Qiao Sang (sinh năm 1990) đã làm công việc kinh doanh ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) được hơn 8 năm. Gần một năm trở lại đây, cô bắt đầu theo đuổi lối sống tối giản, tức không tiêu pha quá mức, đơn giản hóa cuộc sống để tập trung năng lượng phát triển tâm hồn, theo Sohu.
Giống những người trẻ theo đuổi chủ nghĩa không tiêu dùng ở Trung Quốc, Qiao được truyền cảm hứng bởi Dinh Hong, người Trung Quốc sống ở New Zealand.
Câu chuyện về Ding được lưu truyền rộng rãi: Chỉ có một ba lô hành lý, 6 năm nay không thuê phòng, sống ở công ty, ăn đồ thừa và tắm trong phòng tập thể dục. Trung bình mỗi tháng, cô tiêu không quá 500 NDT.
Căn hộ trống trải của Qiao Sang ở Hà Bắc (Trung Quốc). |
Cuộc sống "không tiêu thụ"
Trong đoạn video được Qiao Sang chia sẻ, những ngày đầu cô cố gắng bắt chước Dinh để không phải tiêu tiền. Tuy nhiên, Qiao nhanh chóng nhận ra mình không thể sống như vậy và phải tìm cách cân bằng.
Buổi sáng, cô tự nấu ăn bằng nồi cơm điện. Buổi trưa khi đồng nghiệp ra ngoài dùng bữa, Qiao chỉ ăn táo và uống sữa đậu nành tự làm. Buổi tối, cô không ăn.
Để hạn chế chi tiêu tối đa, Qiao chỉ đi siêu thị vào cuối ngày và mua hàng sắp hết hạn được giảm giá. Thấy Qiao ăn uống kham khổ, một số đồng nghiệp thường mang thức ăn thừa ở nhà đến công ty cho cô.
Đôi lúc, Qiao sử dụng sách, các vật phẩm thừa trong nhà để đổi lấy thực phẩm từ đồng nghiệp. Cô cũng được một số khán giả theo dõi video gửi tặng gạo, rau củ.
Bên cạnh tiết kiệm ăn uống, Qiao cắt giảm tối đa việc mua sắm, đi lại. Sau khi cho hết khoảng 200 bộ quần áo cũ, cô chỉ giữ lại vài ba bộ mặc hàng ngày.
Dù đi làm hay gặp khách hàng, tham gia bất kỳ sự kiện lớn nhỏ nào, cô gái 31 tuổi này cũng không trang điểm, chỉ mặc bộ quần áo bạc màu và đeo chiếc túi vải trắng.
Qiao Sang chỉ giữ lại nệm và sách do khán giả gửi đến. |
Căn nhà rộng 80 m2 của Qiao ngày càng trở nên trống trải khi cô lần lượt đem cho hoặc vứt bỏ mọi đồ đạc trong nhà, chỉ giữ lại một tấm nệm, bộ bàn ghế và tủ đựng quần áo.
Trong nhà Qiao hiếm khi bật đèn. Cô cũng không dùng giấy vệ sinh, hạn chế sử dụng nước, các chất tẩy rửa thông thường như sữa tắm, dầu gội, kem đánh răng, bột giặt...
"Nếu công ty không quá xa nhà, tôi cũng chẳng mua ván trượt", Qiao nói. Khi có việc cần di chuyển, cô gái này dùng ván trượt thay cho các phương tiện khác.
Tháng đầu tiên áp dụng lối sống tiết kiệm, Qiao chỉ mất 20,5 NDT cho rau củ và trái cây. Sinh hoạt phí một tháng mất khoảng 2.900 NDT, ít hơn nhiều so với trước đây.
"Thu nhập của tôi không hề thấp. Trước đây tôi tiêu xài hoang phí và đã từng có thời gian phó mặc hạnh phúc của bản thân vào việc tiêu tiền", Qiao nói.
Kết thúc lối sống tối giản sau 117 ngày
Trước khi thay đổi lối sống, Qiao đã kết hôn với một người đàn ông quen qua mạng. Đôi vợ chồng trẻ từng đồng ý với nhau sẽ coi tất cả các ngày lễ là "ngày hội mua sắm".
Cả hai cũng nhất trí độc lập tài chính, tiền ai nấy tiêu. Nên kiếm được bao nhiêu, đôi trẻ đều "đốt sạch" vào các món đồ yêu thích của riêng mình. Dần dà, ngôi nhà của hai vợ chồng chất đầy đồ đạc.
Khi quyết tâm theo đuổi cách sống mới, Qiao đề nghị chồng mua căn hộ mới nhưng anh không đồng ý. Cả hai nảy sinh mâu thuẫn và thường xuyên cãi vã. Không lâu sau đó, họ quyết định ly hôn.
Qiao cho biết một trong những điều hay ho nhất từ lối sống tối giản là cho cô có thêm thời gian để đọc sách. Mỗi ngày, người theo dõi đều gửi đến nhà cô hàng chục cuốn sách. Thế nhưng, Qiao lại nghĩ nhiều sách như vậy, cũng là một loại tích trữ nên quyết định biến căn hộ thành trạm trung chuyển, gửi sách tới cho ai cần.
Cuốn số ghi lại chi tiêu trong tháng của Qiao Sang. |
Đầu năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, Qiao chuyển sang làm việc tại nhà. Bạn bè, người theo dõi không thể gửi đồ đến thường xuyên nên cô phải mất thêm 190 NDT/tháng cho tiền mua trái cây và hoa quả.
Vì muốn tiết kiệm, Qiao thường ăn lại thức ăn thừa để qua đêm, đồ quá hạn sử dụng. Hậu quả là không lâu sau cô phải nhập viện vì nôn mửa, tiêu chảy và tụt huyết áp.
Bác sĩ chẩn đoán cô bị ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra cách ăn uống tằn tiện, không đủ chất cộng với việc thường bỏ bữa khiến Qiao giảm 3 kg, cơ thể suy nhược, suy dinh dưỡng.
Sau lần nhập viện đó, Qiao đã phải xem xét lại lối sống tối giản sai cách của bản thân. "Tôi nghĩ mình phải đối xử tốt với bản thân hơn, chú ý đến chế độ dinh dưỡng khi ăn uống".
Sau 117 ngày theo đuổi cách sống không chi tiêu, Qiao ngừng đăng video và trở lại cuộc sống bình thường. Giờ đây thay vì nghĩ đến chuyện tiết kiệm tiền, cô chú tâm hơn vào chế độ ăn uống, giờ giấc sinh hoạt.
"Khi nói tới khái niệm sống tối giản, tôi lầm tưởng nó đồng nghĩa với tiết kiệm tuyệt đối. Tuy nhiên sau lần nhập viện, tôi hiểu rằng tối giản là việc lựa chọn những gì cần thiết nhất cho cuộc sống cá nhân", cô nói.