Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân khu phong tỏa ở TP.HCM nuôi nhau giữa ngày dịch

Tại hẻm 287 đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), người dân giúp quán xá giải cứu thực phẩm. Còn ở chung cư Sunview Town (TP Thủ Đức), các gia đình chia nhau từng trái bầu, quả trứng.

Sáng 20/5, như mọi ngày, vợ chồng anh Minh Mẫn (trú tại hẻm 287 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM) thức dậy từ lúc 5h. Cả hai lục đục chuẩn bị thịt luộc và một nồi nước lèo lớn để mở quán bún bò vào buổi trưa.

Thế nhưng, chưa kịp sơ chế xong nguyên liệu, anh Mẫn đã nghe hàng xóm báo tin cả con hẻm trước nhà đã bị phong tỏa sau khi ghi nhận một người sinh sống tại đây dương tính với SARS-CoV-2.

“Lúc đó mọi người ai cũng bất ngờ, chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, biết rằng tình hình dịch bệnh phức tạp, tất cả đều nghiêm túc chấp hành các chỉ dẫn của cán bộ địa phương và nhân viên y tế”.

Giống như gia đình anh Mẫn, hầu hết hộ dân ở hẻm 287 đều làm nghề buôn bán, kinh doanh hàng ăn. Vào thời điểm phong tỏa, nhiều hộ đã chuẩn bị sẵn nguyên liệu nấu nướng, các quán bán đồ ăn sáng vừa dọn ra phải dẹp vào ngay.

“Mấy hàng cơm, cháo, bánh canh đã nấu sẵn mà không bán được thì mọi người trong xóm chia nhau, mỗi nhà một vài phần mang về ăn. Đều là hàng xóm, còn cùng làm nghề bán buôn nên đều ráng hỗ trợ nhau”, anh Mẫn nói với Zing.

nguoi dan vung phong toa o tphcm anh 1

Hẻm 287, đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM được phong tỏa sáng 20/5. Ảnh: Chí Hùng.

"Giải cứu" thực phẩm trong khu phong tỏa

Trong đợt bùng phát dịch từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận 6 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và đang phong tỏa 9 khu vực tại quận Gò Vấp, quận 10, quận 3, quận 7, quận Bình Tân và TP Thủ Đức.

Dù khá bất ngờ trước thông tin phong tỏa, người dân sinh sống tại những khu vực này vẫn bình tĩnh, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Đặc biệt đối với những hộ gia đình kinh doanh, buôn bán, tuy gặp nhiều bất lợi họ vẫn thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ cộng đồng khi chuyển sang phân phát thực phẩm, thức ăn miễn phí cho người dân vùng cách ly.

Hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu nối với hẻm 270 Võ Văn Tần dài khoảng 500 m với 70 hộ dân sinh sống. Ngoài tập trung đông hộ kinh doanh buôn bán, hàng quán ăn uống, hẻm này là nơi họp chợ Ve Chai vào mỗi buổi sáng.

Chị Linh, người bán cá trong khu chợ, cho biết sáng 20/5 khi gia đình chị và nhiều người khác đã dọn hàng xong xuôi thì cán bộ phường đến thông báo giải tán, không họp chợ và nhanh chóng dựng rào phong tỏa xung quanh con hẻm.

Nội bất xuất, ngoại bất nhập, những người buôn bán đồ tươi sống như chị Linh đều chọn cách phát miễn phí rau củ quả, thịt cá cho hàng xóm mang về nhà tích trữ tủ lạnh, ăn dần trong những ngày cách ly.

Tuy nhiên, điều khiến chị Linh bất ngờ là ai ghé hàng chị cũng đề nghị được trả tiền thay vì nhận đồ miễn phí. “Nhiều người nói cứ bán thì người ta mua ủng hộ, còn cho thì không dám nhận”, chị kể.

Tương tự, quán bún bò của anh Mẫn cũng được nhiều hàng xóm thân quen mở lời “giải cứu”. Tuy nhiên, vì chưa chuẩn bị nhiều và cũng không thiệt hại bao nhiêu nên anh Mẫn từ chối.

“Ngày đầu tiên, mọi người trong xóm cứ thay nhau ‘giải cứu’ hết hàng này đến quán khác. Mọi người đều hy vọng không ai bị thiệt hại gì nhiều. Như nhà mình cũng chạy ra chợ ủng hộ mấy chị bán cá, bán rau và đồng thời có luôn thực phẩm cho những ngày tới”.

“Sức khỏe là trên hết, tiền bạc tính sau”

Chị Phạm Minh sinh sống tại block A1, chung cư Sunview Town (phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP.HCM) - nơi thuộc diện phong tỏa sau khi ghi nhận một ca nhiễm Covid-19 hôm 18/5.

Trước đây, chị Minh bán trái cây, một số loại đồ uống online. Tuy nhiên, sau khi khu nhà bị phong tỏa, chị chuyển sang làm sinh tố, nước ép để cổ vũ tinh thần cho những hàng xóm đang phải cách ly giống mình.

“Mỗi ngày mình làm khoảng 20-30 ly nước ép, sinh tố để phát miễn phí cho các hộ kế bên. Tuy không nhiều nhặn gì nhưng cũng là một cách để truyền năng lượng tích cực, sự lạc quan đến mọi người xung quanh”, chị Minh nói.

Trên mỗi ly nước ép, chị Minh đều dán những tờ giấy nhớ có ghi lời động viên, cổ vũ tinh thần người nhận. “Dịch bệnh cũng ảnh hưởng nhiều đến công việc kinh doanh của mình. Tuy nhiên, giờ đây sức khỏe vẫn là trên hết, tiền bạc có thể kiếm sau”.

Dù không sinh sống tại chung cư Sunview Town, anh Bùi Hoài Thanh vẫn đều đặn chở thức ăn đến tặng người dân khu phong tỏa trong 3 ngày qua. Ngày đầu tiên, nhóm của anh Thanh phát hết 100 phần xôi, ngày thứ 2 là 180 ổ bánh mì và ngày thứ 3 là 150 phần bánh gạo cay.

“Tôi có một tiệm bánh mì ở gần chung cư và đã kinh doanh từ năm 1992. Nhiều khách quen của tôi đang sống ở chung cư này nên khi nghe tin phong tỏa tôi nghĩ ngay đến việc giúp đỡ mọi người”, anh Thanh cho biết.

Trong vài ngày qua, tạm gác lại công việc kinh doanh, hôm nào anh Thanh và nhóm bạn cũng chuẩn bị nguyên liệu, làm các món ăn từ buổi sáng để đến 17h kịp đưa tới phát tại chung cư.

“Chúng tôi đang dự định làm thêm 100 hũ mắm kho quẹt để ủng hộ bà con mang về ăn cùng cơm trắng. Mùa dịch thì ai cũng bị ảnh hưởng song tôi tin rằng với tinh thần đoàn kết, cố gắng của mỗi cá nhân, tất cả sẽ lại cùng nhau chiến thắng đại dịch”, anh Thanh chia sẻ.

Người dân trong khu phong tỏa ở TP.HCM: 'Hoạn nạn mới thấu ân tình'

Người dân trong khu vực phong tỏa chống dịch sẵn sàng chia nhau từng quả xoài xanh, mớ rau, trái bầu. Tất cả không nhiều về vật chất nhưng quý ở tấm lòng, ở tình làng nghĩa xóm.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm