Lần đầu tiên tiến sĩ Marcia Herman-Giddens nhận ra điều gì đó đang thay đổi trong cơ thể của các bé gái là vào cuối những năm 1980. Khi ấy, bà đang là Giám đốc Đội Lạm dụng trẻ em tại Trung tâm Y tế Đại học Duke ở Durham, New York, Mỹ. Trong quá trình đánh giá các trẻ nữ, cô gái bị bạo hành, bà nhận thấy nhiều người trong số họ đã phát triển ngực ở độ tuổi lên 6 hoặc 7, theo New York Times.
“Điều đó có vẻ không đúng”, tiến sĩ Herman-Giddens, hiện là Giáo sư trợ giảng tại Trường Y tế Công cộng Toàn cầu Gillings thuộc Đại học North Carolina, Mỹ, cho biết. Bà tự hỏi liệu các bé gái phát triển ngực sớm có khả năng bị lạm dục tình dục nhiều hơn không. Song, vị chuyên gia không thể tìm thấy bất kỳ dữ liệu nào theo dõi quá trình bắt đầu dậy thì ở các bé gái tại Mỹ. Vì vậy, tiến sĩ Herman-Giddens quyết định bắt tay vào thu thập nó.
Làn sóng dậy thì sớm ở hàng chục quốc gia
Một thập kỷ sau câu hỏi đầy vĩ mô, tiến sĩ Marcia Herman-Giddens công bố nghiên cứu về hơn 17.000 bé gái đã khám sức khỏe tại các văn phòng bác sĩ nhi trên khắp nước Mỹ. Kết quả tiết lộ con số đầy bất ngờ.
Trung bình, các bé gái ở những năm 1990 đã bắt đầu phát triển ngực - dấu hiệu đầu tiên của dậy thì - vào năm 10 tuổi, sớm hơn một năm so với ghi nhận trước đó. Tình trạng dậy thì sớm thậm chí còn rõ nét hơn với các bé gái da đen, trung bình bắt đầu phát triển ngực vào năm 9 tuổi.
Khi phát hiện những điều này, tiến sĩ Herman-Giddens và các cộng sự trong ngành y tế đã rất sốc. Các nghiên cứu về dậy thì sớm không chỉ xuất hiện tại Mỹ mà nó trở thành làn sóng của hàng chục quốc gia. Tuổi dậy thì của bé gái đã giảm khoảng 3 tháng sau mỗi thập kỷ từ năm 1970 đến nay. Tình trạng tương tự cũng được quan sát thấy ở các bé trai.
Các chuyên gia lo ngại dậy thì sớm có thể gây nhiều tác hại với trẻ, đặc biệt là bé gái. Trẻ em gái dậy thì sớm có nguy cơ bị trầm cảm, lo lắng, lạm dụng chất kích thích và các vấn đề tâm lý khác cao hơn nhóm dậy thì muộn. Các cô gái có kinh nguyệt sớm cũng có nguy cơ cao bị ung thư vú, ung thư cổ tử cung khi trưởng thành.
Dậy thì sớm khiến trẻ ảnh hưởng về tâm lý lẫn thể chất, nhất là với bé gái. Đồ họa: Eleni Kalorkoti. |
Nguyên nhân?
Không nhà nghiên cứu nào biết yếu tố rủi ro khiến tình trạng dậy thì sớm ngày càng gia tăng. Tiến sĩ Anders Juul, bác sĩ nội tiết nhi tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch, người đã công bố hai nghiên cứu gần đây về việc hiện tượng, cũng phải thừa nhận: “Chúng tôi không biết nguyên nhân là gì”.
Một số giả thuyết cho rằng béo phì có thể đóng vai trò nào đó, song, điều này không thể giải thích đầy đủ cho làn sóng thay đổi.
Vào khoảng thời gian tiến sĩ Herman-Giddens công bố nghiên cứu mang tính bước ngoặt của mình, tiến sĩ Juul và cộng sự cũng kiểm tra sự phát triển ngực của nhóm 1.100 bé gái tại Copenhagen. Không giống trẻ em Mỹ, nhóm tình nguyện viên ở Đan Mạch có sự phát triển phù hợp với bình thường. Các bé gái bắt đầu phát triển ngực ở độ tuổi trung bình là 11 tuổi. Vì vậy, ông Juul cho rằng tình trạng dậy thì sớm ở Mỹ có thể liên quan sự gia tăng béo phì trẻ em - điều không xảy ra tại Đan Mạch.
Béo phì có liên quan kinh nguyệt sớm ở bé gái từ những năm 1970. Nhiều nghiên cứu cho thấy các cô gái thừa cân, béo phì có xu hướng có kinh nguyệt sớm hơn. Năm 2003, trong một nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ trên gần 1.200 bé gái ở Louisiana, Mỹ, các tác giả phát hiện mỗi độ lệch chuẩn trên trọng lượng thời thơ ấu khiến nguy cơ có kinh nguyệt trước 12 tuổi tăng gấp đôi.
Năm 2021, các nhà nghiên cứu tại Anh phát hiện leptin hoạt động trên phần não điều chỉnh sự phát triển của giới tính. Đây là loại hormone được tiết ra bởi các tế bào mỡ có tác dụng hạn chế cảm giác đói. Chuột và những người có đột biến gene nhất định ở vùng này đã trải qua quá trình phát dục muộn hơn.
Tiến sĩ Natalie Shaw, Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia, tác giả chính, cho rằng vẫn còn nhiều tranh cãi béo phì là nguyên nhân chính dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ. Nhiều bé gái phát triển sớm không bị thừa cân. Do đó, béo phì không phải câu trả lời đầy đủ cho làn sóng dậy thì sớm đang gia tăng. Nó chỉ khiến tốc độ dậy thì sớm diễn ra nhanh hơn.
Thừa cân, béo phì được cho là một trong những nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ. Ảnh: Freepik. |
Giả thuyết thứ hai mà tiến sĩ Juul quan tâm đó là vai trò của hóa chất. Ông cũng là người tiên phong ủng hộ quan điểm phơi nhiễm hóa chất là nguyên nhân chính gây dậy thì sớm. Những cô gái phát triển ngực sớm nhất trong nghiên cứu năm 2009 của ông có nồng độ phthalate trong nước tiểu cao nhất. Đây là chất được sử dụng để làm cho nhựa bền hơn. Nó có mặt trong mọi thứ chúng ta dùng hàng ngày như hộp xốp, mỹ phẩm, kem đánh răng…
Phthalate cũng còn được gọi là hóa chất gây rối loạn nội tiết, có thể ảnh hưởng hoạt động của hormone và trở nên phổ biến trong môi trường trong vài thập kỷ qua. Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy nó khiến trẻ dậy thì sớm hơn nhiều.
Trong một bài báo được xuất bản vào tháng 4, tiến sĩ Juul và cộng sự phân tích hàng trăm công trình về các chất gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng với tuổi dậy thì. Cuối cùng, họ không thể chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa bất kỳ chất hóa học nào với tốc độ dậy thì sớm.
Bên cạnh đó, những yếu tố như căng thẳng, lối sống cũng được xem xét. Song, từng yếu tố không thể giải thích trọn vẹn cho làn sóng dậy thì sớm đang gia tăng. Các chuyên gia cho rằng tất cả điều này đều đóng vai trò nào đó và chúng ta chưa thể lý giải được.
Có cần thay đổi thang đo về tuổi dậy thì?
Trong nhiều thập kỷ, sách giáo khoa xác định các giai đoạn dậy thì bằng Thang đo Tanner, dựa trên những quan sát chặt chẽ từ năm 1949 đến năm 1971 của khoảng 700 trẻ em gái và trẻ em trai sống trong trại trẻ mồ côi ở Anh.
Thang đo xác định tuổi dậy thì bình thường là bắt đầu từ 8 tuổi trở lên đối với trẻ em gái và 9 tuổi trở lên với trẻ em trai. Nếu tuổi dậy thì bắt đầu sớm hơn ngưỡng này, các bác sĩ sẽ phải sàng lọc trẻ mắc chứng rối loạn nội tiết hiếm gặp hay không. Đây là chứng bệnh có thể khiến trẻ dậy thì sớm ngay khi còn nhỏ. Trẻ mắc chứng rối loạn này thường được chụp cắt lớp não và dùng thuốc ngăn chặn tuổi dậy thì theo quy định để trì hoãn sự phát triển giới tính cho đến một độ tuổi thích hợp.
Nhưng một số chuyên gia cho rằng chúng ta nên hạ thấp ngưỡng tuổi báo động dậy thì sớm. Bởi nếu không, các em bé khỏe mạnh có thể bị xếp vào nhóm này, phải trải qua nhiều thủ tục y tế không cần thiết, tốn kém.
Tiến sĩ Paul Kaplowitz, Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia ở Washington, Mỹ, cho hay: "Có rất nhiều dữ liệu cho thấy 8 tuổi không phải ngưỡng tối ưu để phân biệt bình thường với bất thường". Năm 1999, ông lập luận giới hạn tuổi dậy thì bình thường nên giảm xuống 7 tuổi ở trẻ em gái da trắng và 6 tuổi ở trẻ em gái da đen.
Quan điểm đó được củng cố bởi một nghiên cứu gần đây từ nhóm của tiến sĩ Juul. Công trình này cho thấy trong số 205 trẻ dậy thì dưới 8 tuổi được quét não, chỉ 1,8% trẻ em gái và 12,5% trẻ em trai có bất thường ở não - dấu hiệu của dậy thì sớm trung ương.
Tuy nhiên, việc giảm giới hạn tuổi vẫn còn gây tranh cãi. Với nhiều bác sĩ nhi khoa, nguy cơ mắc chứng rối loạn vẫn khá lớn. Nếu giảm độ tuổi, chúng ta có thể bỏ sót nhiều trẻ mắc bệnh.