Do ảnh hưởng của dịch bệnh, những điểm tụ tập nổi tiếng đông đúc của giới trẻ Hà thành, đặc biệt vào dịp cuối tuần, như trà chanh Nhà thờ Lớn, Đào Duy Từ, “con phố không ngủ” Tạ Hiện hay phố cà phê Nguyễn Hữu Huân, đều vắng bóng khách ghé thăm.
Cảnh trống vắng tại "con phố không ngủ" Tạ Hiện lúc 20h ngày cuối tuần. |
Đi chơi trong lo sợ
Oanh (24 tuổi) là một trong số ít những thanh niên vẫn “dũng cảm” xuống phố tối thứ 6. Cô hẹn Hạnh, người bạn thân lâu ngày không gặp, ở một quán trà chanh đối diện Nhà thờ Lớn.
Khi đến nơi, hai cô gái nhìn quanh cửa hàng, chọn chỗ thoáng nhất ở tầng 1 và cách xa so với nhóm khách khác. Mãi đến lúc nhân viên phục vụ đưa đồ uống đến bàn, Oanh và bạn mình mới dám cởi khẩu trang để uống nước.
“Thú thực, tôi đi chơi trong lo sợ. Thế nhưng, tôi đã không được gặp cô bạn thân suốt gần nửa năm rồi, cho nên hai đứa quyết định lên phố uống trà chanh, trò chuyện một chút rồi về”, Oanh, một tiếp viên hàng không, chia sẻ với Zing.
Tính cả Oanh, Hạnh và chủ quán, cửa hàng trà chanh chưa đầy 10 người ở cả 2 tầng. Con số này chỉ bằng 1/10 so với những tối cuối tuần thông thường.
Hầu hết hàng cà phê, quán trà chanh chỉ lác đác vài vị khách. |
Cô Nga (58 tuổi), chủ kinh doanh trà chanh 14 năm qua ở phố Nhà thờ Lớn, cho biết: “Cũng may đợt này, quán chỉ bị hạn chế bán ngoài vỉa hè thôi, trong nhà vẫn được hoạt động miễn là giãn cách giữa các bàn ít nhất 1 m, nên việc kinh doanh cũng đỡ hơn chút”.
“Nhìn chung, khách đến đây cũng có ý thức, tự giác đeo khẩu trang và sát khuẩn tay trước khi vào. Tôi cũng để sẵn một hộp khẩu trang ở quầy. Ai trót làm mất hay quên không đeo, tôi tặng miễn phí cho người ta một cái”, cô nói thêm.
'Mở cho vui, chứ buôn bán gì nữa'
Đây là lần thứ 5 đối phó với dịch Covid-19 bùng phát nên Nam (38 tuổi), chủ cửa hàng trà chanh trên phố Đào Duy Từ, cũng đã “quen quen”. Thế nhưng, áp lực tài chính và nỗi lo cho sức khỏe gia đình vẫn khiến anh bận tâm.
“Tôi cố gắng duy trì kinh doanh được ngày nào hay ngày đấy, chứ dịch bệnh khó lường lắm. Đợt này tôi cũng phải cho nhân viên nghỉ bớt để cắt giảm chi phí. Quán tôi hôm nay cũng có mấy ai đến ngồi đâu. Mà khách đến mua về cũng ít lắm, chỉ lác đác vài người thôi. Người dân giờ ý thức hơn trước, nghe tin Covid-19 bùng phát là hầu như mọi người ở nhà hết, hạn chế ra đường”, anh chia sẻ với Zing.
Thu (20 tuổi), vị khách quen đang chờ mua trà đào ở quán anh Nam, đồng tình: “Cả ngày hôm nay tôi cũng chỉ quanh quẩn trong nhà học trực tuyến. Nãy ăn cơm xong, muốn uống trà đào quá nên tôi nhanh chân ra mua rồi về ngay”.
Vài người vội vã qua mua đồ uống mang về nhà, không ngồi lại quán. |
Trái với hình ảnh đông đúc và náo nhiệt thường thấy, phố bia Tạ Hiện tối 7/5 lại hiu hắt, không lấy một bóng thực khách. Hầu hết hàng quán ở đây đều đóng cửa, tạm thời ngừng kinh doanh.
Quán của cô Yến (56 tuổi) là một trong những cửa hàng hiếm hoi còn mở cửa trên con phố này. Thế nhưng, cô cho biết mình chỉ mở quán ngồi cùng nhân viên “cho vui”, chứ không buôn bán gì.
Do đặc thù là quán bia vỉa hè, phục vụ thực khách qua chơi nhiều hơn là ăn, quán không bán mang về mà cũng không ai đến mua.
“Dịch bệnh ảnh hưởng quá lớn đến công việc kinh doanh của tôi. Gần tuần nay có bán được gì đâu, trong khi đó tiền thuê nhà lên tới 70 triệu đồng/tháng. Chủ thuê thì không giảm thêm đồng nào”, cô Yến chia sẻ.
Cô nói thêm: “Bây giờ đúng là chỉ biết ngồi đợi hết Covid-19 thôi. Mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để tôi kinh doanh trở lại”.