Ngày 17/5, MBC đưa tin các cá nhân tự nhận là triệu phú, kiếm được hàng tỷ KRW (hàng triệu USD) thông qua tiền điện tử trong các video YouTube thực chất chỉ là những người làm công việc bán thời gian, được thuê để quay clip quảng cáo.
Sau khi nhiều người xem tin tưởng và đầu tư hàng triệu, hàng tỷ KRW thông qua một trang môi giới, website này đã bị sập và không thể truy cập được. Các chuyên gia cảnh báo đây là trò lừa đảo quen thuộc khi thị trường tiền điện tử đang được quan tâm trong thời gian gần đây.
Quảng cáo sai sự thật về việc đầu tư tiền điện tử tràn lan trên YouTube. Ảnh: MBC. |
Trong các đoạn quảng cáo, người được thuế nói rằng "cứ 8 giờ họ kiếm được 0,5% lãi suất thông qua các khoản đầu tư tiền điện tử và thậm chí kiếm được hơn 2,5 tỷ KRW (2,2 triệu USD) trong 8 tháng".
Một số đăng ảnh chụp tài khoản ngân hàng để chứng minh lời nói của mình. Trong khi, số khác xuất hiện với một chiếc Mercedes Benz AMG G-Wagon và nói rằng họ đã mua chiếc xe này bằng lợi nhuận kiếm được từ các khoản đầu tư.
Sau khi trang web bị sập, sàn giao dịch "bốc hơi", các nhân vật trong đoạn phim đã lên tiếng thú nhận rằng họ được trả tiền để quay những video quảng cáo sai sự thật. "Tôi đã làm việc này sau khi nhận được tiền từ họ", một YouTuber thừa nhận sau khi trang web và công ty môi giới biến mất với các khoản đầu tư.
Nhiều người thú nhận được thuê để làm các clip quảng cáo sau khi sàn giao dịch sập. Ảnh: MBC. |
MBC ước tính có ít nhất 1.000 nạn nhân trong vụ lừa đảo này, dẫn đến thiệt hại hàng tỷ KRW. Các nạn nhân đã nộp đơn khiếu nại lên Dịch vụ Giám sát Tài chính và cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, nhiều sàn giao dịch tiền ảo có dấu hiệu lừa đảo khác đã được tạo ra, làm dấy lên lo ngại về khả năng tái phạm tội.
Trong hai năm qua, số lượng tội phạm mạng liên quan đến các đồng tiền điện tử tăng mạnh tại Hàn Quốc. Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, các loại tội phạm này đã tăng gấp 5,4 lần từ 62 vụ năm 2018 lên 337 vụ vào năm 2020. Số vụ lừa đảo bị bắt giữ cũng tăng gần 4 lần trong cùng thời kỳ.