Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), đang điều trị cho bệnh nhân Y.T.K. (35 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk) bị rắn hổ mang chúa cắn.
Trước đó, ngày 20/9, người đàn ông này đang làm việc tại bờ suối thì nhìn thấy một con rắn hổ mang chúa dài 2,4 m nên đuổi theo để bắt. Bất ngờ, ông bị con vật quay lại cắn vào ngón thứ hai của tay phải. Bệnh nhân tự ga-ro cổ tay và được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Khoảng 3h sáng 21/9, bệnh nhân được chuyển đến đơn vị Chống độc. Xác định đây là trường hợp bị rắn độc cắn nhưng chưa biết loài nào, các bác sĩ yêu cầu gia đình mang con vật đến bệnh viện.
Bệnh nhân K. phải tháo một đốt ở ngón tay do nọc độc rắn hổ mang làm hoại tử vết thương. Ảnh cắt từ clip. |
"Dù con vật đã bị mất phần đầu, các bác sĩ xác định được bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn. Người này được truyền 5 lọ huyết thanh kháng độc tố", bác sĩ Ngân nói.
Sau khi truyền huyết thanh, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng hoại tử mô mềm cơ nên được chỉ định thay huyết tương. Người đàn ông này lại rơi vào tình trạng viêm cơ tim khiến mạch chậm. Các bác sĩ lập tức đặt máy tạo nhịp bên ngoài cho người bệnh.
Vị trí vết thương ở ngón tay bị hoại tử, mô cơ xương không giữ được, các bác sĩ chỉ định tháo khớp ở một đốt ngón tay của bệnh nhân.
Trên giường bệnh, ông K. cho biết hiện tại, sức khỏe tốt hơn nhiều so với thời điểm nhập viện. Công việc thường ngày của bệnh nhân là cắt củi, làm cỏ thuê… để nuôi gia đình gồm hai con nhỏ, hai người cha (cha ruột và cha vợ) đang bị tai biến.