Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đàn ông 62 tuổi ẩn cư trên núi Bà hơn 1 tháng giữa dịch

Hơn 4 tuần sống giữa núi rừng Langbiang, khái niệm về thời gian của ông Sơn cũng dần nhạt nhòa.

“Tôi đang ở độ cao khoảng 1.800 m, cứ sau một thời gian lại di chuyển tới nơi khác để đỡ chán hoặc thuận tiện cho việc tìm củi. Trời ngày càng mưa nhiều hơn, gió cũng mạnh và rét hơn. Nhờ có nước mưa nên cũng đỡ tốn sức leo dốc đi lấy nước suối”, ông Trần Kim Sơn (62 tuổi, TP.HCM) nói với Zing từ đỉnh núi Bà, Langbiang, Lâm Đồng.

Giữa tháng 7, khi thông tin về dịch Covid-19 trở nên căng thẳng, ông cùng bạn đồng hành quyết định di chuyển từ TP Đà Lạt lên núi Bà sinh sống.

Nguoi dan ong 62 tuoi an cu tren nui Ba hon 1 thang anh 1

Ngày 15/8 là tròn một tháng ông Sơn và bạn đồng hành sống trên núi Bà.

Người đàn ông ở tuổi lục tuần từng là hướng dẫn viên du lịch tại Trung Quốc, có nhiều năm đi khắp đó đây, quen với cuộc sống du mục, cắm trại núi rừng. Với kinh nghiệm của mình, ông gói ghém hành trang chỉ gồm lều trại, bạt che mưa, quần áo ấm, một con dao và chiếc nồi nhôm.

“Tôi không quan trọng đồ nghề cắm trại phải hiện đại, chỉ cần đủ để chống chọi với mưa gió, nấu ăn qua ngày”, ông Sơn lý giải.

Ẩn cư giữa núi rừng

Tuần đầu tiên, ông Sơn hạ trại ở độ cao gần 2.000 m. Khung cảnh rừng thông ảm đạm khi xung quanh sương mù dày đặc, không khí ẩm ướt. Mỗi đêm mưa gió, ông chỉ lo lều bị lật tung.

Ở núi Bà mùa này, nhiệt độ thường ở mức 11-20 độ C, ông có áo khoác, giày và mũ để giữ ấm.

Cứ cách vài ngày, ông Sơn đi bộ xuống cửa hàng dưới chân núi mua gạo và thực phẩm. Ông cũng mang theo vài cục sạc dự phòng gửi ở đó để lần tới lấy về nạp pin cho chiếc smartphone cũ. Đây là vật dụng giúp ông ghi lại mọi chuyện diễn ra mỗi ngày và khoảnh khắc mà núi rừng ban tặng.

Nguoi dan ong 62 tuoi an cu tren nui Ba hon 1 thang anh 2

Thời gian đầu, cứ cách vài ngày, ông Sơn lại đi bộ xuống cửa hàng dưới chân núi mua gạo và thực phẩm.

Sang những ngày tiếp theo, khái niệm về thời gian với ông Sơn dần trở nên nhạt nhòa. Ông cùng bạn đồng hành dời lều trại xuống độ cao 1.800 m, xa vùng sương mù, mưa nhiều để tìm thêm ánh nắng và sự khô ráo.

“Việc này giúp chúng tôi cảm thấy dễ chịu và nấu nướng dễ dàng hơn”, ông kể.

Từ đó, tần suất xuống núi mua thực phẩm cũng thưa dần. Thay vào đó, ông đi khắp nơi tìm rau rừng mà những người Lạch (một nhánh của dân tộc K’Ho) mách cho. Họ cũng chỉ cho ông cách phân biệt một số loại nấm rừng nhưng ông chưa từng ăn thử.

Những chuyến lang thang càng thú vị khi ông bắt gặp những cây ngấy hương đỏ rực, căng mọng trên đường đi hay lỡ chân bước vào con đường mòn bí hiểm của dân thợ săn và tìm thấy vài chiếc bẫy cũ mèm.

Tuần thứ 4 bình lặng trôi qua. Trong khi thế giới đang phải chống chọi với đại dịch Covid-19, với ông Sơn, buổi sáng trên Langbiang vẫn là những ngày đẹp trời như chẳng biết đến chuyện ngoài kia.

Sau cơn mưa, rừng thông trở nên xanh mướt, hàng chục loài nấm thi nhau vươn khỏi mặt đất. Trên đường đi ra suối, ông nhặt chai nhựa mà du khách vứt lại để trữ nước.

“Những cơn thở dốc càng nhiều hơn, đôi vai và bước chân mau mỏi và thời gian ngồi nghỉ lấy hơi cũng lâu hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy thân thiết với ngọn núi này và chưa từng có thoáng nghĩ muốn rời xa nó”, ông nói.

Trải qua 20 ngày đêm sống cùng với sương mù, giá rét, ông Sơn nhận thấy chế độ ăn uống như nhà tu hành cũng không tệ, chỉ có sức khỏe tinh thần và thể chất bị bào mòn đôi chút. Để cân bằng với nhu cầu của cơ thể, ông cố gắng giảm bớt hoạt động.

Hai hôm trước, ông Sơn xuống núi để mua gạo, thuốc lá, trà mà với ông, là thứ không thể thiếu đối với những người đang sống trên núi và chịu lạnh. Ở trên cao, sóng điện thoại khi mạnh, khi yếu nhưng cũng đủ giúp ông không mất hoàn toàn kết nối với thế giới bên ngoài.

“Mục đích chính của chuyến lên núi lần này là tập luyện và rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho hành trình leo núi, cắm trại trên những ngọn núi cao vùng Tây Bắc vào khoảng đầu tháng 1, trong thời gian 1-2 tháng, chứ không phải trốn dịch như nhiều người nghĩ. Nếu không gặp trắc trở nào thì tháng 10, chúng tôi sẽ xuống núi để uống cà phê với bạn”, ông Sơn nói.

Ông cũng hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc để có thể trở về TP.HCM thăm gia đình và hoàn thành những dự định sắp tới.

Đi cắm trại hơn một tuần, 4 người kẹt ở núi Dinh 1,5 tháng vì dịch

Những ngày kẹt trên rừng, không có sóng điện thoại, anh Huy coi đây là khoảng thời gian tạm nghỉ, sống chậm lại để học thêm kỹ năng mới cho công việc.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm