Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), nam bệnh nhân Nguyễn Đình Liên (đã đổi tên, 27 tuổi), đến khám với tình trạng đau cổ chân trái, đi lại khó khăn, tình trạng kéo dài suốt một năm. Nam bệnh nhân thường xuyên đá bóng và gặp chấn thương.
Kết quả khám lâm sàng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho thấy tình trạng đau cổ chân trái khi tỳ đè, biên độ cổ chân bình thường, không sưng, nóng, đỏ.
Hình ảnh nang xương phình mạch xương sên trên phim cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ. Ảnh: BVCC. |
Chụp X-quang, bác sĩ nhận thấy ổ khuyết xương lớn chiếm gần toàn bộ thân xương sên trái. Bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp vi tính nhằm đánh giá mức độ phá hủy vỏ xương, kết quả nang xương lớn chiếm toàn bộ thân xương sên, chưa phá hủy vỏ xương. Đồng thời, bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ đánh giá tính chất u.
Bệnh nhân được phẫu thuật lấy u, ghép xương tự thân qua nội soi khớp cổ chân sử dụng ngõ vào phía sau.
Sau mổ, bệnh nhân được bất động bột cẳng bàn chân trong 6 tuần, tập phục hồi chức năng, tỳ chân sau 3 tháng.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao - Phó viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết chấn thương thể thao không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ trở thành mạn tính, khó phục hồi.
Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây ra những hệ quả cho người bệnh đó là làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến chức năng vận động bình thường của người bệnh.
Theo PGS Khánh, tỷ lệ bệnh nhân chấn thương khớp cổ bàn chân do chơi thể thao được tiếp nhận điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chiếm đến 70-80%, độ tuổi chủ yếu ở 20-35 tuổi.
“Nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng muộn hoặc do người bệnh chủ quan cố chịu đau, sau một thời gian không khỏi mới tìm đến bác sĩ. Có trường hợp để lại những biến chứng đáng tiếc như rách sụn chêm thứ phát, mòn sụn, làm giảm tuổi thọ của khớp. Đặc biệt, có không ít bệnh nhân bị sưng khớp, trật khớp, đau mỏi còn điều trị bằng thuốc nam, châm cứu… sẽ làm cho bệnh càng nặng hơn”, PGS Khánh khuyến cáo.