Là một huấn luyện viên lặn biển, anh Nguyễn Văn Đức (39 tuổi, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) gần như hòa tan thời gian trong ngày của mình vào từng đợt sóng đại dương. Quá trình lặn biển, khám phá, ngắm nhìn vẻ đẹp của đáy đại dương luôn là những khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày của Đức.
Anh gắn bó, thân thiết và yêu biển đến độ tự nhận biển xanh là nhà của mình. Thế rồi năm 2001, trong những lần lặn biển, khám phá đáy đại dương, anh xót xa khi chứng kiến cảnh nhiều rặng san hô, hải quỳ, các loài cá đẹp,… bị hủy hoại, chết bởi rác thải.
Không thể ngồi yên khi thấy “căn nhà xinh đẹp” của mình chết yểu, Đức nghĩ đến chuyện tình nguyện nhặt rác ở đáy đại dương. Cứ thế, mỗi khi có thời gian rảnh, anh đều lặn, tìm cách nhặt, xử lý rác thải chìm sâu dưới mặt nước.
Anh Đức trong một lần đưa rác thải dưới đại dương lên tàu để đem đi xử lý theo quy định. |
Anh tâm sự: “Cũng như trên mặt đất, rác dưới biển cũng đủ mọi thành phần. Đó có thể là các phế phẩm do con người sinh hoạt rồi thải ra như: chai nhựa, thủy tinh, bịch nylon, thức ăn dư thừa… Ngoài ra còn có ngư cụ hỏng của ngư dân bị rơi, mắc lại dưới biển như: lưới ma, lưỡi câu...”.
“Nếu không được xử lý, rác thải này sẽ gây nguy hại đến hệ sinh thái biển, khiến nhiều loài sinh vật biển bị chết. Thương biển, không muốn vẻ đẹp của biển bị rác thải hủy hoại, tôi tình nguyện nhặt rác ngay khi có thời gian”, anh nói thêm.
Tuy nhiên, sau ít thời gian một mình ngụp lặn để nhặt rác dưới đáy biển, anh nhận ra rằng “một cánh én chẳng thể làm nên mùa xuân”. Anh nghĩ đến việc lan tỏa hành động này đến mọi người để có thêm nhiều bàn tay cùng mình làm sạch đáy đại dương.
Tuy vậy, việc nhặt rác dưới đáy biển rất cực, thậm chí nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc dọn rác trên bờ. Để có thể nhặt rác dưới đại dương, người nhặt phải có chuyên môn như sự cân bằng, giữ độ nổi thật chuẩn xác.
Người nhặt rác dưới đáy đại dương cũng phải thật khéo léo, không gây ảnh hưởng, tác động xấu đến hệ sinh thái của biển. Do đó, họ buộc phải trải qua quá trình đào tạo.
Anh Đức cho biết chừng nào còn sức khỏe, còn có thể lặn biển thì vẫn sẽ tiếp tục nhặt rác dưới đại dương. |
“Việc làm này cũng tiềm ẩn nguy hiểm. Bởi, nhiều lúc chúng ta phải với tay, bơi, lặn sâu vào những hốc đá, hang… dưới đáy biển để lấy rác. Điều đó có thể khiến người nhặt bị mắc kẹt hoặc đối mặt với các sinh vật biển nguy hiểm đang trú ngụ ở bên trong”, anh Đức nói.
Những yếu tố trên khiến việc lan tỏa hành động nhặt rác của anh Đức đến mọi người thêm khó khăn. Tuy vậy, anh không đầu hàng. Anh quyết định lồng ghép việc nhặt rác dưới đáy biển vào các khóa đào tạo lặn biển của mình.
Trong các khóa huấn luyện lặn biển, anh Đức luôn cố gắng để mọi học viên hiểu hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển. Từ đó, các học viên ủng hộ, tham gia cùng anh trong nỗ lực nhặt rác dưới đáy đại dương.
Anh Đức đưa hoạt động này vào các khóa huấn luyện lặn biển vì không phải ai cũng có thể tham gia nhặt rác dưới đại dương. Công việc này cần có những yêu cầu, tiêu chí cụ thể. Và, chỉ có những người có kinh nghiệm, được đào tạo cơ bản mới có thể tham gia.
Anh Đức và các học viên trong một lần lặn biển để nhặt rác. |
Anh nói: “Muốn nhặt rác đại dương, chúng ta phải hiểu được môi trường, hệ sinh thái dưới đáy biển. Bởi, mỗi tác động của người đi nhặt rác đều sẽ ảnh hưởng đến môi trường này. Do đó, người đi nhặt rác phải có kỹ năng nhất định để không làm ảnh hưởng đến môi trường của biển”.
“Nếu mình đi nhặt rác mà đạp gãy rạn san hô, khiến các sinh vật biển khác gặp nguy hiểm, làm đảo lộn môi trường sống của một quần thể nào đó… thì việc làm này không còn ý nghĩa. Đó là lý do tôi lan tỏa việc làm của mình đến các học viên học lặn biển”, anh giải thích.
Rác thải sau khi thu gom dưới đáy biển sẽ được anh và mọi người đưa lên tàu chờ sẵn trên mặt nước. Tàu này sẽ vận chuyển rác vào bờ, đưa đến nơi tập kết để phân loại, xử lý theo quy định.
Từ các khóa học như trên, việc làm ý nghĩa của anh Đức được lan tỏa rộng rãi. Hiện nay, ngày càng có nhiều nhóm, tổ chức phi lợi nhuận khác nằm trong cộng đồng yêu thích môn lặn biển thực hiện công việc ý nghĩa này.
Những hoạt động của anh Đức còn lan tỏa, ảnh hưởng đến những người không thuộc cộng đồng yêu thích môn lặn biển. Mỗi khi thấy anh tổ chức các hoạt động nhặt rác dưới biển, người dân, du khách, thậm chí là người nước ngoài… cũng tự nguyện tham gia.
Tùy vào khả năng của mỗi người, anh Đức tìm cách cho họ tham gia cùng mình làm sạch môi trường dưới đáy biển. Đối với các học viên, người tình nguyện chưa nắm vững kỹ năng bơi, có kinh nghiệm lặn biển, anh bố trí cho họ ở trên bờ vớt, nhặt rác trôi nổi hoặc giữ túi đựng rác cho người lặn.
Những ai đủ điều kiện lặn biển, anh hướng dẫn, hỗ trợ để họ tham gia nhặt rác cùng mình dưới đáy đại dương. Anh nói: “Tôi rất vui và trân trọng những người yêu thích công việc này. Bởi, rác ở ngoài biển thì ai cũng thấy nhưng không phải ai cũng chịu nhặt chứ chưa kể đến rác dưới biển sâu”.
“Phải là người thấy biển đẹp, sinh vật biển đẹp và yêu biển lắm mới có thể làm công việc này. Tôi luôn xem biển xanh là nhà nên khi nào còn sức khỏe, còn có thể lặn, tôi sẽ còn nhặt rác trong lòng đại dương”, anh chia sẻ thêm.