Nam bệnh nhân hồi phục sức khỏe sau 112 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy với 11 cuộc phẫu thuật. Ảnh: Bích Huệ. |
Chiều 14/3, PGS.TS Lâm Việt Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), thông tin đơn vị này vừa phẫu thuật, cứu sống trường hợp gặp tai nạn giao thông rất nặng với phần thân dưới dập nát.
Bệnh nhân là ông V.M.H. (53 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM). Cuối tháng 10/2022, trên đường từ Long An về TP.HCM, ông H. lái xe máy va chạm với container và bị chiếc xe cán qua.
Ông H. được người dân địa phương đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Chánh sơ cứu, sau đó chuyển thẳng lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại khoa Cấp cứu, bác sĩ trực bỏ qua một số y lệnh, đưa thẳng bệnh nhân lên phòng mổ trong vòng chưa đến 30 phút.
"Kỹ năng cấp cứu tuyệt vời này đã tận dụng thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân", TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, đánh giá.
Thời điểm nhập viện, ông H. được chẩn đoán đa chấn thương nửa người bên trái do vết thương dập nát đùi, rách nát tầng sinh môn, lóc da bìu lộ tinh hoàn, mất dương vật, đứt hoàn toàn trực tràng, vỡ bàng quang, đứt lìa, mất xương chậu, gãy xương đòn.
Nhớ lại thời điểm phẫu thuật cho bệnh nhân đặc biệt này, bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Tuấn, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, nói: "Bệnh nhân gần như bị xé một nửa chi thể, mất một 1/2 khung chậu và tạng ổ bụng. Với chấn thương này, theo y văn, khó ai sống được, hơn 90% tử vong".
TS.BS Châu Vĩnh Thuận, Phó khoa Tiết Niệu, chia sẻ bên cạnh những tổn thương phức tạp vùng bụng chậu, bệnh nhân thậm chí có thể tử vong trước mổ vì sự đau đớn.
Bệnh nhân buộc cắt một chân, xương chậu và vùng bàng quang, cơ quan sinh dục ngoài do vùng tổn thương, hoại tử quá nặng. Ảnh: Nguyên Hạnh. |
Với sự chỉ đạo trực tiếp từ PGS Lâm Việt Trung, toàn bộ 10 chuyên khoa, gồm Cấp cứu, Gây mê hồi sức, Chấn thương chỉnh hình, Ngoại tiết niệu, Ngoại tiêu hóa, Phỏng - Tạo hình, Phẫu thuật mạch máu, Ngoại thần kinh, Bệnh nhiệt đới, Dinh dưỡng, phối hợp nhịp nhàng, tổ chức tổng cộng 11 cuộc phẫu thuật cho bệnh nhân.
"Giữ lại mạng sống cho người bệnh là điều cấp thiết được đặt lên đầu tiên. Bệnh nhân từng bước vượt qua thời điểm ngặt nghèo nhất khi mạch và huyết áp bằng 0, sau đó đến nguy cơ nhiễm trùng, thuyên tắc mạch, suy dinh dưỡng...", PGS Trung nhớ lại.
Trải qua cuộc mổ đầu tiên, phần bụng chậu ông H. được băng cố định bởi miếng lưới chuyên dụng ngăn ruột và nội tạng tràn ra ngoài. Sau nhiều cuộc mổ lớn nhỏ, vết thương dần thành hình và ổn định hơn, tuy nhiên, vị trí vết thương vẫn nhiễm trùng nặng, chảy dịch ồ ạt, hôi thối.
"Nhiều lần, chúng tôi tưởng chừng không có hy vọng. Khi vết thương được che phủ khá nhiều diện tích mất da, bệnh nhân hồi tỉnh, chia sẻ với chúng tôi bằng tất cả sự lạc quan và sức sống mãnh liệt, chúng tôi biết mọi cố gắng đã có quả ngọt", TS Ngô Đức Hiệp nói.
Đối với chức năng tiết niệu, nam khoa, ông H. hiện phải dùng thông bàng quang qua da suốt đời. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng bị mất gần như toàn bộ cơ quan sinh dục ngoài. Để làm chậm diễn tiến suy sinh dục, liệu pháp hormone thay thế suốt đời có thể là giải pháp.
Sau 11 cuộc mổ, tình trạng bệnh nhân ổn định. Vết thương hồi phục tốt và liền da, hậu môn nhân tạo hoạt động tốt. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể phải trải qua nhiều đợt điều trị, can thiệp để hoàn thiện chức năng sống trong thời gian về sau.
Ông H. đã trải qua tổng cộng 112 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Chi phí điều trị 380 triệu đồng, trong đó, bảo hiểm y tế thanh toán 240 triệu đồng.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.