Ca bệnh lạ này được bác sĩ chuyên khoa I Lâm Phạm Phước Hùng, khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết tại Hội nghị khoa học Da liễu miền Nam quý IV, được tổ chức tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM sáng 25/12.
Dù xuất hiện từ lâu và có kháng sinh điều trị, bệnh giang mai đang có xu hướng tái xuất phức tạp. Lần quay lại này, giang mai không chỉ khiến số lượng ca nhiễm tăng cao, bệnh còn biến đổi với xu hướng phức tạp, khó điều trị hơn.
Hai bệnh nhân giang mai, một phụ nữ trên giường và một nam giới ngồi trên ghế, được miêu tả trong tranh khắc gỗ từ năm 1497. Ảnh: TheScientist/Jessica Wilson. |
Trước đó, bệnh nhân 31 tuổi, đang làm việc ở TP.HCM, đột nhiên giảm thính lực kèm chống mặt, ù tai. Khi triệu chứng nặng dần, bệnh nhân đến một cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và được chẩn đoán điếc chưa rõ nguyên nhân.
Bệnh nhân được làm một số xét nghiệm, trong đó có chụp cộng hưởng từ sọ não, kết quả không ghi nhận bất thường.
Kết quả đo thính lực đồ cho thấy bệnh nhân bị nghe kém dạng tiếp nhận mức độ trung bình ở cả 2 tai. Thính lực đồ là tiêu chí quan trọng trong chẩn đoán giang mai tai. Bệnh nhân được điều trị nhưng không có tiến triển. Hai tuần sau, người đàn ông này đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
“Chúng tôi nghi ngờ bệnh nhân bị giang mai tai nên chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để kiểm tra dịch não tủy. Kết quả cho thấy có bất thường ở dịch não tủy. Bệnh nhân này có đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán giang mai tai. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ điều trị giang mai tai”, bác sĩ Hùng nói.
Ngay sau kết thúc điều trị, bệnh nhân hồi phục tốt. Sau 6 tháng điều trị, bệnh nhân hồi phục thính lực bình thường, hết chóng mặt, còn bị ù nhẹ tai phải.
Theo bác sĩ Lâm Phạm Phước Hùng, giang mai tai có thể được xem là dạng lâm sàng hoặc một biến chứng của giang mai thần kinh. Xoắn khẩn giang mai có thể đi từ máu vào dịch não tủy, sau đó đến tai trong và gây các triệu chứng ở tai.
Do số lượng nhiễm giang mai ngày càng tăng trên thế giới cũng như ở Việt Nam nên những biến chứng hiếm gặp của giang mai có cơ hội xuất hiện trở lại. Giang mai tai là một trong số đó.
Giang mai tai cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Tỷ lệ cải thiện thính lực dao động 13-80% phụ thuộc chủ yếu vào việc phát hiện, điều trị sớm hay muộn. Nếu điều trị sớm, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn như trường hợp bệnh nhân nói trên. Nếu để muộn, bệnh nhân sẽ mất thính lực vĩnh viễn.