Người đàn ông nhập viện trong tình trạng tỉnh, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu dữ dội. Ảnh: Cenmorgo. |
Mới đây, ê-kíp các bác sĩ can thiệp mạch máu não, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, cho biết đã cấp cứu thành công một trường hợp đột quỵ xuất huyết não còn rất trẻ vào ngày 10/4.
Bệnh nhân là N.V.T., 32 tuổi (trú tại Vũ Xá, Lục Nam, Bắc Giang), được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Lục Nam lên cơ sở y tế này cấp cứu. Anh T. nhập viện trong tình trạng tỉnh, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu dữ dội. Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu não cho thấy hình ảnh xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình động mạch thông trước.
Nhận định đây là ca bệnh khó, ê-kíp can thiệp mạch máu não đã hội chẩn với các chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội). Sau đó, các bác sĩ quyết đinh can thiệp cấp cứu nút mạch cầm máu khối phình bị vỡ nhằm ổn định tình trạng xuất huyết và tránh nguy cơ tái xuất huyết cho người bệnh.
Ê-kíp bác sĩ Can thiệp mạch máu não cho bệnh nhân 32 tuổi bị đột quỵ. Ảnh: BVCC. |
Trong khoảng một giờ, các bác sĩ can thiệp đã tiến hành đưa dụng cụ can thiệp từ động mạch đùi lên đoạn mạch não bị tổn thương. Các chuyên gia tiếp cận túi phình động mạch thông trước và thực hiện cầm máu bằng kỹ thuật nút Coil dưới hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA).
Kết quả chụp kiểm tra lại cho thấy túi phình đã được bít tắc hoàn toàn, tuần hoàn động mạch não hồi phục trở lại.
Hiện tại, người bệnh được duy trì an thần, thở máy, không có tình trạng chảy máu tiến triển. Anh T. tiếp tục được điều trị và theo dõi sát sao tại khoa Hồi sức tích cực chống độc.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Xuân Trường, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Trưởng ê-kíp can thiệp mạch máu não, cho biết về mặt bệnh học đã giải quyết triệt để căn nguyên của xuất huyết não. Tuy nhiên, người bệnh xuất huyết nhiều nên vẫn cần được tiếp tục theo dõi sát.
Bác sĩ Trường cho hay phình mạch máu não là bệnh rất nguy hiểm, để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng và có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Do đó, khi có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tê yếu tay chân hoặc cảm thấy cơ thể có bất thường, người dân cần đến bệnh viện để tầm soát bệnh lý mạch máu não.
Bạn có thường xuyên quên để điện thoại ở đâu? Không nhớ ra mình đã khóa cửa nhà chưa? Hay quên cuộc hẹn quan trọng với đối tác? Bạn băn khoăn và lo lắng liệu có phải mình bị suy giảm trí nhớ hay không?
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả bác sĩ Trần Quốc Khánh chia sẻ các giải pháp giúp bạn cải thiện trí nhớ hiệu quả. Ngoài ra, cuốn sách cũng tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.