Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đàn ông được làm cha sau 3 năm bị liệt

Bị liệt cả 2 chân, hỏng một bên mắt sau tai nạn giao thông, nhưng anh Trần Văn Đức đã vỡ òa khi có thể cùng vợ đón chào cặp song sinh.

Cùng vui đùa với 2 con trai Trần Minh Nhật, Trần Nhật Minh (một tuổi), anh Trần Văn Đức cùng vợ là chị Doãn Thị Thu Hoài (cùng 36 tuổi, ở Ninh Bình) không giấu được niềm hạnh phúc.

Trước đó, chỉ sau 10 tháng sau cưới nhau, khi còn chưa kịp có con, anh Đức bị tai nạn giao thông. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), anh được đưa tới trong tình trạng đa chấn thương, xệ cằm, hỏng mắt. Các bác sĩ chẩn đoán anh dập tủy sống cổ nên không thể can thiệp gì thêm. Anh được bệnh viện trả về trong tình trạng liệt hai chân và tay. Khả năng hồi phục gần như là số không.

“Thời gian nằm ở viện, chân tay tôi bất động nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo. Điều mong muốn duy nhất của tôi khi đó là có thể bò tới gần ổ điện để giải thoát bản thân”, anh Đức tâm sự.

Sau thời gian nằm viện, anh Đức phải nằm liệt giường suốt 2 năm. Suốt khoảng thời gian đó, người chồng luôn tìm cách để giải thoát bản thân nhưng bất thành.

Trái ngược thái độ buông xuôi của anh Đức, chị Hoài bỏ qua mọi lời khuyên đi bước nữa. Chị quyết tâm ở cạnh chồng. Hàng ngày, người vợ trẻ vẫn ân cần chăm sóc và động viên anh tập đi. Chị sẵn sàng đưa chồng đi khắp nơi, với mong muốn chồng có thể phục hồi.

“Không biết bao đêm tôi khóc thầm vì thương chồng và số phận mình, nhưng chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ cuộc”, chị Hoài kể.

Mưa dầm thấm lâu, anh Đức nhận ra rằng bản thân cần vì vợ mà cố gắng. Anh từng bước tập ngồi, sau đó dần lần theo thành giường tập đi… Chỉ sau một năm, nỗ lực ấy đã được đền đáp, anh có thể chập chững những bước đi đầu tiên.

Co con sau 3 nam bi liet anh 1

Vợ chồng anh Đức cùng 2 con trai. Ảnh: Minh Thư.

Nhờ sự nỗ lực bất chấp số phận, anh Đức hiện tại đã có thể đi lại từng bước dù vẫn còn mệt nhọc. Hai tay anh có thể hoạt động trừ một số hành vi tinh xảo như cầm dao, kéo. Cuộc sống của hai anh chị cũng từ đó mà thêm hy vọng.

Anh Đức chia sẻ suốt quãng thời gian bị liệt, anh chị dù khao khát nhưng chưa bao giờ dám nghĩ mình có thể có con. Anh dường như từ bỏ hy vọng. Hơn hết, quá trình điều trị cho anh đã tốn không ít tiền bạc. Với số nợ khổng lồ, trong khi chỉ phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi từ nghề công nhân của chị Hoài, cuộc sống với anh chị quả thực rất khó khăn.

Anh chị từng ra Hà Nội thăm khám. Do không đủ kinh phí làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), hai vợ chồng quyết định thực hiện phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung). Thế nhưng, lần đó thất bại.

Mọi thứ tưởng chừng như chấm hết với đôi vợ chồng. Thế nhưng, đầu năm 2020, anh chị may mắn nhận được suất hỗ trợ miễn phí 100% làm IVF.

Trong lần chuyển phôi đầu tiên, chị Hoài đã thành công. Trong quá trình mang thai, chị Hoài vẫn phải chăm chồng, đi làm công nhân may và một mình đi khám thai. Nhưng chị vẫn vui vì niềm mong ước bấy lâu đã thành hiện thực.

“Ngày vợ vào viện đẻ tôi không đi cùng được, chỉ ngồi nhà dõi theo qua điện thoại. Đến khi hai con chào đời bằng phương pháp sinh thường, tôi ôm mặt khóc rưng rức”, anh Đức xúc động.

Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Nam học (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) - cho biết vợ chồng anh Đức và chị Hoài là trường hợp đặc biệt, nhất là nghị lực vươn lên trong cuộc sống và nỗ lực không biết mệt mỏi để có được con yêu.

Theo bác sĩ Việt, anh Đức bị chấn thương tủy sống cổ nên ảnh hưởng đến phản xạ xuất tinh. Do đó, anh khó có con tự nhiên.

"Với chấn thương dập tủy sống, một số trường hợp có thể điều trị được nhưng sẽ gặp khó khăn, cơ hội sinh con rất thấp. Còn trường hợp anh Đức, sau khi thăm khám, chúng tôi nhận thấy tinh hoàn không bị teo, chất lượng tinh trùng khá ổn. Do đó, chúng tôi thực hiện tìm tinh trùng trong tinh hoàn và thụ tinh cho người vợ. Ở trường hợp này, việc tìm tinh trùng không phức tạp, không cần phải thực hiện vi phẫu bắt tinh trùng", bác sĩ Việt chia sẻ.

Qua trường hợp này, bác sĩ này cho hay hiện nay mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn tới vô sinh, hiếm muộn đến từ môi trường, sinh hoạt, đồ ăn, cùng sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các cặp đôi vẫn có cơ hội sinh con. Do đó, người dân không nên từ bỏ, cần thăm khám kỹ càng để được giúp đỡ.

Những người không bỏ cuộc trong hành trình tìm con

Các cặp vợ chồng tìm đến khám và điều trị hiếm muộn với những nỗi niềm khác nhau. Trong đó, nhiều trường hợp tưởng chừng không bao giờ có thể có con.

Minh Thư

Bạn có thể quan tâm