Sau tai nạn kinh hoàng với container, ông Hồng bị cán dập nát nửa thân dưới, chỉ còn lại một chân. Ảnh: Bích Huệ. |
Ông Hồng nhớ nguyên cảm giác tỉnh dậy sau tai nạn, rờ xuống bụng chỉ thấy mềm oặt, ướt sũng. Cú va chạm kinh hoàng với container từ hơn 3 tháng trước đã vĩnh viễn lấy đi một nửa cơ thể của người đàn ông 53 tuổi.
Tuy nhiên, sức sống mãnh liệt và niềm tin vào tương lai của bệnh nhân đặc biệt này chưa giờ mất.
Tai nạn xé nửa cơ thể
Trên đường từ quận Bình Tân (TP.HCM) về Long An để đưa mẹ đi khám bệnh, ông Võ Minh Hồng không may va chạm với container. Cú tông trực diện khiến ông Hồng ngã nhoài ra đường, bánh xe cán thẳng qua người.
“Lúc tỉnh dậy, tôi thấy đông người vây quanh, container đỗ trước mặt, sờ sờ phía dưới thấy người ướt sũng, mềm oặt. Lúc đó, tôi đã biết có gì đó không ổn, hình như bị bánh xe cán qua”, ông Hồng bàng hoàng nhớ lại.
Sau tai nạn, ông Hồng vẫn nằm dưới lòng đường, không ngừng suy nghĩ. Tiếng gọi của người phụ nữ tốt bụng trong đám đông cắt đứt dòng suy nghĩ của ông Hồng.
“Sau khi đọc số điện thoại của vợ cho người này, tôi nghĩ bản thân không sống được nên yên tâm chợp mắt, dưỡng sức gặp vợ con và mẹ lần cuối”, người đàn ông kể.
Thời điểm nhập viện, ông Hồng được chẩn đoán đa chấn thương nửa người bên trái do vết thương dập nát đùi, rách nát tầng sinh môn, lóc da bìu lộ tinh hoàn, mất dương vật, đứt hoàn toàn trực tràng, vỡ bàng quang, đứt lìa, mất xương chậu, gãy xương đòn.
Ở Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Chánh, các bác sĩ băng kín nửa thân người dưới đã dập nát của ông Hồng, sau đó chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Chân trái và một phần bụng chậu của bệnh nhân bị xe cán dập nát, hiện còn mõm cụt. Ảnh: Nguyên Hạnh. |
Tại phòng cấp cứu, bác sĩ cố gắng kiểm tra dấu hiệu sống, đồng thời đưa thẳng ông Hồng lên phòng mổ. Vết băng phần bụng và các bộ phận cơ thể dập nát được bác sĩ giữ kín. Nếu mở, mọi thứ sẽ tràn ra ồ ạt.
Theo quy trình, bác sĩ trực cấp cứu sẽ ghi thông tin bệnh nhân và chỉ định các xét nghiệm cần thiết trước phẫu thuật. Tuy nhiên, với trường hợp ông Hồng, tất cả quy trình được rút gọn tối thiểu.
Nói về quyết định này, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ: “Quyết định làm theo quy trình thì dễ, không làm mới khó. Nếu không theo quy trình mà bệnh nhân tử vong, người nhà sẽ khiếu nại. Bác sĩ phải dựa trên kinh nghiệm lâu năm để đưa ra quyết định”.
Tờ giấy chỉ định ghi vội dòng chữ “chuyển phòng mổ, hủy y lệnh” đã mở đường cho hơn 100 ngày nỗ lực giữ mạng sống cho ông Hồng.
“Ca bệnh cả đời không bao giờ quên”
Ngay sau khi bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ, quy trình báo động đỏ toàn viện đồng thời được kích hoạt với ê-kíp mổ gồm 10 chuyên khoa.
PGS.TS Lâm Việt Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, tổng chỉ huy cuộc mổ, chỉ đạo mục tiêu hàng đầu là tập trung giữ lại mạng sống cho người bệnh.
TS.BS Châu Vĩnh Thuận, Phó trưởng khoa Tiết Niệu, nhận định tình trạng của ông Hồng là hội chứng tổn thương phức tạp đường tiết niệu dưới, chỉ còn một nửa xương chậu, mất chi, tổn thương đường tiêu hóa và toàn bộ cơ quan sinh dục ngoài.
Thời điểm tiếp nhận, bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Tuấn, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, đau đầu khi chứng kiến những tổn thương nghiêm trọng, hủy hoại một nửa chi thể.
“Với chấn thương này, theo y văn khó ai sống được, hơn 90% sẽ tử vong. Vấn đề khó khăn hơn là sau khi cắt rời các phần dập nát, phần còn lại của thân người cũng không còn da che phủ”, bác sĩ Tuấn nói.
Sau cuộc mổ, khi các vết thương được xử trí tạm thời, ổ bụng với nội tạng trơ trọi chưa liền da trở thành vấn đề nan giải tiếp theo.
PGS.TS Lâm Việt Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, lập nhóm chat đề nghị các bác sĩ báo cáo tình hình bệnh nhân mỗi ngày. Ảnh: Nguyên Hạnh. |
Lúc này, các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa đã sáng kiến tấm lưới chuyên dụng để che chắn, ngăn ruột tràn ra ngoài và nguy cơ nhiễm trùng. Tấm lưới này cũng trở thành màn ngăn neo giữ mạng sống cho ông Hồng suốt thời gian dài.
Khuyết hổng lớn sau cuộc mổ, phần ruột lộ ra ngoài và dịch chảy ồ ạt từ vết thương khiến bệnh nhân bị mất dinh dưỡng và dần rơi vào suy kiệt. Vấn đề bổ sung dinh dưỡng, ăn uống trở thành câu chuyện cấp thiết.
TS.BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng, trực tiếp lên phương án bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân qua từng giai đoạn. Dù đau đớn, ông Hồng vẫn cố gắng ăn đường miệng để dần cải thiện thể chất.
“Đây có lẽ là ca bệnh cả đời chúng tôi không bao giờ quên”, TS Tâm nói.
TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình, chia sẻ nhiều thời điểm không còn hy vọng cứu chữa. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của bác sĩ cùng với ý chí sống mạnh mẽ của ông Hồng, mọi cố gắng đã có quả ngọt.
Ông Hồng đã trải qua 112 ngày nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy, lần lượt được chuyển đến 6 khoa điều trị. Hiện tại, người đàn ông chỉ còn một chân. Chân trái cùng một nửa xương chậu dập nát dưới bánh container hiện chỉ còn mõm cụt.
Mất chân vẫn còn tay, còn sống là còn may
Hồi tỉnh sau ca phẫu thuật, ông Hồng liếc nhìn xuống phần cơ thể phía dưới, thấy chỉ chân phải sưng to, cả người nặng trịch. Tuy nhiên, ý chí sống khiến người đàn ông không rơi giọt nước mắt nào suốt 11 cuộc mổ đau đớn.
“Lần đầu mở mắt sau ca mổ, thấy đang nằm ở Chợ Rẫy, tôi đã biết mình đã sống lại. Còn sống là còn tất cả. Mất đi một chân cũng không sao, tôi vẫn còn đôi tay để làm việc. Còn giữ được mạng sống sau khi bị xe cán qua người đã là may mắn lớn”, ông Hồng chia sẻ với Zing.
Tuy nhiên, người đàn ông 53 tuổi vốn lạc quan, yêu đời cũng không cầm được nước mắt khi nghe tiếng mẹ khóc ngất qua điện thoại.
“Từ trước đến nay, tôi không bao giờ khóc. Nhưng khi nghe tiếng mẹ, nước mắt tự rơi. Vợ tôi cũng khóc theo. Tôi đã tắt điện thoại để lấy lại bình tĩnh. Một lúc sau mới gọi lại, nói dối mẹ rằng điện thoại hết pin”, ông nói.
Mất đi một chân cũng không sao, tôi vẫn còn đôi tay để làm việc
Ông Võ Minh Hồng
Thấy vợ khóc nhiều, ông Hồng đề nghị bà về nhà với hai con. Ông tự tìm thuê người chăm sóc, trả lương 15 triệu đồng/tháng.
Đợt Tết, được tạm xuất viện về nhà, con trai ông Hồng bẽn lẽn đứng sau rèm cửa, lạ lẫm nhìn người ba với thân thể không toàn vẹn. Vợ ông ôm cậu nhóc 11 tuổi, thủ thỉ bảo con trai đến ôm ba, đút nước cho ba uống.
“Tôi cố gắng dỗ dành, dụ con đến gần. Có lẽ, các con cần thời gian để thích nghi”, ông Hồng chùng giọng.
Hiện tại, ông Hồng phải dùng hậu môn nhân tạo. Thời gian tới, sau khi các vết thương ổn định, ông sẽ tập ngồi, tập đi xe lăn và thực hiện một số phẫu thuật khác để dần dần hoàn thiện thêm các chức năng cơ bản.
“Băn khoăn lớn nhất là sau này tôi sẽ khó khăn hơn khi muốn thăm mẹ. Cuộc sống gia đình phải nhờ vợ gánh vác nhiều hơn. Hiện tại, tôi thấy vẫn ổn và không buồn. Mỗi khi thấy dòng tin nhắn động viên của vợ, tôi lại được tiếp thêm sức mạnh để bước tiếp, dù chỉ bước bằng một chân”, ông Hồng chia sẻ.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.