Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trường dạy online, nhiều sinh viên chọn ở lại TP.HCM

Dù các trường đã chuyển sang hình thức học trực tuyến, nhiều sinh viên vẫn lựa chọn ở lại TP.HCM vì vướng lịch thực tập hoặc quê nhà là vùng có dịch.

“Mình cũng muốn về nhà khi dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào nhưng còn vướng chuyện học hành nên không thể về”, Đình Hồ (21 tuổi, Bạc Liêu), sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, chia sẻ với Zing.

Các đợt dịch trước, Hồ nhanh chóng rời thành phố về nhà tránh dịch. Thế nhưng, thời gian thực tập cận kề cũng như nhiều bài tập cuối kỳ chưa hoàn thành khiến nam sinh phải nán lại Sài Gòn.

"Mình phải hoàn thành kế hoạch học tập theo đúng tiến độ tốt nghiệp. Trong thời gian này, mình sẽ tự bảo vệ bằng cách nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế", Hồ nói.

Không chỉ riêng Hồ, chọn về quê hay ở lại là quyết định khó khăn của nhiều sinh viên trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Việc học và thi còn dang dở cùng dịch bệnh tại quê nhà chưa được kiểm soát là nguyên nhân chủ yếu khiến họ ở lại thành phố.

sinh vien van o lai tphcm anh 1

Lịch thực tập cận kề khiến sinh viên khó khăn khi quyết định về quê hay ở lại thành phố.

"Tiến thoái lưỡng nan"

Ngọc Nhung (20 tuổi, Bình Thuận), sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết cô đang gặp phải tình huống "tiến thoái lưỡng nan", về không được mà ở không xong. Tháng 6 là kỳ thực tập chính thức nên Nhung buộc phải ở lại bởi nếu về, sẽ khó quay lại thành phố khi dịch bất ngờ bùng phát.

“Giờ về thì không biết sắp xếp thực tập sao cho ổn mà còn thêm nỗi lo mùa dịch. Nếu ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM mình đang sống trở thành nơi cách ly như đợt dịch đầu, kiếm phòng trọ là vấn đề khiến mình đau đầu”.

Mong muốn lớn nhất của Nhung vào thời điểm này là “dịch bệnh được kiểm soát để mọi hoạt động có thể diễn ra bình thường, đúng kế hoạch”.

sinh vien van o lai tphcm anh 2

Nhiều sinh viên lựa chọn ở lại để hoàn thành việc học.

Tuy một số trường đại học đã thông báo chuyển sang hình thức học online, sinh viên vẫn phải lên trường để tiếp tục các môn thực hành.

"Mình chỉ học online phần lý thuyết thôi. Đối với học phần thực tập, trường không hoãn lịch, mình bắt buộc gặp giáo viên hướng dẫn 2 lần/tuần, tiếp tục theo kế hoạch đề ra", Văn Tâm (21 tuổi, Kiên Giang), sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, kể với Zing.

Tâm chia sẻ, tiền trọ, ăn uống, đi lại ở thành phố tốn kém hơn nhiều so với ở quê. Mỗi tháng, cậu chi tiêu vừa đủ với số tiền chu cấp của gia đình và thu nhập từ công việc làm thêm.

Tuy nhiên, do dịch bệnh, Tâm đã xin nghỉ việc. Do đó, cậu phải xin thêm 500.000-700.000 đồng từ bố mẹ mới đủ trang trải cuộc sống. Nam sinh viên dự định kiếm việc làm online để đỡ đần phần nào phí sinh hoạt.

Về quê chưa chắc đã an toàn

Ngọc Sơn (22 tuổi, Hà Tĩnh), sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết không dám về quê vì đây là giai đoạn thi cuối kỳ dù lịch thi chưa cập nhật cụ thể. Ngoài ra, quãng đường về quê đi qua một số vùng dịch lớn, Sơn lo ngại việc vô tình tiếp xúc, tạo nguy cơ khiến dịch lây lan.

“Mình cảm thấy may mắn khi người thân hiểu và tôn trọng quyết định ở lại của mình. Mình đã chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, cồn sát khuẩn, đồ ăn... phòng khi phải giãn cách xã hội. Mình cũng sẵn lòng trở thành tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch trong trường hợp dịch bùng phát tại TP.HCM”, Sơn chia sẻ.

sinh vien van o lai tphcm anh 3

Nhiều gia đình khuyên sinh viên nên ở TP.HCM, không về quê để phòng dịch.

Dù ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) tiến hành tổ chức cho sinh viên học trực tuyến từ 10/5 và kéo dài hình thức học tập này cho đến khi có thông báo mới, Ngọc Quân (22 tuổi, Đà Nẵng) vẫn chọn ở lại thành phố thay vì về nhà.

Lễ 30/4 vừa qua, Quân không về quê bởi vé tàu xe quá đắt. Dự tính qua lễ về thăm gia đình, nhưng vé vừa đặt xong, Quân nhận được tin nhắn từ mẹ báo Đà Nẵng ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 và khuyên cậu nên ở lại Sài Gòn để đảm bảo an toàn.

Mỗi ngày, gia đình đều gọi điện dặn dò Quân từ việc hạn chế đi lại, tiếp xúc cho đến việc ăn uống, giờ giấc sinh hoạt. "Dù buồn, mình không có lựa chọn khác. Ba mẹ luôn động viên mình an tâm ở lại. Ở quê nhà, mọi người đều đề cao tinh thần phòng, chống Covid-19 để hạn chế dịch bệnh lan rộng”, Quân nói.

Nữ giảng viên vừa dạy học online, vừa chăm 2 con nhỏ ở nhà trong dịch

Chồng đi làm, Trần Hồng Nhung một mình vừa trông hai con trai nghỉ học ở nhà, vừa dạy online, nghiên cứu tài liệu học tiến sĩ. Cô vẫn sắp xếp thời gian cho bản thân.

Quỳnh Hân

Bạn có thể quan tâm