Thời gian qua, TP.HCM xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông làm 2 nạn nhân tử vong. Họ thiệt mạng nghi do truy đuổi cướp giật trên đường phố.
Trước tình trạng này, cảnh sát có những khuyến cáo để người dân bảo vệ được tài sản cũng như tránh gây ra nguy hiểm cho bản thân và người đi đường.
Không đeo túi xách, sử dụng điện thoại khi chạy xe máy
Từng chia sẻ với Zing về vấn đề cướp giật trên đường phố, thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho rằng người dân luôn nâng cao cảnh giác, ra đường không đeo nhiều trang sức. Trường hợp đeo trang sức, người dân cần cài kín cổ áo che.
Khi chạy xe máy trên đường, người dân không nên đeo túi xách, sử dụng điện thoại, để không tạo điều kiện cho kẻ xấu thực hiện hành vi cướp giật.
Cảnh sát điều tra nguyên nhân vụ tai nạn làm nam thanh niên tử vong trên đường Nguyễn Văn Quá. Ảnh: T.L. |
Ngoài ra, thượng tá Hà cảnh báo người dân hạn chế đi vào các tuyến đường vắng, vào các khung giờ ít người đi lại. Để an toàn, người dân nên chọn phương tiện taxi để di chuyển.
Lúc đi ăn uống, người dân chú ý quan sát, chọn vị trí ngồi không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, tránh ngồi nơi tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm cướp giật ra tay.
Trong trường bị giật điện thoại, trang sức, nạn nhân cần nhanh chóng truy hô, để nhận sự giúp đỡ từ người dân.
Hạn chế truy đuổi tốc độ cao
Một cán bộ cảnh sát hình sự thuộc Công an TP.HCM chia sẻ trường hợp người dân không may bị cướp giật trên đường phố thì nên hô hoán, gây sự chú ý để người dân đi đường phát hiện, giúp đỡ.
Trong trường hợp truy đuổi, người dân cần giữ khoảng cách, không nên chạy xe máy với tốc độ cao. Nếu thấy kẻ cướp giật chạy nhanh, manh động, thì người dân nên dừng lại việc truy đuổi để đảm bảo an toàn cho bản thân và người đi đường.
"Những kẻ cướp giật thường đi thành nhóm, thủ bình xịt hơi cay và dao. Người dân khi truy đuổi thì không nên áp sát, tránh trường hợp bị tấn công", vị cán bộ cho biết thêm.
Ngoài ra, cảnh sát này cho rằng khi bị cướp giật, thấy kẻ cướp “liều mạng” thì người dân nên dừng lại việc truy đuổi, ghi nhớ hình dáng nghi can, phương tiện, biển số xe và trình báo cơ quan công an.
Người thân đau lòng trước cái chết của nữ sinh nghi do đuổi cướp. Ảnh: Lê Trai. |
Là người có nhiều năm truy bắt cướp ở TP.HCM, “hiệp sĩ” Trần Văn Hoàng cho rằng với người dân bình thường, việc truy đuổi cướp là rất khó khăn. Nhất là những kẻ cướp giật chuyên nghiệp.
“Với cảnh sát, hoặc các ‘hiệp sĩ’, họ được trau dồi kinh nghiệm về việc chạy xe, áp sát kẻ cướp. Còn người dân tay ngang, khi đuổi cướp rất nguy hiểm, nhất là trong đêm vắng hoặc đi một mình”, ông Hoàng chia sẻ.
Theo ông Hoàng, người dân khi ra đường hay chủ quan, thường móc điện thoại ra nghe khi có cuộc gọi đến, tạo điều kiện để cướp giật ra tay. Để tránh bị mất tài sản, vị “hiệp sĩ” cho rằng người dân cần tấp xe vào lề đường, bấu chặt các ngón tay vào điện thoại trước khi đưa lên tai.
Nếu bị cướp giật, người dân nên truy hô, chỉ tay về hướng kẻ xấu để gây chú ý và nhận lấy sự giúp đỡ của người đi đường. Trường hợp không có nhiều sự hỗ trợ hoặc kẻ cướp phóng nhanh, nạn nhân nên trình báo sự việc lên công an.
"Truy đuổi không phải là cơ hội cuối cùng để lấy lại tài sản. Người dân cần bình tĩnh, tránh tâm lý tiếc của mà truy đuổi với tốc độ cao, gây nguy hiểm cho bản thân mình và người đi đường", ông Trần Văn Hoàng khuyến cáo.
Rạng sáng 21/4, chị N.T.V. (21 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) chạy xe đuổi theo 2 tên cướp trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, thì tông vào một chiếc xe lôi đang băng qua đường. Vụ việc làm nữ sinh tử vong tại chỗ.
Khuya 27/4, người dân sống trên đường Nguyễn Văn Quá phát hiện một nam thanh niên khoảng 20 tuổi lái xe máy truy hô cướp. Anh này đuổi theo một xe máy khác do hai người đàn ông cầm lái, hướng Trường Chinh về Chợ Cầu, quận 12.
Khi đến trước địa chỉ 539A Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận (quận 12), xe máy của nam thanh niên xảy ra va chạm, nạn nhân văng xuống đường tử vong.