Bệnh nhân Từ Văn Hân (đã đổi tên, 49 tuổi, ở Lục Ngạn, Bắc Giang) được chẩn đoán basedow cách đây 7 năm, đã phẫu thuật bán phần tuyến giáp tại bệnh viện tỉnh.
Sau đó, ông gặp biến chứng khiến mắt trái bị lồi và buộc phải tiến hành phẫu thuật mắt tại Bệnh viện Quân y 103 và điều trị ổn định tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Tuy nhiên do chủ quan, lười tái khám, lơ là trong quá trình dùng thuốc, mắt trái của ông bị tổn thương lại tái phát và ngày càng trầm trọng thêm, loét giác mạc nặng và dẫn tới mất hẳn thị lực.
Do nhập viện quá muộn, mắt phải của bệnh nhân chỉ có thể được xử lý xẹp xuống còn mắt trái đã bị hỏng hoàn toàn không thể khôi phục.
Một bên mắt của bệnh nhân H. bị lồi lớn và mất hoàn toàn thị lực trong khi mắt còn lại cũng đang trong tình trạng lồi nhanh khó khăn trong việc quan sát. Ảnh: TQ. |
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Việt Hà, Trưởng khoa Bệnh lý tuyến giáp, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong bệnh basedow, lồi mắt là dấu hiệu hay gặp nhất.
Lồi mắt do basedow thực chất chỉ là một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất của “bệnh mắt liên quan tuyến giáp”. Biến chứng lồi mắt nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tổn thương và mất thị lực vĩnh viễn. Do đó, bệnh nhân basedow bên cạnh việc điều trị bệnh cũng cần có biện pháp điều trị theo dõi biến chứng lồi mắt để không ảnh hưởng tới thị lực, thẩm mỹ.
Bác sĩ Hà cũng cho biết nhiều bệnh nhân đi khám muộn hoặc điều trị không hiệu quả khiến mắt bị lồi quá mức, khó nhắm kín, mi hở, viêm loét giác mạc, tổn thương cơ quan mắt, thậm chí mù. Không chỉ sống chung với những biến chứng lồi mắt, nhiều người bệnh basedow còn bị suy kiệt, phụ nữ dễ lãnh cảm, rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, nam giới dễ mắc bệnh liệt dương. Bệnh basedow nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Để phát hiện sớm và phòng tránh những biến chứng có thể xảy ra, người bệnh cần được thăm khám và điều trị sớm theo chuyên khoa nội tiết và rối loạn chuyển hóa. Đặc biệt, người bệnh cần tuân thủ đúng đơn điều trị và tái khám đúng lịch theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.