Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Sáng ngủ dậy, tôi bất ngờ khi nhà trong diện phong tỏa'

Cuộc phong tỏa đột ngột do có ca dương tính khiến đời sống, công việc của nhiều người ở ngõ Hồng Mai (Hà Nội) bị đảo lộn.

7h tỉnh dậy, Thu Uyên (24 tuổi), một nhân viên văn phòng, sẵn sàng tâm thế đi làm. Trong lúc thay quần áo và trang điểm, cô không để ý đến tiếng ồn ào của người dân trong ngõ.

“Ngõ giáp chợ nên lúc nào chẳng vậy”, cô nghĩ thầm.

Dắt xe, đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm, cô chuẩn bị di chuyển gần 10 km để đến công ty ở quận Cầu Giấy. Quãng đường khá xa nên Uyên phải nhanh chân kẻo muộn.

khu vuc phong toa Covid-19 anh 1

Rào chắn dựng ở cuối ngõ 30 Hồng Mai.

Thế nhưng, vừa ra khỏi cửa, cô bất ngờ thấy cửa ngõ đã bị dựng rào chắn cách ly, có cả sự xuất hiện của công an và các nhân viên y tế. Lệnh phong tỏa đột ngột khiến Uyên hoang mang.

Kể từ sáng 4/5, Thu Uyên là một trong số hơn 100 người dân ở ngõ 30 Hồng Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nằm trong diện phong tỏa do có một trường hợp F1 dương tính Covid-19 từng ghé qua.

Ở nhà để phòng dịch

“Ngay cả mẹ mình cũng không biết gì. Từ lúc ngủ dậy, hai mẹ con quanh quẩn trong nhà, chuẩn bị đi làm như thường lệ thôi, có ai ngờ là phong tỏa đâu. Hóa ra lại có ca nhiễm virus ngay gần nhà như vậy”, Thu Uyên chia sẻ với Zing.

Cô gái liền gọi điện thông báo tình hình với công ty và xin được làm việc tại nhà. Tuy nhiên, Uyên và mẹ không quá lo lắng vì họ không quen biết, tiếp xúc với hộ gia đình có ca dương tính Covid-19.

Trong ngõ, mọi người vẫn chưa ngừng xôn xao về lệnh phong tỏa đột ngột. Loa phường liên tục phát đi thông điệp về việc mọi người tạm thời cách ly tại chỗ, không ra khỏi nhà cho đến khi có chỉ thị mới nhất.

Các nhân viên y tế trong bộ đồ trắng gõ cửa từng nhà, hỏi về lịch sử tiếp xúc với F1 và đề nghị xét nghiệm Covid-19 nếu cần thiết.

khu vuc phong toa Covid-19 anh 2

Mạnh Hùng lên Hà Nội sớm vốn là để ôn thi, sẵn sàng cho kế hoạch học tập, làm việc sau kỳ nghỉ lễ.

“Lệnh phong tỏa đột ngột như vậy khiến mình lo lắng cho công việc trên công ty. Tất nhiên, công ty tạo điều kiện cho mình ở nhà thôi, nhưng mong mọi chuyện sẽ diễn biến tốt đẹp vì mình đang có khá nhiều kế hoạch dang dở”, Linh Đan (26 tuổi), nhân viên của một công ty tư nhân, nói.

Thu Trang (24 tuổi), bạn cùng nhà thuê với Linh Đan, đáng lẽ có ngày đi làm đầu tiên ở công ty mới sau một thời gian thất nghiệp.

"Vậy mà chưa kịp ra khỏi cửa, ngõ đã bị chặn cứng. Nhưng trên hết, mình hiểu đây là việc nên làm”.

Đó cũng là tâm trạng chung của Mạnh Hùng (20 tuổi), sinh viên năm 2 ĐH Kinh tế Quốc dân và cậu bạn cùng phòng là Tiến Mạnh (20 tuổi), sinh viên năm 2 ĐH Bách Khoa.

Chia sẻ với Zing, họ từ Hải Phòng lên Hà Nội từ hôm 3/5 để sẵn sàng cho kế hoạch học tập, làm việc sau kỳ nghỉ lễ.

Hùng đang chuẩn bị cho kỳ thi ở trường và phỏng vấn xin làm thêm, còn Mạnh có lịch làm gia sư toán trên phố Lò Đúc.

“Lúc 21h hôm trước, mình biết có gia đình của bệnh nhân F1 ở cách đây khoảng 15 nhà thôi, nhưng không nghĩ cả ngõ bị phong tỏa ngay”, Mạnh chia sẻ.

khu vuc phong toa Covid-19 anh 3

Chiến Thắng dự định sẽ tiếp tục ôn tập bài vở và chăm sóc nhà cửa trong những ngày tiếp theo.


Hai tuần sẽ trôi rất nhanh

“Ôi thế là hôm nay ‘móm’ rồi, khỏi đi học, đi làm” là suy nghĩ đầu tiên của Chiến Thắng (24 tuổi), một nhân viên giao hàng, khi thấy rào chắn trước cửa ngõ.

“Ngõ này vốn thông 2 đầu phố Hồng Mai và Bạch Mai. Tối đi làm về, mình thấy mỗi đầu ngõ Hồng Mai bị chặn, không nghĩ là sáng sớm hôm sau, đầu ngõ còn lại cũng bị cấm đường”, anh nói.

Sốc thật vậy, nhưng điều đầu tiên Thắng thực hiện không phải "nhập hội" than thở chung với hàng xóm, mà là chụp ảnh rồi đăng lên mạng xã hội. Chàng trai muốn thông báo sự tình với bạn bè, người thân.

“Mình cũng không quá lo ngại vì bản thân đi học, đi làm từ sáng đến đêm, không tiếp xúc với gia đình có ca dương tính Covid-19. Nhà đó cũng nằm tận đầu ngõ Hồng Mai, cách xa so với nơi mình ở”, Thắng cho biết.

khu vuc phong toa Covid-19 anh 4

Hai bố con Thắng không quá lo lắng vì không tiếp xúc với gia đình của bệnh nhân F1 đầu ngõ.

Kể từ khi bùng dịch, Thắng đã trải qua vài lần giãn cách xã hội.

“Ở những lần trước, ai cũng ở nhà giống mình nên mình thấy bình thường. Lần này, có mỗi ngõ mình bị chặn cứng. Trong lúc mình ngồi nhà, ngoài đường họ vẫn thoải mái đi lại và làm việc. Điều đó làm mình thấy hơi buồn”, chàng trai nói.

Minh Đức (20 tuổi), em họ của Thắng sống cạnh nhà, cũng có chung tâm trạng với người anh. Tuy nhiên, chàng sinh viên năm 2 Cao đẳng Du lịch Hà Nội tìm cách để làm phấn chấn tinh thần.

“Đương nhiên mình buồn chứ. Ngoài ngõ, mọi người vẫn làm việc, còn mình thì nằm nhà. Nhưng không sao đâu, bởi việc phong tỏa cả ngõ là cần thiết để khoanh vùng, dập dịch. Hai tuần sẽ trôi nhanh thôi. Ngoài việc học, mình sẽ tranh thủ chơi điện tử và tập thể dục để tăng cường sức đề kháng”, cậu chia sẻ.

Bài học từ việc dửng dưng với khẩu trang khiến tái bùng dịch Covid-19

Sự chủ quan trong việc phòng, chống Covid-19 đã khiến nhiều nước lâm cảnh “vỡ trận”, xuất hiện vô số ổ dịch mới với quy mô lớn và khủng khiếp hơn.

Hồng Chang

Bạn có thể quan tâm