Sống một mình từ khi học đại học đến lúc tốt nghiệp đi làm đến nay đã 8 năm, Thảo Anh (nhân viên tư vấn khách hàng của một công ty ở TP.HCM) nói cô chưa từng nghĩ có thể nấu ăn cho đến thời điểm giãn cách xã hội do dịch bùng phát vào năm ngoái.
“Ở một mình nên từ thời đại học mình đã quen ăn cơm bụi. Trong phòng trọ mình chỉ có độc chiếc ấm siêu tốc và một cái tô, đôi đũa, cái thìa để úp mì khi lười ra ngoài. Đợt giãn cách năm ngoái, khi phải làm việc ở nhà cả tháng, mình có nhiều thời gian hơn. Nhiều bạn chọn trang trí nhà cửa, tập thể dục, còn mình học nấu ăn để ‘giết thời gian’”, Thảo Anh nói với Zing.
Vốn không có thói quen tự nấu ăn, Thảo Anh phải sắm sửa nhiều đồ hơn như bếp từ, nồi cơm điện, bát đũa, nồi chảo. Cô nàng 26 tuổi tâm sự từ một người chỉ biết úp mì với trứng, chỉ sau đợt nghỉ dịch, cô đã biết nấu hơn chục món, từ đơn giản đến phức tạp.
Vì dịch, nhiều bạn trẻ chọn ở nhà, tự nấu ăn để tránh tụ tập. Ảnh: NVCC. |
Những món ăn ban đầu chưa ngon nhưng khiến Thảo Anh có hứng thú hơn với nấu nướng. Cô còn tiết kiệm được số tiền kha khá khi không phải tốn kém như khi đi ăn ở ngoài.
“Mình cũng đoảng nên mấy lần luộc rau vàng, kho cá cháy đen nồi hay trứng chiên nát vụn. Nhưng sau thời gian ăn những món tự nấu, mình không còn thích đi ăn ngoài quán nữa. Sau khi hết giãn cách, mình vẫn giữ thói quen nấu nướng khi có thời gian, nhiều hôm tự nấu cơm để mang lên văn phòng ăn trưa khiến hội chị em ‘mắt tròn mắt dẹt’ vì quá bất ngờ”, cô kể.
Thảo Anh tỏ ra thích thú khi kể chuyện quen bạn trai hiện tại nhờ việc cô chăm chỉ nấu ăn.
“Mình là đứa chơi hệ sống ảo, hay đăng ảnh check-in lên story. Nhưng thay vì đăng ảnh đi ăn nhà hàng, đi chơi với bạn bè, đợt ở nhà mình hay khoe hình mấy món nấu được, chỉ để cho vui thôi. Một lần, anh ấy mới rep story, khen mình khéo tay. Trước đây chỉ quen nhau qua hội bạn nhưng không để ý, nhờ mấy lần trò chuyện qua lại như vậy, mình và anh cảm mến rồi thành người yêu luôn”.
Giống Thảo Anh, trong đợt dịch diễn biến phức tạp, nhiều bạn trẻ chọn cách tự nấu ăn ở nhà để vừa đảm bảo an toàn, vừa tạo niềm vui cho bản thân.
Hạn chế ăn ở ngoài
Thuê phòng trọ với em gái ở khu vực Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Phương Thảo (27 tuổi, Nam Định) có chút lo lắng khi nghe tin về bệnh nhân Covid-19 tại KĐT Times City vừa qua.
Trước đợt dịch mới bùng phát này, Thảo và em gái vẫn sang nhà người thân, tụ tập bạn bè ăn uống ít nhất 1 lần/tuần. Tuy nhiên, nhận thấy tình hình diễn biến phức tạp, hai chị em giờ chỉ tự nấu ăn ở nhà.
Sau khi bùng dịch vào năm ngoái, mẹ Thảo cứ 2 tháng/lần lại gửi rau, thịt, trứng, cá ở quê lên cho chị em cô cất vào tủ lạnh ăn dần. Khi nào nhà hết rau, Thảo mới phải đi mua. Trừ những lúc đi chợ, cô hạn chế tới nơi công cộng.
“Nơi mình ở khá xa siêu thị. Chợ mình hay đi thì ngày nào cũng đông đúc, thậm chí một số người không đeo khẩu trang hoặc để dưới cằm. Bởi vậy, mình thường chọn lúc vắng người mới đi chợ và không quên tự bảo vệ bản thân”, Thảo nói.
Công ty chưa có quyết định “work from home”, hàng ngày, Thảo đi làm từ 9h sáng tới khoảng 20h. Em gái cô là sinh viên năm cuối ĐH Dược Hà Nội, đang làm khóa luận nên có thời gian nấu cơm cho chị.
Hôm nào cả hai chị em đều bận, họ chọn ăn mì gói hoặc bất đắc dĩ mới gọi ship đồ.
“Mình hiếm khi đặt đồ ăn bên ngoài vì họ thường cho đồ nhựa dùng một lần. Hơn nữa, quá trình ship cũng ảnh hưởng tới môi trường”, Thảo giải thích.
Những mâm cơm "ngon, bổ, rẻ" của các bạn trẻ khi ở nhà tránh dịch. Ảnh: NVCC. |
Khi nghe tin Hà Nội xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 cùng hàng loạt trường hợp F1, F2, mẹ của Trung Kiên (25 tuổi, Yên Bái) lo lắng nên ngỏ ý muốn gửi đồ ăn lên cho con trai khỏi phải đi chợ nhiều.
Tuy nhiên, chàng trai từ chối phần vì phải ra bến xe lấy đồ xa, phần vì không phải hôm nào cũng nấu ăn.
“Mình làm công việc xuất nhập hàng, thường đi làm từ 8h đến 17h30. Trưa mình ăn cơm ở công ty. Tối về không mệt thì tự nấu, không thì đi ra quán cơm quen mua đồ ăn”, Kiên cho hay.
Theo quan sát của Kiên, hầu hết quán ăn ở khu vực cậu sinh sống có dựng vách ngăn giữa các bàn để tạo khoảng cách an toàn. Người dân cũng chủ động phòng tránh dịch bằng cách đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn.
Tuy nhiên, vì dịch diễn biến phức tạp, Kiên không ngồi ăn tại chỗ mà luôn mua mang về. Cuối tuần được nghỉ, cậu mới gọi đồ ship về tận nhà.
“Một tuần, mình tự nấu ăn khoảng 3-4 bữa với các món đơn giản ở nhà. Chợ ngược đường về, lại ở trong ngõ vòng vèo, đông đúc nên đôi khi mình cũng hơi ngại. Nhưng để đảm bảo an toàn, mình đang cố hạn chế ăn ngoài hết sức có thể. Đợt nghỉ lễ 30/4 vừa qua, mình cũng định về quê nhưng dịch quá nên ở yên tại chỗ”, Kiên nói.
Tự tìm niềm vui
Phan Minh (23 tuổi) làm freelance về content marketing tại TP.HCM. Không phải lên văn phòng, cô có thói quen ra quán cà phê để làm việc. Mỗi ngày làm trên 8 tiếng, có những hôm buổi sáng ngồi hàng này, chiều cô chuyển sang quán khác.
“Phòng mình đang thuê khá nhỏ nên nếu phải ngồi trong nhà cả ngày rất bí bách. Khi làm việc, mình thích chọn những không gian mở, có cây cối để tìm cảm hứng sáng tạo. Tuy nhiên những đợt dịch bùng phát, mình cũng giữ ý thức và hạn chế đi lại. Mình nhớ thời gian giãn cách xã hội năm ngoái, phải ở nhà lâu đã giúp mình tự thích nghi và tìm kiếm niềm vui cho bản thân”.
Thử thách làm trứng ngâm tương hay pha cà phê dalgona từng là trào lưu nổi tiếng trên mạng xã hội trong mùa dịch. Ảnh: @Citastyfood, @Yummymaguy. |
Minh kể vì mỗi ngày phải uống vài ly cà phê mới đủ “mood” làm việc, nhưng không thể ra tiệm, cô mày mò tự pha cà phê ở nhà. Chỉ sau ít lần thử nghiệm, cô đã biết làm những món đặc biệt như cold brew hay dalgona - cà phê bọt biển là “hot trend” suốt mùa dịch.
Sau đợt giãn cách, tình hình ổn trở lại, Minh vẫn có thói ra ngồi làm việc ở quán cà phê vì cần không gian thoáng đãng.
“Hiện tại, thành phố chưa có lệnh giãn cách song với tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại, đã có một số ca nhiễm với biến chủng nguy hiểm hơn nhưng mình cũng tự hạn chế đi ra ngoài. Nếu trước đây ngày nào cũng đi, bây giờ mỗi tuần mình làm việc ở nhà 5 ngày. Tất nhiên có chút khó chịu nhưng lúc này, mỗi người phải góp một chút ý thức để dịch sớm được đẩy lùi”.