm việc để tránh xảy ra điều đáng tiếc.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm 

Ngoài ra, trong trường hợp cơ quan công an nơi nạn nhân tử vong không giải quyết khiếu nại trong thời gian luật định hoặc cố tình kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại, đồng thời có lý do và cơ sở pháp lý rõ ràng để cho rằng có dấu hiệu bất thường trong việc nạn nhân tử vong khi bị tạm giam, tạm giữ, thân nhân của nạn nhân cũng có thể gửi đơn kêu cứu đến các cấp có thẩm quyền để được can thiệp và hỗ trợ kịp thời như: Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP, VKSND TP, quận, huyện hoặc các cơ quan báo đài…

Còn luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng ngay khi nhận được tin báo người thân tử vong tại cơ quan công quyền, gia đình nạn nhân nên ngay lập tức tìm đến sự trợ giúp của người am hiểu pháp luật.

“Trong những trường hợp thế này, người dân thường rất khó biết cách bảo vệ gia đình và bản thân, vì vậy nên tìm đến sự trợ giúp”, luật sư Cao đưa ra lời khuyên.

Gia đình nên yêu cầu giám định pháp y độc lập

Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, nếu nghi ngờ về cái chết của nạn nhân, gia đình nạn nhân nên mời tổ chức giám nghiệm pháp y độc lập hoặc thành lập hội đồng giám nghiệm pháp y để ghi nhận dấu vết và xác định lại nguyên nhân.

“Mỗi tỉnh, mỗi thành phố đều có cơ quan giám định pháp y trực thuộc Sở Y tế, hoàn toàn độc lập với cơ quan công an. Gia đình nạn nhân có thể yêu cầu các cơ quan này giám định pháp y”, luật sư Nghiêm nhận định.

Ngoài ra, ngay khi nhận dạng tử thi, gia đình nên ghi nhận lại ngay những dấu vết bất thường trên cơ thể nạn nhân.

Bị công an phường mời lên trụ sở làm việc, người dân có quyền từ chối?

Chưa có điều luật quy định cụ thể về vấn đề này, do vậy khi công an phường mời làm việc, người dân nên tùy trường hợp mà có cách hành xử phù hợp.

Vụ tự tử bằng dây thun quần: 'Con tôi chết quá bất thường'

"Công an phường chỉ cách nhà có mấy trăm mét, tại sao khi phát hiện con tôi thắt cổ không thông báo để gia đình đến chứng kiến”, người cha 60 tuổi thắc mắc.

Chi Mai - Khánh Trung

Bạn có thể quan tâm