Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác sĩ chạy xuồng trong đêm cứu người bị rắn cạp nong cắn

Khi ra thăm ruộng, người đàn ông 62 tuổi bị rắn cạp nong quấn vào cổ chân phải, sau đó thấy máu chảy ra.

Cạp nong là loài rắn độc, một gờ dọc rõ giữa sống lưng. Điểm nổi bật của loài này là khoang màu vàng, đen xen kẽ nhau. Ảnh: Thailand Snakes.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), bệnh nhân là ông L.Đ.T., 62 tuổi, thường trú tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn.

Theo thời bệnh nhân kể, trong đêm 9/8, khi ra thăm ruộng, ông bất ngờ bị con rắn cạp nong quấn vào cổ chân phải, sau đó thấy máu chảy ra ở cổ chân.

Bệnh nhân được gia đình chuyển ngay vào Phòng khám Đa khoa Khu vực Quan Lạn khám. Tại phòng cấp cứu, bệnh nhân được xử trí cấp cứu truyền dịch, tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván (SAT), kháng viêm...

Các bác sĩ nhận định ông T. có thể gặp diễn biến nặng, nguy cơ cao nên lập tức gọi đầu cầu Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn xin hội chẩn để chuyển bệnh nhân lên Trung tâm điều trị ngay.

Ngay trong đêm, ê-kíp cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn do bác sĩ Hoàng Thị Phân Thoa; điều dưỡng Trần Thị Tuyến, cùng ông Lê Văn Hân lái xuồng cứu thương lập tức lên đường đến Phòng khám Đa khoa Khu vực Quan Lạn đón bệnh nhân về điều trị.

ran cap nong can anh 1

Ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn chạy xuồng trong đêm đến cấp cứu cho bệnh nhân bị rắn độc cắn. Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn.

Sau khoảng hơn 2h chạy xuồng liên tục trong đêm, khoảng 1h30 sáng 10/8, kíp cấp cứu đã đón được bệnh nhân về Trung tâm để điều trị.

Tại khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức - Cấp cứu và Chống độc, bệnh nhân lập tức được các y bác sĩ khám và xử trí rửa vết thương, truyền dịch, giảm đau, chống viêm và làm các xét nghiệm cơ bản để đánh giá toàn trạng.

Sau một ngày theo dõi, chăm sóc và điều trị, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định. Dự kiến sang tuần bệnh nhân có thể được xuất viện.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Khắc Mạnh, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức - Cấp cứu và Chống độc, cho biết trường hợp ông T. rất may được đưa đến viện sớm để xử trí vết thương nên có thể hồi phục hoàn toàn, không ảnh hưởng đến tính mạng.

Với người bị rắn độc cắn, tính mạng có thể gặp nguy hiểm nếu nhập viện muộn. Nọc độc rắn có thể gây tình trạng liệt cơ hô hấp hoặc để lại di chứng liệt và hôn mê vĩnh viễn do não thiếu oxy kéo dài.

Do đó, khi bị rắn cắn hoặc gặp trường hợp bị rắn cắn, người dân cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị kịp thời, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Bác sĩ Mạnh khuyến cáo đề phòng rắn cắn, người dân cần:

- Biết về loại rắn trong vùng, biết khu vực rắn thích sống hoặc ẩn nấp.

- Đi ủng, giày cao cổ và quần dài, đặc biệt khi đi trong đêm tối, đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ.

- Càng tránh xa rắn thì càng tốt. Đặc biệt đầu rắn đã chết vẫn có thể gây độc tố cho người. Không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín.

- Không sống ở gần các nơi rắn thích cư trú như các đống gạch vụn, đống đỏ nát, rác, nơi nuôi các động vật của gia đình.

- Để tránh bị rắn biển cắn, người dân không nên bắt rắn ở trong lưới hoặc dây câu.

- Dùng đèn nếu ở trong bóng tối hoặc vào ban đêm.

Nhớ sống hạnh phúc nhé!

Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.

6 thời điểm cấm kỵ không nên đi tắm

Tại một số thời điểm, tắm rửa có thể gây hại cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Quế Lâm

Bạn có thể quan tâm