Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người không bỏ cuộc trong hành trình tìm con

Các cặp vợ chồng tìm đến khám và điều trị hiếm muộn với những nỗi niềm khác nhau. Trong đó, nhiều trường hợp tưởng chừng không bao giờ có thể có con.

Hiếm muộn được các chuyên gia xác định trong trường hợp một cặp vợ chồng có tần suất giao hợp đều đặn, không sử dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào, nhưng sau 6 tháng (đối với người vợ từ trên 35 tuổi) hoặc 12 tháng (đối với người vợ dưới 35 tuổi) vẫn chưa thể thụ thai tự nhiên.

Tại Việt Nam, ước tính gần 8% dân số gặp khó khăn trong vấn đề có con. Khi đó, họ phải kiên trì để nhận được trái ngọt là những đứa con xinh xắn sau nhiều năm, thậm chí hơn chục năm mòn mỏi.

Vợ chồng anh Lê Duy Hải (sinh năm 1982) và chị Đặng Thị Thùy Trang (sinh năm 1986) ở TP Nam Định, tỉnh Nam Định, là một trong số đó. Cùng chơi với cặp đôi song sinh một trai, một gái, vợ chồng anh không ngớt nụ cười trên môi. Anh chia sẻ đó là kết quả sau 9 năm chạy chữa khắp các bệnh viện ngoài Bắc của 2 vợ chồng.

Anh Hải là con trưởng. Chị Trang bị hẹp vòi trứng nên rất khó có con. Gia đình mong ngóng có con song chưa bao giờ gây áp lực lên vợ chồng anh Hải. Đó là động lực tiếp thêm sức mạnh để anh và vợ chiến đấu suốt 9 năm trời.

Hanh trinh tim con cua vo chong hiem muon anh 1

Cô giáo Phạm Thị Bích và con gái 14 tháng tuổi sau 13 năm chạy chữa. Ảnh: L.P.

Còn đối với cô giáo Phạm Thị Bích (43 tuổi, ở Lai Châu), hành trình tìm con được chị chia sẻ là “mòn mỏi về tinh thần, kiệt quệ về kinh tế”. Bởi vợ chồng chị mất đến 13 năm mới có được một bé gái. Hiện bé được 14 tháng tuổi.

Chị chia sẻ chồng chị tinh trùng yếu và ít nên suốt quãng thời gian đó, chị chưa từng mang thai dù đã uống vô số thuốc theo lời mách bảo. Cuối năm 2019, anh chị mới quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm. Song ở độ tuổi ngoài 40, dự trữ buồng trứng của chị còn rất ít. Chị phải chọc trứng 2 lần liên tiếp mới dồn đủ trứng để tạo phôi. Kết quả cũng chỉ một phôi đậu và may mắn đã mỉm cười với cặp vợ chồng này sau một quãng thời gian rất dài.

Nhớ lại hành trình của mình, chị Bích kể có đôi lần họ cảm thấy nản lòng vì không có kết quả tốt song chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ dừng lại. “Đôi lúc, tôi cũng nản, định dừng lại. Nhưng 1-2 năm sau, mọi người lại động viên, mình càng cố gắng hơn. Dù mệt mỏi, kiệt quệ. May mắn, gia đình 2 bên luôn ủng hộ chúng tôi”, nữ giáo viên chia sẻ.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khắc Lợi cho hay những ca tìm đến khám và điều trị hiếm muộn với nhiều nỗi niềm khác nhau. Trong đó có những trường hợp tưởng chừng không bao giờ có thể có con như vợ chồng anh Ma Minh Ngọc và chị Đỗ Thị Minh Thu (ở Nam Định).

Anh Ngọc mắc hội chứng Klinefelter. Nam giới mắc hội chứng này có một cặp nhiễm sắc thể giới tính X thay vì chỉ có một nhiễm sắc thể X, có bộ nhiễm sắc thể 47XXY (bình thường là 46XY) với đặc trưng là suy sinh dục, rối loạn nội tiết, tinh hoàn teo nhỏ, khả năng sinh tinh kém hoặc không sinh tinh.

Cuối cùng, nhờ được can thiệp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng micro tese và thực hiện IVF với trứng của vợ, anh chị đã hạnh phúc đón bé sau nhiều năm nỗ lực chạy chữa.

Gia đình chị Nguyễn Thị Huệ - anh Hà Khánh Cương (Thái Nguyên) cũng không may khi 2 vợ chồng mang gene lặn tan máu bẩm sinh. Dù anh chị không bị biểu hiện thành bệnh, khi lấy nhau và sinh con tự nhiên, khả năng cao đứa trẻ sẽ mắc bệnh do di truyền từ bố mẹ. Trường hợp này bắt buộc phải thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và chẩn đoán di truyền tiền làm tổ trước chuyển phôi mới có thể sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh.

Theo bác sĩ Lợi, tỷ lệ thành công của các ca hỗ trợ sinh sản hiện nay khoảng 65-70%. Đồng hành cùng các cặp vợ chồng trong hành trình chạm đến ước mơ thiêng liêng, ông cho rằng trái ngọt của họ không chỉ minh chứng cho những điều kỳ diệu của y học hỗ trợ sinh sản hiện nay tại Việt Nam mà còn là động lực cho những ai đang trong hoàn cảnh tương tự có thêm hy vọng.

Bé trai bị xuất huyết não 3 lần vì gene bệnh di truyền từ mẹ

Mắc bệnh máu khó đông, bé trai bị sưng đỉnh đầu, xuất huyết não, thường xuyên phải nhập viện để truyền máu.

Ngọc Minh

Bạn có thể quan tâm